Máy bay doanh nhân HondaJet được phân phối tại Việt Nam có giá xuất xưởng 4,5 triệu USD, có thể chở được 6 hành khách, khoảng cách hơn 2.000 km.
Nikkei đưa tin Honda Motor sẽ bắt đầu bán chuyên cơ sang thị trường các nước Đông Nam Á. Hãng Aerospace Services của Thái Lan đã được Honda chọn là nhà phân phối HondaJet tại thị trường Đông Nam Á.
Các chuyên cơ của Honda sẽ được bán ở các nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore và Việt Nam.
HondaJet là máy bay thương mại đầu tiên được Honda Aircraft phát triển. Đây là máy bay phản lực hạng nhẹ được thiết kế tại Nhật Bản và sản xuất tại Greensboro, Bắc Carolina (Mỹ).
Lịch sử phát triển
Honda bắt đầu nghiên cứu máy bay phản lực dành cho doanh nhân từ những năm 1980. Honda MH02 được chế tạo và lắp ráp tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu máy bay Raspet của Đại học Mississippi State (Mỹ) vào cuối những năm 80 đầu 90.
Nguyên mẫu MH02 sử dụng vật liệu composite sợi carbon/epoxy, là máy bay phản lực đầu tiên sử dụng chất liệu tổ hợp này. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được thực hiện năm 1996.
HondaJet là chiếc máy bay đầu tiên do Honda Aircraft sản xuất.
Nhà thiết kế Michimasa Fujino đã phác hoạ chiếc HondaJet vào năm 1997, nhưng mẫu concept này bị ngưng sử dụng vào năm 1999. Những thử nghiệm trong hầm gió của Boeing sử dụng một mẫu concept thay thế từ năm 1999.
Một phiên bản concept khác (nhưng chưa phải phiên bản sản xuất) của HondaJet lần đầu tiên cất cánh vào ngày 3/12/2003 tại sân bay quốc tế Piedmont Triad ở Greensboro, Bắc Carolina (Mỹ).
Honda chính thức thông qua kế hoạch phát triển máy bay thương mại vào năm 2004. Phiên bản sản xuất HondaJet ra mắt thế giới vào ngày 28/7/2005 tại triển lãm hàng không EAA AirVenture Oshkosh. Honda thông báo tại Airventure năm 2006 rằng mẫu máy bay này sẽ được thương mại hoá.
Buồng lái hiện đại với ba màn hình màu cỡ lớn hiển thị mọi thông số.
HondaJet đạt được quy tắc FAA ( quy tắc an toàn của cục hàng không liên bang Mỹ) lần đầu vào năm 2010. Chuyến bay đầu tiên của HondaJet vào ngày 27/6/2014. Mẫu máy bay này được thử nghiệm 2.500 giờ bay vào năm 2015. Chương trình máy bay của Honda bị trì hoãn nhiều lần vì các lý do khách quan.
Đầu năm 2015, 12 chiếc được lắp ráp và 5 chiếc trong giai đoạn sản xuất. Honda ước tính sẽ sản xuất 40 máy bay trong năm đầu tiên và 60 chiếc trong năm tiếp theo.
Honda giao chiếc máy bay đầu tiên cho khách hàng vào ngày 23/12/2015 tại trụ sở chính ở Bắc Carolina. Khoảng 20% lượng đặt hàng trong tổng số 100 chiếc đến từ các khách hàng châu Âu.
Honda dự kiến tăng sản lượng lên 80 chiếc mỗi năm sau năm 2019. Trong quý đầu năm 2016, có 13 chiếc HondaJet được giao. Tổng sản lượng năm 2016 chỉ đạt 36 chiếc. Trong quý I năm 2017, Honda sản xuất được 15 chiếc, và mục tiêu cả năm từ 55-60 chiếc.
Thiết kế
HondaJet là máy bay cánh đơn thấp với cấu trúc thông thường. Thân máy bay bằng composite và cánh bằng hợp kim nhôm. Cung cấp năng lượng cho máy bay là hai động cơ turbo Honda GE Aero Engines HF-120 gắn trên giá treo cánh. Hệ thống hạ cánh ba càng có thể gập gọn sau khi cất cánh.
Cấu hình động cơ gắn trên cánh nhằm tối ưu hoá không gian cabin và giảm lực cản khi bay nhanh. Mũi và cánh được thiết kế khí động học. Nhờ sự kết hợp giữa vị trí động cơ, cánh và thân máy bay được tính toán kỹ trong hầm gió. Honda tuyên bố sự kết hợp giữa vật liệu nhẹ, khí động học, HondaJet đạt hiệu suất tốt hơn 20% so với các máy bay cùng loại.
Thiết kế khí động học giúp máy bay giảm được trọng lượng và tăng hiệu suất 20%.
Khoang hành khách của HondaJet dài 5,43 m và có một nhà vệ sinh khép kín. Cabin bán nguyệt có chiều dài 3,69 m, rộng 1,52 m và cao 1,46 m. Hầu hết thông tin điều khiển được hiển thị trên ba màn hình phẳng trong buồng lái khá hiện đại.
Máy bay có từ một đến 2 phi công, với khả năng chở 4-6 hành khách. Tổng chiều dài 13 m, sải cánh 12,1 m, cao 4,5 m. Trọng lượng rỗng 3.267 kg. Trọng lượng cất cánh 4.808 kg. Hai động cơ phản lực GE Honda HF120 có sức đẩy 9,1kN.
HondaJet có tốc độ tối đa 782 km/h, vận tốc tiết kiệm 682 km/h. Cự ly hoạt động lên tới 2.234 km, trần bay 13.000 m. Tốc độ cất cánh của máy bay là 20 m/s. Đặc biệt, độ dài đường băng cất cánh chỉ 1.199 m nên máy bay này phù hợp với những sân bay nhỏ.
Tính đến tháng 5/2017, đã có 57 chiếc HondaJet đã được sản xuất trên toàn cầu. Mức giá xuất xưởng mỗi chiếc là 4,5 triệu USD.
Thạch Lam
Theo Zing News