Sáng 18/2, thị trường chứng khoán Nhật Bản mở cửa tăng 0,84%, với chỉ số Nikkei 225 tăng 121,36 điểm lên 14.514,47 điểm, trước sự đi xuống của đồng yen.
Giao dịch tại sàn chứng khoán Tokyo. Ảnh minh họa. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Tại thị trường Tokyo, đồng USD đã tăng từ 101,81 yen lên 102,14 yen. Sự yếu của đồng yen là nhân tố tích cực hỗ trợ cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản.
Chuyên gia Hiroichi Nishi, thuộc SMBC Nikko Securities, nhận định hiện nay các nhà giao dịch đang chờ đợi tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sau cuộc họp chính sách, trong bối cảnh Nhật Bản mới công bố số liệu không khả quan về tăng trưởng GDP trong quý 4/2013. Theo một số nhà quan sát, BoJ sẽ tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới.
Tại Trung Quốc, đầu phiên này, chỉ số Shanghai Composite giảm 7,06 điểm (0,33%) xuống 2.128,35 điểm, do các nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời sau đà tăng của chứng khoán trong phiên trước, nhờ mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Trong khi đó, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 40,52 điểm (0,18%) xuống 22.495,42 điểm.
Mối lo ngại về các nền kinh tế đang phát triển lắng dịu đã hỗ trợ các tài sản rủi ro như chứng khoán trong tuần trước, song các nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng thị trường chứng khoán có thể bị tác động bởi những đánh giá về triển vọng kinh tế.
Chiến lược gia Daisuke Uno, thuộc Sumitomo Mitsui Bank, cho hay tại thời điểm hiện nay có tồn tại sự tỷ lệ nghịch giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán. Trong khi chứng khoán Mỹ đi lên trước những dấu hiệu khả quan về nền kinh tế, thì thị trường tiền tệ lại ít nhận được hỗ trợ từ thông tin kinh tế này.
Đối với chương trình nới lỏng tiền tệ (QE3), một số nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm chậm lại tốc độ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu. Thị trường sẽ nhận được thông tin cụ thể hơn, khi FED công bố biên bản cuộc họp diễn ra trong hai ngày 28-29/1. Phiên trước (17/2), thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Trà My
theo TTXVN