Sự kiện hot
4 năm trước

Chuyên gia pháp lý nói gì về đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày?

Theo chuyên gia pháp lý, đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày là có cơ sở nhưng ảnh hưởng tới cả người tham gia giao thông và nhà sản xuất phương tiện giao thông.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã công bố dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của người dân. Trong đó, dự luật bổ sung nhiều quy định mới đáng lưu ý như quy tắc sử dụng đèn của các phương tiện tham gia giao thông.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 27 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định: "Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau".

Đề xuất về quy định xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ngày đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trước thông tin về đề xuất này, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận về quy định các phương tiện như xe mô tô, xe máy, xe đạp điện... bắt buộc phải bật đèn cả ngày có thực sự cần thiết và phù hợp tại Việt Nam không?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Vũ Tuân - Công ty Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng quy định này là có cơ sở khoa học và phù hợp với pháp luật quốc tế.

Cụ thể, theo luật sư Vũ Tuân, trong Báo cáo chuyên đề về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ GTVT, nguyên nhân lớn nhất xảy ra tai nạn giao thông đường bộ là do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, vi phạm làn đường, phần đường.

"Do đó, việc bật đèn sẽ giúp chính phương tiện có thể tăng khả năng được nhận biết từ đó nâng cao hiệu quả cảnh báo, đồng thời tạo phản xạ cho người tham gia giao thông chủ động xử lý tình huống như giảm tốc độ, cho xe tránh,… khi phát hiện có xe phía trước hoặc phía sau. Điều này sẽ giúp giảm tai nạn giao thông đáng kể", luật sư Tuân nói.

Ngoài ra, chuyên gia pháp lý này cũng lưu ý rằng, việc bật đèn xe vào ban ngày là đối với các đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng phía trước (đèn cos) chứ không phải đèn chiếu xa (đèn pha). "Việc bật đèn chiếu xa hiện nay đang bị cấm khi điều khiển phương tiện trong đô thị và khu đông dân cư".

Luật sư Vũ Tuân - Công ty Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Bên cạnh đó, nếu xét về yếu tố môi trường, theo như nhiều chuyên gia về môi trường đã cho biết hiện nay phần lớn các phương tiện đã được thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng bằng đèn Led, hiệu quả chiếu sáng tốt, ít tốn nhiên liệu và không sản sinh nhiệt nhiều.

"Do đó yếu tố ảnh hưởng đến môi trường là không đáng kể. Còn về khía cạnh pháp luật, quy định này là phù hợp với Công ước về Giao thông Đường bộ được thông qua tại New York ngày 08/11/1968 mà Việt Nam là thành viên kể từ năm 2014", Luật sư Vũ Tuân cho biết thêm.

Ngoài ra, theo cam kết chung của Cộng đồng kinh tế ASEAN thì Việt Nam đã có lộ trình hài hòa khoảng 51 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến sản phẩm ôtô, xe máy, trong đó có tiêu chuẩn về tự động bật đèn chiếu sáng phía trước để tăng khả năng nhận biết cho phương tiện vào ban ngày.

Quy định về việc bắt buộc xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ngày có thể ảnh hưởng tới cả người tham gia giao thông và nhà sản xuất phương tiện giao thông nếu được thông qua.

Đánh giá trong trường hợp hợp quy định bắt buộc xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ngày được thông qua có thể ảnh hưởng, tác động như thế nào tới xã hội, Luật sư Vũ Tuân cho rằng hiện nay quy định nêu trên mới là dự thảo đang được Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến.

"Trường hợp quy định này được thông qua sẽ ảnh hưởng tới cả người tham gia giao thông và nhà sản xuất phương tiện giao thông.

Thứ nhất: Đối với người tham gia giao thông sẽ phải làm quen với các phương tiện có trang bị đèn chiếu sáng tự động hoặc thay đổi thói quen sử dụng đèn xe để tuân thủ pháp luật.

Thứ hai: Đối với các nhà sản xuất sẽ phải có thiết kế và phương án sản xuất phương tiện giao thông phù hợp với quy định. Thậm chí, thúc đầy các nhà sản xuất phát triển và tích hợp các công nghệ mới lên các phương tiện của họ", Luật sư Vũ Tuân bày tỏ.

Theo Gia đình Việt Nam

Từ khóa: