Nếu bị cáo Nhàn có tên chính xác là Nhãn và sinh năm 1992 thì anh ta sẽ thoát được án tử hình.
Nếu bị cáo Nhàn có tên chính xác là Nhãn và sinh năm 1992 thì anh ta sẽ thoát được án tử hình.
Ngày 18-2, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Nguyễn Hồng Nhàn (20 tuổi, ngụ An Giang) do xuất hiện chứng cứ mới, đồng thời chuyển hồ sơ cho VKSND Tối cao TPHCM giám định năm sinh và chữ viết trong giấy chứng sinh của bị cáo.
Nếu sinh năm 1992, bị cáo sẽ thoát án tử hình
Sau một thời gian phụ việc cho một quán hủ tiếu chay ở TPHCM, Nguyễn Hồng Nhàn đã về quê rủ thêm 2 người bạn là Nguyễn Văn Thật (SN 1992) và Huỳnh Công Khanh (SN 1993) cùng làm việc.
Khi trở lại TPHCM quán hủ tiếu đóng cửa nên cả 3 sống lang thang tại công viên.
Theo án sơ thẩm, chiều 1-9-2009, Nhàn bàn với Thật và Khanh đón taxi đến đoạn đường vắng ra tay sát hại tài xế để cướp tài sản.
Sau khi phân công, khuya cùng ngày cả 3 đón xe taxi do anh N.M.P cầm lái. Đến đoạn đường vắng thuộc phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, Nhàn kêu anh P. dừng xe và kẹp cổ để Thật đâm nạn nhân.
Sau khi Thật và Khanh bỏ chạy, Nhàn tiếp tục đâm anh P. 3 nhát rồi lấy điện thoại bán được 1,2 triệu đồng mua vé xe về quê và chia nhau tiêu xài.
Anh P. được quần chúng đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
Trong phiên xử sơ thẩm, mẹ Nhàn, bà Lương Ngọc Mì đã đưa ra một số giấy tờ có liên quan để chứng minh con bà tên Nguyễn Hồng Nhãn, sinh năm 1992, tức là khi phạm tội Nhàn mới 17 tuổi, độ tuổi không áp dụng hình phạt tử hình.
Tuy nhiên, chứng cứ này HĐXX không công nhận vì trên hồ sơ vụ án cũng như một số giấy tờ khác ghi là Nguyễn Hồng Nhàn, sinh năm 1991. Do đó, TAND TPHCM đã tuyên phạt Nguyễn Hồng Nhàn mức án tử hình, Nguyễn Văn Thật 14 năm tù và Huỳnh Công Khanh 9 năm tù về 2 tội giết người và cướp tài sản.
Trình bày với HĐXX cấp phúc thẩm, mẹ Nhàn cho biết: “Con tôi chính xác là Nguyễn Hồng Nhãn, sinh năm 1992. Do lúc sinh cháu, gia đình tôi quá khó khăn nên đến năm 2003 mới làm giấy khai sinh. Tuy nhiên chính quyền địa phương đã ghi sai tên và năm sinh của con tôi”.
Xuất hiện tại tòa với tư cách là nhân chứng, người đỡ đẻ bị cáo Nguyễn Hồng Nhàn cũng xuất trình giấy chứng sinh viết tay được viết vào năm 1992 với tên Nguyễn Hồng Nhãn.
Ngoài ra, hai người hàng xóm của bà Mì cũng được triệu tập và xác nhận bị cáo Nhàn tên thật là Nhãn, sinh năm 1992.
Vì một số tình tiết vừa nêu, HĐXX đã hủy một phần bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho VKSND Tối cao TPHCM điều tra làm rõ.
Theo Ph. Dũng/Người lao động