Phiên giao dịch cực kỳ sôi động với mức tăng của VN-Index trên 10 điểm đã khiến hàng loạt cổ phiếu có bước nhảy vọt và đi vào vùng kháng cự trong phiên ngày mai.
Phiên giao dịch cực kỳ sôi động với mức tăng của VN-Index trên 10 điểm đã khiến hàng loạt cổ phiếu có bước nhảy vọt và đi vào vùng kháng cự trong phiên ngày mai.
Cổ phiếu tăng trần hàng loạt thường là biểu hiện của tâm lý hưng phấn cực thịnh. HNX-Index hôm nay tăng liên tục trong phần lớn thời gian giao dịch.
Có hai điểm đáng chú ý hôm nay, là mức tăng giá rất mạnh cùng độ rộng nghiêng hẳn về phía tích cực, đồng thời quy mô thanh khoản cũng đột biến.
Như vậy sau đúng hai tuần điều chỉnh, quy mô giá trị khớp lệnh hai sàn hôm nay đã trở lại con số 1.000 tỷ đồng, xấp xỉ với phiên tạo đỉnh ngày 3/2 vừa qua. Quy mô giao dịch thậm chí còn có thể cao hơn nữa nếu rất nhiều cổ phiếu không rơi vào tình trạng mất thanh khoản bên mua, nghĩa là cổ phiếu bị chặn mua trần rất lớn trong khi người bán tiết cung.
Thị trường đóng cửa với 116 mã tăng trần, 98 mã tăng giá trên HSX và 182 mã tăng trần, 92 mã tăng giá trên HNX. Riêng đối với nhóm cổ phiếu thường giữ mức thanh khoản lớn, có hàng chục mã dư mua trần – một biểu hiện thường thấy của tâm lý hưng phấn cực độ.
Rất nhiều cổ phiếu dư mua trần hôm nay có lượng chuyển nhượng đột biến kỷ lục.Trên HSX có thể kể đến SSI, HAG, MBB, CTG, PVD… Trên HNX là HBB, KLS, SHB, VCG… và những mã không có khả năng tăng thêm thanh khoản như PVX, VND, SHN…
Biến động giá ở hầu hết các cổ phiếu đều rất tốt, theo hướng bên mua đẩy giá tăng dần và chấp nhận đuổi giá trần mặc dù khối lượng hàng được xả ra ở mức này không hề nhỏ. SSI được khớp trần hơn 2,2 triệu đơn vị, HAG là 930.000 đơn vị, KLS khớp 3,3 triệu đơn vị, SHB hơn 1 triệu và PVX khoảng 1,5 triệu…
Ở đa số mã, hôm nay người mua tiến công với mức độ chấp nhận rủi ro rất cao. Người bán hầu như chịu thua sau khi lực cầu thể hiện sức mạnh quá lớn. Các mức giá bán dưới trần ở nhiều cổ phiếu dù lớn hàng triệu đơn vị nhưng vẫn bị vượt qua dễ dàng. Một nhịp xả hàng giá trần ở vài cổ phiếu như SSI, KLS càng tạo hào hứng về hiện tượng “rung lắc” khiến tâm lý càng tốt hơn.
Việc người mua đột nhiên chấp nhận đua giá sau khi dòng vốn kích thích đẩy giá tăng mạnh chứng tỏ mức ngại rủi ro đã rất thấp, bất chấp ngưỡng kháng cự đang rất gần.
Hôm nay hiện tượng tiết cung chỉ xảy ra sau khi người bán chứng kiến lực mua quá mạnh. Điều này cũng phù hợp với tâm lý bình thường của thị trường. Phiên ngày mai sẽ chứng kiến hành động rõ ràng hơn của người bán và thanh khoản có triển vọng còn cao hơn.
Thực ra nhịp chững lại giữa phiên hôm nay đã cảnh báo về khả năng phân hóa về sức mạnh giữa các cổ phiếu. Một số mã tuy vẫn tăng, nhưng cung vẫn xuất hiện ở các mức giá cao đủ lớn để tạo thành dư bán. HAG là ví dụ về khả năng cân bằng cung cầu sớm khi bị xả mạnh lúc đóng cửa. CTG cuối phiên vẫn chưa giải quyết được lượng chặn bán trần. ACB, PVS, MBB… tăng không thực sự ấn tượng.
Trên phương diện kỹ thuật thì quá trình hồi giá trở lại hai phiên gần đây tuy tốt, nhưng vẫn chưa hình thành một xu hướng rõ rệt. Đơn giản vì đỉnh ngắn hạn vẫn còn và quá trình tăng này vẫn là một khả năng kiểm tra lại đỉnh cũ. Nỗ lực của người mua là rất đáng ghi nhận, nhưng cần dài hơi hơn.
Thường khả năng vượt đỉnh là có nếu tâm lý và dòng tiền thực sự mạnh. Áp lực bán sẽ tăng lên cao trong hai phiên tới và để giải quyết khối lượng cung lớn theo cách thông thường là tiêu hóa dần thì cần nguồn tiền lớn. Cũng có thể cầu đủ mạnh để kéo vượt khỏi đỉnh cũ trong một diễn biến rất nhanh khiến người đang lỗ đột nhiên chuyển sang tình trạng lãi thì họ sẽ tiếp tục nắm giữ để tối đa hóa lợi nhuận. Nói chung cách thị trường vượt đỉnh rất quan trọng vì nó có khả năng củng cố niềm tin vào một sóng tăng mới, nhưng cũng có thể tạo ấn tượng về chiến thuật thoát hàng tại đỉnh lần thứ hai.
Lan Ngọc
Theo VnEconomy