Chương trình ca nhạc “Người về bỗng nhớ” với những tình khúc Trịnh Công Sơn được thể hiện qua giọng hát Khánh Ly là 1 dịp tưởng nhớ đặc biệt dành cho người nhạc sĩ - người hát thơ tài danh sau sự kiện Google vinh danh ông nhân ngày sinh nhật. Chương trình do ekip Đông Đô Show tổ chức và thực hiện.
Vài năm qua, sự hiện diện của “Nữ hoàng” Khánh Ly trên sân khấu Việt Nam qua những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, dường như niềm thương nhớ Trịnh Công Sơn trong lòng người mến mộ có vẻ bớt nguôi ngoai hơn những năm đầu tiên khi ông đi vào cõi thiên thu. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Những người yêu nhau trên đời vẫn tiếp tục khiêu vũ cùng cới cây đàn Lyre của chàng. Qua tiếng hát Khánh Ly, sương khói trần gian cứ bay đi, và một chút thiên thu còn mãi”. Có lẽ bởi cái duyên gặp gỡ giữa cặp giai nhân này từ quán Bar Tulipe Rouge ở Đà Lạt mây mờ, họ thành 1 cặp bài trùng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Và chắc chắn, họ sẽ thành thiên thu mãi mãi. Sau Khánh Ly, có biết bao nhiêu ca sĩ đã từng thổn thức trong nhạc Trịnh nhưng Khánh Ly vẫn là một ám ảnh của nhạc Trịnh không bao giờ phai nhạt. Dù đến ngày hôm nay, Khánh Ly đã quá cái tuổi “nhân sinh thất thập”, mà lực của giọng hát này vẫn cuốn hút chúng ta vào những mê cung tuyệt lộ, không có đường ra. Nhất là khi trong chương trình có “Giọt lệ thiên thu” - như cái trục quay đầu cả “chút thiên thu còn mãi”.
Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non
Gió núi bay qua lao xao bụi bờ lao xao bờm ngựa…
Văn Cao đã từng nắc nỏm khen mãi cái hình tượng siêu thực: “Lao xao bờm ngựa” của họ Trịnh. Cái lao xao ấy mãi xô dạt đến tận vô cùng như sóng điện từ trong vũ trụ. Lao xao cùng thân phận nhạc sĩ và ca sĩ.
Trong hai đêm tới đây, ngày 4 - 5/5/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Khánh Ly sẽ lại tâm sự cùng người mến mộ những giai điệu Trịnh Công Sơn mà bà đã hát hơn nửa thế kỷ qua từ Sài Gòn ra ngoại quốc, rồi từ ngoại quốc về lại Hà Nội, Sài Gòn. Ở đâu cũng một nỗi niềm, ở đâu cũng đầy ám ảnh. Không chỉ hát giai điệu Trịnh Công Sơn trước 1975, người mến mộ sẽ còn được nghe hai tuyệt phẩm Trịnh Công Sơn sau 1975. Đó là “Đời gọi em biết bao lần” và “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. “Đời gọi em biết bao lần” là ca khúc Trịnh Công Sơn viết cho phim “Tội lỗi cuối cùng” và nghệ sĩ Phương Thanh thủ vai chính “Hiền cá sấu”, ca khúc dành cho vai diễn này: “Đi về đâu hỡi em - khi trong lòng không chút nắng…” Tôi đã từng nghe Trịnh Công Sơn hát ca khúc này ngay trên căn gác nhà tôi. Người nghe cùng tôi chính là nghệ sĩ Phương Thanh. Còn “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” là Trịnh Công Sơn viết cho chính mình, để an ủi chính mình trước những éo le của cuộc sống. Chính trong nỗi niềm ấy, người nhạc sĩ tài danh đã mang đến cho cuộc đời một dự cảm về thời đại 4.0 đang diễn ra hôm nay: “Em là tôi và tôi cũng là em… Tôi là ai, là ai, là ai…”. Nhiều người vì quá quen nghe một Trịnh Công Sơn thưở trước, họ không muốn nghe Trịnh Công Sơn của hôm nay. Nhưng là một nghệ sĩ đích thực, Trịnh Công Sơn đã vượt trên thời thế, ông chỉ có dân tộc mình, bởi vậy, người mến mộ mới có thêm những “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Bốn mùa thay lá”, “Lặng lẽ nơi này”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, “Sóng về đâu”, “Đời gọi em biết bao lần”, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, “Quỳnh hương”, “Tuổi đời mênh mông”… trong gia tài ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và Khánh Ly cũng thế, bà vẫn hát rất tâm trạng nhưng giai điệu này, tâm trạng như Trịnh Công Sơn viết những giai điệu này là để dành riêng cho chính Khánh Ly.
Điểm đặc biệt trong chương trình solo ca khúc Trịnh Công Sơn lần này của Khánh Ly là bà đã chọn Tùng Dương là khách mời. Có thêm giọng vàng Tùng Dương trong chương trình, cảm xúc sẽ được hòa quyện hơn, cộng hưởng hơn, chất ngất hơn. Khánh Ly là một trong số rất ít những ca sĩ vượt qua được câu danh ngôn: “Thầy già - con hát trẻ”. Đó vừa là năng lượng bẩm sinh của bà, nhưng cũng ở cách ứng xử của bà để biến cái không thể thành có thể.
Cách đây ¼ thế kỷ, vào cuối năm 1994, Hà Nội đã từng diễn ra chương trình âm nhạc: Văn Cao - Trịnh Công Sơn - Phú Quang, sở dĩ có chương trình này là bởi vì cả ba nhạc sĩ đều có thời điểm lập nghiệp rất sớm, ở tuổi trẻ tương đồng nhau. Còn chương trình lần này, điểm nhấn ấy lại được nhắc lại vào những khoảnh khắc hết sức tự nhiên, cố tình nhưng không hề cố ý. Riêng với đóng góp của Khánh Ly ở tuổi tác hôm nay, đấy là điều đáng quý mà nhà thơ Boris Pasternak đã từng ghi nhận:
Nhưng tuổi già đó là thành Rome
Thay cho trò diễn, thay cho chuyện phím
Xin các nghệ sĩ hãy đừng véo von
Mà phải hát tận lòng – hát thật.
Đông Đô Show nhiều năm nay đã tổ chức và thực hiện nhiều chương trình solo cho Khánh Ly bên cạnh những hoạt động từ thiện xã hội. Hãy đặt nhiều hy vọng cho “Người về bỗng nhớ” để thêm lần nhớ về các bậc tài danh, những nghệ sĩ. Và cả Đông Đô Show như một công ty tổ chức biểu diễn ca nhạc luôn tạo ra những chương trình ca nhạc đầy ấn tượng ở Hà Nội và nhiều tỉnh trên cả nước.
Điều ấy càng ấn tượng khi xuất hiện trong chương trình là nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn - người có một cách hát Trịnh Công Sơn rất riêng, rất độc đáo bằng cây kèn và niềm trắc ẩn mơ màng sương khói của một người bạn vong niên của Trịnh Công Sơn qua nhiều năm tháng.
Đông Đô
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng