Những chiếc “khóa tình yêu”, ban đầu người ta tưởng chỉ là một trò chơi lãng mạn trong tiểu thuyết. Không ngờ ngoài đời thực, nó bỗng làm nên một sự thu hút khó cưỡng đối với những người đang yêu, và khiến cho một số địa danh trên toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan.
Những chiếc “khóa tình yêu”, ban đầu người ta tưởng chỉ là một trò chơi lãng mạn trong tiểu thuyết. Không ngờ ngoài đời thực, nó bỗng làm nên một sự thu hút khó cưỡng đối với những người đang yêu, và khiến cho một số địa danh trên toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan.
Những chiếc khóa có ký hiệu trái tim và lời yêu thương đeo đầy ắp trên cây cầu Milvio ở thủ đô Roma của Italia.
Trào lưu “khóa tình yêu” đã từng xuất hiện ở Matxcơva, Bruxelles, Kiev, Vilnius (Nga) và Florence, Venise (Ý) hay ở Verona - quê hương của Roméo và Juliette. Nhưng sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất là khi Federico Moccia - nhà văn Italia cho xuất bản năm 2006 cuốn “Ho voglia di te” (Anh muốn có em) miêu tả một chi tiết lãng mạn: “Hai nhân vật chính đem chiếc khóa tình yêu khóa lên cột đèn ở trên cầu Milvio rồi vứt chìa khóa xuống sông Tevere”. Tạo nên một cao trào “bắt chước” ở Italy, muốn thực hiện phần lãng mạn nhất của hai nhân vật trong truyện thành hiện thực ngoài đời của chính mình.
Một thân trụ đèn trên cầu Milvio (Roma, Italia) móc đầy những ổ khóa tình yêu.
Như du khách quốc tế nhận xét “Roma là ‘thánh địa’ tuyệt vời nhất dành cho những điều lãng mạn!”. Sau đó, những chiếc khóa có ký hiệu trái tim và lời yêu thương, xuất hiện tới tấp trên cây cầu Milvio ở thủ đô Roma của Italia.
Khách đã đến đây không ai bỏ qua chuyến viếng thăm sân vận động Olimpico - “thánh địa” của đội bóng AS Roma, và cây cầu Milvio nổi tiếng với vô số “những ổ khóa tình yêu” giăng quanh các cột đèn hoặc thành cầu. Chúng nhiều đến nỗi thỉnh thoảng những chiếc cột đèn bằng đồng lại bị gãy đổ do sức nặng của hàng vạn ổ khóa cộng lại. Nhiều nhất là vào ngày lễ Tình nhân, những cặp đôi lên cầu thề nguyền, mắc những chiếc khóa và vứt chìa khóa xuống dòng sông. Họ tin rằng tình yêu sẽ bền vững, không có kẻ thứ ba nào có thể chen vào bởi làm gì tìm được chìa khóa nữa. Cứ thế, nhờ chuyện “ khóa tình yêu” nên cây cầu Milvio trở thành nơi tham quan nổi tiếng.
Từ Roma, “khóa tình yêu” thâm nhập đến cây cầu Vecchio bắc qua sông Arno ở thành phố Florence, một trong những chiếc cầu có kiến trúc và lịch sử đặc biệt của Italia, được xây từ thời La Mã (năm 996), một đầu cầu vẫn còn hòn đá khắc lời của nhà thơ Dante. Ở một nơi xa hơn, cây cầu Hohenzollern bắc qua sông Rhine (thành phố Cologne của Đức) cũng trở thành một điểm đến lãng mạn của “khóa tình yêu”. Tại Pháp, trong số 37 cây cầu bắc ngang sông Seine (Paris), một chiếc cầu nhỏ mang tên Pont des Arts, với nhịp bằng gang và sàn bằng gỗ, chỉ dành cho khách đi bộ, cũng trở thành điểm hẹn của những đôi tình nhân trên khắp thế giới. Họ đến đây để chứng minh những lời “thề non hẹn biển” bằng những cái khóa đủ kiểu, được gắn vào hai bên thành cầu.
Những cây khóa tình yêu trên cây cầu Luzhkov ở Matxcova, Nga.
Người Nga cũng đâu có chịu kém. Trên cây cầu Luzhkov (Matxcova) vốn đã nổi tiếng với những ổ khóa tình yêu bấy lâu, nay còn xuất hiện thêm những hàng “cây” khóa! Chúng được dựng lên và đeo trên mình hàng nghìn ổ khóa, trông rất lạ mắt. Các đôi tình nhân hoặc vợ chồng mới cưới đến đây khóa ổ khóa của mình lên cây rồi ném chiếc chìa khóa đi, để chiếc ổ khóa làm chứng cho tình yêu của họ vững bền mãi mãi.
Người Mỹ chọn cây cầu Brooklyn (Newyork). Các đôi tình nhân Trung Quốc thì lại chọn đỉnh núi Nga My hay Hoa Sơn cao hơn mặt nước biển hàng nghìn mét, quanh năm chìm trong mây trắng, để làm nơi khóa chặt mối tình của mình. Thế rồi, ở Nhật Bản, Hàn Quốc… đâu đâu cũng thấy “khóa tình yêu” xuất hiện.
Hai năm gần đây, khóa tình yêu cũng đã xuất hiện tại Việt Nam tuy chưa nhiều, trên hai cây cầu có tuổi đời khá cao là cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Trường Tiền (Thừa Thiên Huế). Về bản chất, hiện tượng khóa tình yêu, theo tôi, chỉ là một xu thế nhất thời và mới mẻ. Mà sự khởi nguồn của một truyền thống lãng mạn mới thì bao giờ lại chẳng thu hút những người trẻ tuổi đa cảm. Chỉ có một điều ít ai nghĩ đến là những ổ khóa tình yêu xinh xắn ấy thường không bền lâu trước sự tàn phá tự nhiên của thời tiết và chúng nhanh chóng trở thành một thứ rác rưởi, bẩn thỉu, làm xấu những nơi hò hẹn của tình yêu.
Có cần và có nên đem “biểu tượng của lòng thủy chung” ra phơi nắng, dầm mưa và làm xấu đi những cảnh quan lãng mạn, trữ tình như thế chăng? Có một điều chắc chắn là sẽ có một số nhà sản xuất ổ khóa sẽ không hài lòng khi nghe câu hỏi này, bởi phong trào “khóa tình yêu” đã và đang tiêu thụ khá mạnh sản phẩm và đem lại nguồn lợi không nhỏ cho họ, nhất là vào những dịp lễ Tình nhân hàng năm.
Một đôi tình nhân đang móc ổ khóa trên cầu Pont des Art ở Paris.
Vũ Hào
Theo SaigonTimes