Sự kiện hot
7 năm trước

‘Chưa đến 1.000 người đặt hàng Bphone 2 chứng tỏ danh tiếng không làm nên thương hiệu’

Đó là nhận định của ông Trần Đức Tâm, trưởng đại diện Z.com ở Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2017. Theo ông Tâm, thương hiệu được định vị dựa trên 3 yếu tố là sản phẩm, thị trường và trên chính đối thủ cạnh tranh.

Ông Tuấn Hà (ngoài cùng bên phải) phân tích 3 quy luật trong tâm lý của khách hàng, đó là quy luật “mỏ neo”, quy luật “giá hời” và quy luật “khung thử”. (Ảnh: Linh Lê)

Tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (VOMF) 2017 tổ chức tại Hà Nội hôm nay (ngày 17/8), ông Trần Đức Tâm, trưởng đại diện Z.com tại Việt Nam nhận định: “Trong thời buổi bùng nổ internet hiện nay, mỗi ngày chúng ta tiếp cận với hơn 100.000 từ ngữ, 34 GB hình ảnh, video... Vì vậy, thương hiệu mạnh là thương hiệu phải đi vào tâm trí của khách hàng. Danh tiếng không làm nên thương hiệu, ví dụ điển hình là rất nhiều người biết đến Bphone nhưng chỉ có chưa đến 1.000 người đặt hàng mua hàng”.

Ba yếu tố tạo nên thương hiệu mạnh là danh tiếng, chất lượng và cảm xúc. Ảnh hưởng của thương hiệu đến quyết định mua hàng của NTD thể hiện qua khảo sát 1.000 người muốn mua máy nghe nhạc, có 57,7% chọn mua máy của hãng Sony và chỉ có 4,3% chọn sản phẩm của Sanyo (còn lại không chọn).

“Việc định vị thương hiệu chính là chiếm giữ hình ảnh trong tâm trí khách hàng. Cụ thể, thương hiệu được định vị dựa trên sản phẩm (giá thành, chất lượng, đặc tính...); dựa trên thị trường (quy mô, nhu cầu, tương lai...) và dựa trên chính đối thủ cạnh tranh (ưu nhược điểm và thị phần...). Những thương hiệu nhỏ thì tôi khuyên nên tập trung vào phát triển sản phẩm”, ông Tâm nói.

Ví dụ, Vietjet Air được định vị thương hiệu là hãng hàng không chiếm lĩnh thị phần nội địa số 1 (định vị dựa theo thị trường); hay Baidu chiếm đến 76% thị phần tại Trung Quốc khi tập trung phát triển tìm kiếm bằng Hán tự, trong khi Google chỉ chiếm 1,8% (định vị dựa trên đối thủ cạnh tranh)...

Tuy nhiên, thương hiệu không phải là yếu tố duy nhất tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng (NTD). Ông Tuấn Hà, đại diện VAG phân tích 3 quy luật trong tâm lý của khách hàng, đó là quy luật “mỏ neo”, quy luật “giá hời” và quy luật “khung thử”.

“Cụ thể, NTD sẽ “neo” (phụ thuộc) vào rất nhiều yếu tố để quyết định có mua hàng hay không như xuất xứ sản phẩm, số lượng sản phẩm, công sức bỏ ra để sản xuất sản phẩm, bao bì sản phẩm, ý kiến, nhận xét của người dùng trước về sản phẩm, chứng nhận của các tổ chức chuyên môn về sản phẩm...”, ông Hà phân tích.

Còn quy luật “giá hời” được giải thích là khi khách hàng biết giá “niêm yết” của sản phẩm thì sẽ cân nhắc, giá bán càng xa hơn so với giá thực ban đầu mà khách biết thì họ sẽ càng cân nhắc và nhiều khả năng sẽ quyết định không mua hàng nữa. Nắm được tâm lý này nên nhiều nhà sản xuất không đi sâu vào quảng cáo chất lượng sản phẩm nữa mà tập trung vào giới thiệu giá sản phẩm.

Khách hàng tin rằng họ mua được sản phẩm với giá hời khi sản phẩm có số lượng hạn chế, khi mua được sản phẩm bằng giá bán buôn, khi mua được suất vốn khó mua hay khi mua sản phẩm được tặng kèm những phần quà giá trị...

Đại diện VAG nói thêm: “Cuối cùng, quy luật “khung thử” là ai cũng muốn thử cái mới bởi tâm lý ham của lạ và họ sẵn sàng chi tiền để thử, nhưng mỗi người lại có mức chịu chi khác nhau. Ví dụ, Apple bán một loại ốp lưng điện thoại có kèm chức năng sạc pin và bán với giá 300.000 thì có rất nhiều người muốn mua dùng thử, nhưng nếu giá bán là 600.000 nghìn thì số người có ý định mua dùng thử chắc chắn sẽ giảm xuống”.

Linh Lê
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: