Chùa Hang nằm ở phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 3 km về phía bắc, bên trái quốc lộ 1B, hướng Thái Nguyên đi Lạng Sơn. Chùa có nhiều đặc thù của miền sơn cước, nên đã được chọn đưa vào tuyển tập 100 ngôi chùa Việt Nam tiêu biểu xuất bản lần đầu năm 2011. Theo tương truyền, đây là ngôi chùa cổ có từ thế kỷ XI và đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1999.
Mảnh đất chứa đầy huyền thoại
Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV có ghi: núi đá Chùa Hang là núi Hóa Trung (núi nghiên), còn sách “Đại nam thống nhất chí” về triều nhà Nguyễn có ghi: núi Chùa Hang gọi là núi Long Tuyền vì trong lòng hang có suối Long Tuyền đi ngầm về hướng Tây - Nam, chảy ra cách chùa chừng hơn 500m thì có một ngách phun lên thành một vũng to tròn sâu, quanh năm nước tràn đầy trong mát và được gọi là giếng Mắt Rồng.
Di tích thắng cảnh Chùa Hang có 3 ngọn núi đá lớn độc lập trên một vùng đất bằng phẳng, ngọn ở giữa tên là “Huyền Vũ” hai bên là ngọn “Thanh Long” - “Bạch Hổ”, ba ngọn núi uy nghi đứng kề nối nhau bởi dải yên ngựa chạy dài chừng 1000m, từ phía Tây nhìn vào 3 ngọn xếp hình tay ngai uy nghi, bề thế trầm mặc nhìn xuống dòng sông Cầu hiền hòa thơ mộng.
Trao đổi với Đại đức Thích Đức Trí - QuyềnTrụ trì Chùa Hang chia sẻ: căn cứ vào các văn bản lịch sử và các văn bia cổ trên vách đá trong hang ghi thì Chùa Hang còn có tên gọi là “Tiên Lữ Động”, gắn với một huyền thoại được lưu truyền trong dân gian là trên núi Chùa Hang thường có các vị tiên xuống dạo chơi, đánh cờ và tắm mát ở giếng Mắt Rồng, trong đó có nàng tiên thứ Bảy vì yêu người, mến cảnh nơi đây mà đã phạm vào luật tiên giới nên bị Ngọc Hoàng nổi giận đẩy vào hang vắng cấm không cho về thiên cung nữa, cho nên động trong núi mang tên “Tiên Lữ Động”. “Chùa Hang cảnh sắc đẹp thay/… Ngày xưa tiên xuống đây chơi/ Yêu người mến cảnh đường mây quên về/ Ngọc Hoàng nổi giận, chiếu phê/ Đẩy vào hang vắng cấm về thiên cung…”.
“Tương truyền "Chùa Hang" có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), được coi là thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo. Chuyện rằng: vào một buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan chuyện đêm qua nằm mộng, được Phật dắt lên vùng đất địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật. Có lẽ "Kim Sơn Tự" ra đời từ đây, nhưng nhân dân thường gọi nôm là Chùa Hang vì chùa ở trong hang” - Đại đức Thích Đức Trí chia sẻ thêm.
Chùa Hàng - Kim Sơn Tự là một di tích thắng cảnh đẹp vào bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên, núi Chùa Hang, Động Tiên Lữ có thế phong thủy đẹp, là chốn địa linh, cảnh quan tĩnh lặng, thơ mộng như một bức tranh thủy mạc đã làm say đắm tâm hồn của nhiều danh nhân sĩ phu thuộc hàng “Tao nhân mặc khách” của nhiều thời đại từ thời Lê sơ đến hậu Nguyễn, hiện còn nhiều văn bia thơ phú bằng chữ Hán khắc trên vách hang ca ngợi cảnh đẹp thiên tạo vô song. Năm Đinh Tỵ 1947, niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông, có hai danh sĩ Vũ Quỳnh và Đặng Nghiệm khi đến chiêm bái cảnh cảm kích trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, đã sáng tác hai bài thơ khắc lên vách đá trong hang.
Sử sách còn chép, vào năm 1859, thời Vua Tự Đức nhà Nguyễn, danh sĩ Cao Bá Quát qua đất Thái Nguyên có du ngoạn đến Chùa Hang, trước cảnh đẹp nơi đây ông đã viết bài thơ nổi tiếng: Du Tiên Lữ động: “Ông xanh sao khéo vẽ vời/Thái Nguyên núi ấy bày chơi làm gì?/Bằng nắm tay hòn núi kia/Rìu thần, búa quỷ ly kỳ chuốt trau/Mở toang cái động ngàn thâu/Ngoằn ngoèo thạch nhũ muôn màu lạ sao…”.
Chùa Hang không chỉ là thắng tích, là nơi nhân dân địa phương sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là một hậu tuyến vững chắc cho tỉnh Thái Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với lợi thế nằm sâu trong núi, Chùa Hang đóng vai trò như một căn cứ địa vững chắc của cách mạng, với lòng hang sâu, rộng, tương đối bằng phẳng có lúc là nơi bộ đội trú quân, khi làm trạm cấp cứu, lúc lại làm bệnh viện dã chiến để cứu chữa cho bộ đội và nhân dân trong vùng, cũng có lúc làm trường học sơ tán…Chiến tranh qua đi, nhưng những cống hiến của Chùa Hang với công cuộc cách mạng của dân tộc vẫn còn đó và mãi trường tồn.
Chùa Hang điểm đến văn hóa tâm linh
Chùa không rộng, nhưng đủ lớn để thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Qua Tam quan, vào chùa, 2 bên trái - phải có tượng Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác cưỡi voi, cưỡi hổ uy nghi. Lòng hang bao chứa cả một thế giới vô thường, với vô số thạch nhũ được mẹ thiên nhiên khắc tạo thành cột trụ chống trời, bụt mọc, hổ chầu, voi phục, nhiều chỗ trên vòm hang ngước trông giật mình tưởng “Mây già quyện đá quái chơi vơi”. Ngó xung quanh vách hang thấy nhiều nhũ đá nhô ra thành các bệ thờ và nhiều hình thù kỳ lạ hấp dẫn.
Điểm đặc biệt là ngoài kiến tạo địa chất cho hang nhiều ngóc ngách, còn có “đường lên trời”, “đường xuống âm phủ”. Ngoài cửa chính hang còn có cửa thông ra phía sau, tạo cho không khí luân chuyển dễ dàng, hè mát, đông ấm, thêm khói hương quanh năm huyền ảo làm cho Chùa càng trở nên huyền bí. Chính vì thế năm 1999 động Chùa Hang được xếp hạng danh thắng cấp Quốc gia. Năm 2011, Chùa Hang được lựa chọn đưa vào tuyển tập 100 ngôi chùa tiêu biểu của cả nước.
Ông Vũ Văn Thanh - Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND phường Chùa Hang cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo Nhân dân, từ năm 2011, Chùa Hang được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, mở rộng diện tích lên gần 3 ha.
Theo đó Chùa Hang được chia làm các khu, gồm: Khu bảo tồn gồm toàn bộ hang động, núi đá; khu trục chính đạo tâm linh, bao gồm 8 công trình là Chính điện Tam Bảo, nhà thờ tổ, giảng đường Hoằng pháp, Bảo tháp, lầu chuông, lầu trống, tam quan nội, tam quan ngoại; phía bên phải của chùa là khu thiền viện chuyên tu; trung tâm từ thiện xã hội; khu sân bãi để phục vụ lễ hội.
Các hạng mục công trình tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo, có sơn bao thuỷ bọc. Chùa dựa lưng vào núi đá Long Tuyền, cửa mở hướng về sông phía sông Cầu trong xanh. Có thể nói đây là một công trình vừa lưu giữ được nét đẹp cổ kính nguyên sơ, lại đồng thời mở rộng, khoáng đạt với nền văn minh hiện đại, tạo thành một danh lam thắng cảnh đẹp hoàn mỹ, thơ mộng tựa chốn bồng lai tiên cảnh.
Hàng năm, nhà chùa và nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội. Năm nay vào ngày 14 tháng Giêng, nhà chùa tổ chức lễ Thượng Nguyên, khai xuân Quý Mão năm 2023. Các ngày 19, 20 và 21 tháng Giêng (tức ngày 9, 10 và 11 tháng 2 dương lịch) Lễ hội Chùa Hang chính thức được thức tổ chức. Chương trình Lễ hội có nghi thức rước Phật. Phần Lễ dâng có xôi, oản, quả, bánh, kẹo, tiền vàng…với lời cầu mong Quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà được bình yên. Sau phần Lễ, phần hội được tổ chức với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Đặc biệt là chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng hội Xuân do nhân dân địa phương thực hiện. Cùng với các chương trình văn nghệ đặc sắc, nhân dân, du khách thập phương cùng vãn Tiên cảnh Chùa, thăm không gian văn hoá trà, ghé thăm ông đồ cho chữ đầu xuân, viết lời nguyện ước nhân dịp xuân mới lên một mảnh gỗ nhỏ treo lại bên sân Chùa biểu trưng như lá sớ gửi tới Đức phật Tổ nhiệm màu.
Để Lễ hội diễn ra an toàn, đúng bản sắc văn hóa, Ban Tổ chức đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa được kiểm duyệt, hướng dẫn đúng pháp luật. Các hoạt động dịch vụ cam kết bán hàng đúng giá, không bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Mọi hoạt động liên quan đến Lễ hội diễn ra văn minh, thân thiện, tạo cho lòng người nhẹ nhàng, cởi mở hơn khi về vãn cảnh Chùa Hang./.
Phi Long - Minh Đông
Theo: https://kinhtedouong.vn/chua-hang-va-nhung-huyen-tich-ve-cac-vi-tien-ha-pham-dao-choi-94094.html