Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.000 đồng/cp. Cảng An Giang hiện quản lý Cảng Mỹ Thới (là cảng biển Quốc tế thuộc Nhóm cảng số 6 của Hệ thống Cảng Biển Việt Nam) và Cảng thuỷ nội địa Bình Long.
CTCP Cảng An Giang niêm yết trên HNX với mã CAG
Theo thông tin từ sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 13,8 triệu cổ phiếu CTCP Cảng An Giang sẽ bắt đầu giao dịch vào ngày 4/12/2017 trên HNX với mã CAG, tổng giá trị chứng khoán niêm yết theo mệnh giá là 138 tỷ đồng.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy với biên độ ± 30% trong ngày đầu tiên giao dịch, giá cổ phiếu CAG sẽ dao động trong khoảng 7.700 - 14.300 đồng/cổ phiếu.
CTCP Cảng An Giang tiền thân là Cảng Mỹ Thới An Giang, là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh An Giang được thành lập vào năm 1992 với vốn điều lệ ban đầu gần 4,3 tỷ đồng. Kể từ ngày 1/4/2011 chính thức chuyển thành CTCP Cảng An Giang với vốn điều lệ 138 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.
CTCP Cảng An Giang hiện quản lý Cảng Mỹ Thới (là cảng biển Quốc tế thuộc Nhóm cảng số 6 của Hệ thống Cảng Biển Việt Nam) và Cảng thuỷ nội địa Bình Long.
Cơ cấu cổ đông công ty cho thấy, phần lớn cổ phần công ty do tổ chức nắm giữ, chiếm tới 83,53%. Phần còn lại được nắm giữ bởi cổ đông cá nhân và không có cổ đông từ nước ngoài.
Tổ chức nắm giữ nhiều nhất là Tổng Công ty Đầu Tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), chiếm 52,98%. Kế tiếp là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Hùng Anh, nắm giữ 11,44%. Cá nhân sở hữu nhiều nhất là ông Cao Lương Tri với 700.000 cổ phiếu, tương ứng 5,07%.
Danh sách cổ đông nắm giữ từ trên 5% chốt ngày 3/7/2017 (nguồn: Bản CBTT)
Năm 2017, công ty dự kiến cơ cấu doanh thu đạt 92,3 tỷ đồng. Trong đó, chú yếu từ nghiệp vụ xếp dỡ hàng hóa, chiếm tới 70%.
Cũng trong năm 2017, Công ty sẽ mở rộng khai thác vận chuyển container đi các khu vực Kiên Giang, Châu Đốc. Ngoài ra, công ty cố gắng tận dụng triệt để lợi thế về kho hàng và vị trí địa lý của Cảng Bình Long để tăng cường hàng hóa vận chuyển qua cảng và tăng cường hoạt động kho bãi.
Kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận và cổ tức 2017 - 2018 (nguồn: bản CBTT)
Quý III/2017, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 67 triệu đồng, giảm đến 36 lần so với khoản lợi nhuận sau thuế hơn 2,3 tỷ đồng vào quý III năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 2,4 tỷ đồng, giảm khoảng 3 lần so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch năm.
Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty từ năm 2015 đến nay không mấy khả quan, khi cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều có xu hướng giảm. Kết quả 2 chỉ tiêu này năm 2016 giảm lần lượt gần 13,4% và 17% so với năm trước đó.
Một số chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (nguồn: Bản CBTT)
So với các công ty cùng ngành tính đến năm 2016, Cảng An Giang thua kém khá nhiều. ROA, ROE đều đưới 8%. Doanh thu thuần và Lợi nhuận sau thuế đều thấp hơn rất nhiều so với các công ty cùng ngành. EPS chỉ đạt 825 đồng và là thấp nhất trong ngành.
Bảng so sánh hoạt động kinh doanh so với các công ty cùng ngành năm 2016 (nguồn: Bản CBTT)
Sơn Tùng
Theo KTTD, Vietnambiz