Mặc dù những số liệu kinh tế mới công bố kém tích cực, song chứng khoán Mỹ phiên 20/2 vẫn đảo chiều đi lên.
Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán New York. (Nguồn: AFPTTXVN)
Theo Kathy Lien, chuyên gia phân tích tại BK Asset Management, việc thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn đi lên trong phiên này bất chấp các số liệu kinh tế yếu kém có lẽ một phần là do nhà đầu tư cho rằng đó là hậu quả của thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông năm nay tại Mỹ.
Băng giá sẽ qua và thời tiết ấm lên sẽ khiến các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Tuy nhiên, theo Kathy Lien, thị trường sẽ còn phải đối mặt với các số liệu kinh tế thất vọng trong ít nhất là một tháng nữa.
Theo những số liệu mới nhất, lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước nữa tuy đã giảm xuống song vẫn không được như kỳ vọng.
Trong khi đó, hoạt động chế tạo tại khu vực mid-Atlantic do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Philadelphia báo cáo cho thấy đã tụt xuống mức suy giảm là -6,3 trong tháng Hai, so với mức 9,4 trong tháng Một.
Đóng cửa phiên 20/2, cả ba chỉ số chính của phố Wall đều tăng điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average tăng 0,58% lên 16.133,23 điểm; S&P 500 tiến 0,60% lên 1.839,78 điểm và Nasdaq Composite tăng 0,70% lên 4.267,55 điểm.
Chứng khoán châu Âu cùng ngày biến động trái chiều, với FTSE 100 của Anh tăng 0,24% lên 6.812,99 điểm; DAX 30 của Đức trượt 0,43% xuống 9.618,85 điểm và CAC 40 của Pháp tăng 0,33% lên 4.355,49 điểm.
Sang phiên cuối tuần ngày 21/2 trên thị trường châu Á, các sàn chủ chốt trong khu vực phần lớn cũng đang theo chân Phố Wall phục hồi sau phiên lao dốc "thê thảm" hôm trước, trong đó thị trường Tokyo đang tăng mạnh 2,02% ngay từ lúc mở phiên.
Thị trường Hong Kong cũng đang xanh sàn, với mức tăng 0,93%. Chỉ có chứng khoán Trung Quốc là vẫn đang đỏ sàn do nhà đầu tư tại đây lo ngại về bức tranh kinh tế tối màu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau số liệu đáng thất vọng của ngành công nghiệp nước này.
Thùy Chi
theo TTXVN