Sự kiện hot
9 năm trước

Chứng khoán đổ dốc có đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu?

Báo kinh tế Les Echos (Pháp) mới đây chạy tựa lớn “Chứng khoán: Tại sao nỗi sợ trở lại với các thị trường?” trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới ngày 24/8 tràn ngập sắc đỏ.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Từ châu Á sang châu Âu, các cổ phiếu giao dịch bị mất điểm mạnh chưa từng thấy.

Trước tình trạng này, Les Echos nêu ra năm lý do lý giải như sau: Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc.

Thứ hai, sự việc Thủ tướng Hy Lạp đột ngột từ chức, cùng với nhiều cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Thổ Nhĩ Kỳ, khiến giới đầu tư lo ngại.

Thứ ba, giảm phát treo lơ lửng với động thái Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ. Nếu xu hướng này kéo dài có thể sẽ làm suy yếu đồng tiền của nhiều quốc gia mới nổi.

Thứ tư, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 9 tới.

Thứ năm, dù kinh tế Mỹ đã phục hồi và châu Âu bắt đầu khởi sắc, nhưng tình hình khó khăn tại các nước mới nổi đang đè nặng lên một loạt các ngành sản xuất cơ bản (xe hơi, năng lượng, thiết bị, đồ xa xỉ…).

Như vậy, sự sụp đổ của chứng khoán có đe dọa sự phục hồi kinh tế?

Chuyên gia kinh tế Christophe Blot của tổ chức nghiên cứu kinh tế OFCE nhận định: " Rất khó để đưa ra kết luận rõ ràng về hậu quả của cơn bão tài chính này vì đó mới chỉ là sự sụt giảm trong ngắn hạn, còn nếu nó tiếp tục sụt mạnh trong cả tuần thì tác động sẽ lớn hơn và cần phải xem mức độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và các nước mới nổi, nhất là sau đó liệu có xảy ra làn sóng mất lòng tin ở cả các nước phát triển hay không?”.

Ngoài ra, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán còn đi kèm với các hiệu ứng khác trên thị trường nguyên liệu đầu vào như dầu mỏ... Do đó, hiện còn quá sớm để biết liệu cơn “cơn bão chứng khoán” này có làm suy yếu sự phục hồi vốn đang chậm chạp hay không?

Trong khi đó, tờ Le Monde đặt câu hỏi: “Liệu kinh tế toàn cầu có thể kháng cự được cuộc khủng hoảng Trung Quốc” với việc giá nguyên liệu sụt giảm và chứng khoán lao dốc? Chuyên gia Patrick Artus thuộc Ngân hàng đầu tư quốc tế Natixis (Pháp) chia sẻ rằng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn hiện không đem lại hiệu quả.

Các chính sách này đã tạo ra một khối lượng tiền mặt khổng lồ (ước tính 20.000 tỷ USD). Số tiền này được di chuyển tùy theo “tâm trạng” của các nhà đầu tư, từ một vùng này đến một vùng khác trên thế giới.

Chuyên gia Ngân hàng Natixis dự đoán: “Tiền tiết kiệm sẽ đổ về các cổ phần không mạo hiểm, và ngừng đầu tư cho vốn sản xuất. Đây là một nhân tố nữa làm gia tăng cuộc khủng hoảng của “nền kinh tế sản xuất thực”.

theo Vietnam+

Từ khóa: