Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với nhóm đối tượng được vay mua nhà ở xã hội tại gói cứu trợ 2.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng trên 85.000 căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180.000 căn.
Tuy nhiên, kết quả của chương trình này so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 34%.
Về khó khăn của việc phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, vốn vay ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân.
Vừa qua, Nghị quyết của Chính phủ số 71/2018/QH14 bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định nhằm thực hiện hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ông Ninh cho biết: “Hiện mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn. Giờ phải chờ quyết định của Thủ tướng phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế, trong đó nhà ở xã hội là một phần nhỏ”.
“Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với nhóm đối tượng được vay mua nhà ở xã hội tại gói lãi suất 2.000 tỷ vừa được Chính phủ cho phép. Khác với gói 30.000 tỷ trước đây khi có cả nhà ở thương mại giá rẻ dưới 15 triệu đồng/m2, gói lần này chỉ dành riêng cho nhà ở xã hội nên đối tượng cũng khác”, ông Ninh nói.
Ông Ninh cho biết thêm, gói 2.000 tỷ đồng theo Nghị Quyết là cấp bù lãi suất. Ví dụ ngân hàng thương mại cho vay 8%, Nhà nước cấp bù lãi suất 3%, còn 5% người dân trả cho ngân hàng. Để có nguồn vốn lớn như vậy, ngân hàng phải có kế hoạch cụ thể.
Ông Ninh cũng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ sửa Nghị định 100 về nhà ở xã hội vì có nhiều bất cập. Theo đó, Bộ sẽ kiến nghị sửa những vấn đề về trình tự thủ tục, đất chưa hợp lý.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến hết quý I/2020, cả nước hiện có 4.438 dự án khu đô thị và dự án nhà ở, với tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị tồn kho bất động sản khoảng 104.000 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu là căn hộ cao cấp, condotel (căn hộ du lịch), nhà ở tái định cư xây xa trung tâm.
Bộ cũng cho biết, tính đến hết quý I/2020, giá bất động sản biến động không lớn. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1%, căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%, so với cùng kỳ năm trước. Tại TP. HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5%, trong đó căn hộ cao cấp giá tăng giá 2,75%, căn hộ trung cấp tăng giá 3,72%, căn hộ bình dân tăng giá 3,78%, so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu sản phẩm, một tình trạng không mới được Bộ Xây dựng đưa ra đánh giá đó là thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo đó, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Cụ thể, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Còn nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Theo cách đánh giá chung hiện nay, giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Đức Hậu
Theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam