Sau những phiên giao dịch ảm đạm liên tiếp, thị trường chứng khoán thế giới bất ngờ khởi sắc mạnh trong phiên cuối tuần nhờ thông tin khả quan từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ và vài thông tin kinh tế bên ngoài khác.
Sau những phiên giao dịch ảm đạm liên tiếp, thị trường chứng khoán thế giới bất ngờ khởi sắc mạnh trong phiên cuối tuần nhờ thông tin khả quan từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ và vài thông tin kinh tế bên ngoài khác.
Chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ phiên cuối tuần bất chấp Trung Quốc
công bố tăng trưởng chậm hơn dự đoán - Reuters
Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 13.7, chỉ số thị trường S&P 500 tăng mạnh 1,7%, lên thành 1.356,78 điểm. Nhờ phiên tăng này, chỉ số S&P 500 xóa bỏ toàn bộ mất mát trong tuần này và ghi nhận thành tích tăng nhẹ 0,2%.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones Industrial giành lại 203,82 điểm, tương đương mức tăng 1,6% trong phiên cùng ngày, lên thành 12.777,09 điểm, tăng nhẹ dưới 0,1% trong cả tuần. Chỉ số Nasdaq Composite khép lại phiên cuối tuần với 2.908,47 điểm, tăng 1,5% so với phiên trước đó.
Trong phiên này, thị trường Mỹ và thế giới đón nhận tin tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 2 vừa qua đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Thông tin này khiến giới đầu tư và phân tích dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng có các hành động thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại trong nửa cuối năm nay. Chính hi vọng này đã gián tiếp đẩy các chỉ số chứng khoán tăng điểm trên phạm vi toàn cầu.
Cùng với đó, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết nếu khủng hoảng nợ công tại khu vực tiếp tục xấu đi, tổ chức này sẽ nới lỏng hơn các chính sách tiền tệ, bao gồm cả việc cắt giảm mạnh hơn lãi suất cơ bản nhằm tạo điều kiện cho kinh tế khu vực phục hồi.
Trong phiên cuối tuần này, nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng đạt mức tăng cao nhất trong số 10 nhóm ngành chính đóng góp vào S&P 500, tăng 1,6%.
* Tại châu Âu, thị trường chứng khoán khép lại tuần giao dịch bằng việc ghi nhận chuỗi sáu tuần tăng điểm liên tiếp của chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực. Chốt phiên cuối tuần, chỉ số này tăng 1,3%, nâng tổng mức tăng cả tuần lên 0,7%.
Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,03%, lên thành 5.666,13 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 1,46%, lên mức 3.180,81 điểm; chỉ số DAX của Đức giành thêm tới 137,75 điểm, tương đương tăng 2,15% so với phiên trước.
Ngoài ra, chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng nhẹ 0,52%, trong khi đó chỉ số FTSE MIB của Ý tăng nhẹ 0,96%.
* Tại châu Á, các chỉ số tăng với biên độ nhẹ hơn trong phiên cuối tuần 13.7 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN), tuy nhiên mức tăng này không giúp MSCI Asia Pacific tránh khỏi tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 5 vừa qua. Cụ thể, chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 2,8% trong cả tuần.
Tổng kết trên các thị trường thành viên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng nhẹ 0,05% lên thành 8.724,12 điểm. Chỉ số này cũng đã giảm mạnh đến 3,3% trong tuần qua. Chỉ số HSI của Hồng Kông tăng 0,35%, giúp co hẹp biên độ giảm cả tuần xuống mức 3,6%, chốt tuần ở mức 19.092,63 điểm.
Cũng trong tuần này, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 2,4%; chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 1,8%; chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,7%.
Thu Hạnh
Theo Thanhnien