Từ khi trồng các loại "cây trái Nam Bộ", người dân Lâm Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) thoát khỏi cảnh nhà tranh vách đất, trẻ em không phải bỏ học để theo cha mẹ bỏ xứ đi làm ăn xa...
Nông dân xã Lâm Sơn đang thu hoạch chôm chôm. Cây chôm chôm là loại cây tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phát triển mạnh tại địa phương. (Ảnh: Phước Thuận)
Trẻ em từng phải bỏ học theo cha mẹ xa xứ vì nghèo khó
Lâm Sơn được xem là xã miền núi của huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Nơi đây, đất canh tác chủ yếu là sỏi và đá nên nhiều loại cây trồng ngắn ngày như lúa, bắp, ớt... không thể phát triển.
Do đặc thù là vùng cao nên hệ thống thủy lợi ở Lâm Sơn còn nhiều hạn chế. Một năm, bà con nơi đây chỉ sản xuất được từ 2-3 tháng trong mùa mưa. Những tháng hè nắng nóng, khí hậu khắc nghiệt, đất nông nghiệp ở đây đa phần đều bị bỏ hoang vì thiếu nước, nông dân phải di chuyển lên các triền núi để mưu sinh.
Nhận thấy sự khó khăn của người dân, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều phương án đầu tư xây hệ thống thủy lợi, áp dụng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, do đặc thù là vùng đất nhiều sỏi, đá, khí hậu thất thường nên việc thay đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian đầu không đem lại hiệu quả.
Khó khăn vẫn chồng chất khó khăn, nhiều hộ đã bỏ xóm làng đi nơi khác để kiếm kế sinh nhai. Nhiều học sinh phải bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn xa vì nghèo khó.
Mảnh đất Lâm Sơn khô cằn trước đây nay là những vườn cây trĩu quả.
Năm 1992, được quan tâm và hỗ trợ của các cấp, UBND xã Lâm Sơn được chọn là địa phương thí điểm thực hiện mô hình phát triển kinh tế vườn.
Không để tuột mất cơ hội, xã Lâm Sơn đã lập danh sách chọn một số gia đình nông dân sản xuất giỏi đi tham quan thực tiễn tại một số tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Đồng Nai… Chuyến đi giúp người dân học hỏi cách trồng các loại cây ăn quả để ứng dụng cho địa phương.
Sau chuyến đi thực tiễn, nhiều hộ gia đình đã bắt tay vào việc cải tạo đất và trồng thử nghiệm một vài cây. Một thời gian sau, những cây trồng thử nghiệm phát triển và cho năng suất cao, UBND xã Lâm Sơn đã lên kế hoạch mở rộng diện tích.
10 năm chở lại đây, mô hình phát triển kinh tế vườn ngày càng hiệu quả và thu nhập người dân tăng cao. Bình quân sau khi trừ hết mọi chi phí mỗi hộ lãi từ 10-15 triệu đồng /tháng.
Xưa "nhà tranh vách đất", nay "không thiếu thứ gì"
Được sự giới thiệu của UBND xã Lâm Sơn, chúng tôi tìm đến gia đình ông Phan Đình Ba. gia đình ông Ba là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi 1ha đất rẫy sang trồng cây lâu năm như chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, sầu riêng và dừa.
Ông Phan Đình Ba người đã tiên phong chuyển đổi 1 hecta đất rẫy sang trồng cây trái. Mỗi năm, sau khi trừ chi phi ông Ba lãi trên dưới 100 triệu đồng. (Ảnh: Phước Thuận)
Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ nông nghiệp huyện và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn cây ăn trái của ông Phan Đình Ba phát triển tốt và cho năng suất khá cao.
Thấy hiệu quả, ông Ba đã tiếp tục mở rộng diện tích và đang ươm thêm cây con để bán cho bà con trong xã. Đến nay, vườn trái cây của ông Ba đã bắt đầu cho trái ổn định. Sau khi trừ hết mọi chi phí, hàng năm ông có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh một vòng tại vườn, ông Ba phấn khởi nói: “Ngày xưa còn vườn tạp thì thiếu thốn đủ điều, do quá khó khăn tôi đã từng có ý nghĩ cho con cái nghỉ học để phụ giúp gia đình.
Nhưng từ khi chuyển qua làm kinh tế vườn, cuộc sống dần đi vào ổn đinh, con cái được học hành và đã ra trường có công việc ổn định trong TP HCM.
Hiện nay, xã Lâm Sơn cũng được mệnh danh là miền Nam thu nhỏ vì trồng được khá nhiều loại cây ăn trái”.
Thấy được hiệu quả từ mô hình kinh tế vườn, hiện nay xã Lâm Sơn có 209 hộ dân đã chuyển hơn 236ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, với những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, sầu riêng và dừa.
Trong đó, cây chôm chôm, sầu riêng và bưởi da xanh là ba loại cây tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phát triển mạnh tại địa phương.
Nhờ cần cù tìm tòi, học hỏi và chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật nên bình quân mỗi vụ, 1ha vườn cây ăn trái cho thu nhập trên 50 triệu đồng/hộ.
Chỉ về hướng vườn cây ăn trái đang phát triển xanh tốt, chị Nguyễn Thị Hồng (xã Lâm Sơn) bồi hồi nhớ lại:
“Lúc trước nhà tôi chuyên trồng lúa. Một vụ lúa 4 tháng thu về chỉ có 7 đến 8 triệu mỗi ha. Từ khi chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái thì kinh tế gia đình thay đổi rõ rệt. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 10 triệu đồng.
Sau 2 năm tôi đã xây được căn nhà khá khang trang, mua sắm được ti vi, tủ lạnh và chiếc xe tay ga chạy vi vu với bạn bè”.
Cách nhà chị Hồng khoảng 200 mét là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khánh. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà khang trang, màu sơn còn khá mới, ông Khánh vui vẻ nói: “Nhờ vườn cây ăn trái mà tôi mới xây được căn nhà này vào 3 tháng trước.
Mấy hộ dân quanh nhà tôi trước đây toàn là nhà tranh vách đất thôi, nhưng 3 năm trở lại đây, do chuyển sang trồng cây ăn trái thì đã xây được nhà, tường sơn bóng loáng, mua sắm ti vi, máy giặt... đầy đủ không thiếu cái gì”.
Nhờ được chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật các vườn cây ăn trái phát triển khá tốt và cho năng suất cao. (Ảnh: Phước Thuận)
Trao đổi với chúng tôi ông Trương Thành Quyền, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận vui vẻ cho biết: “Định hướng trong thời gian xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả và kết hợp với cải tạo vườn tạp.
Chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu trái cây Lâm Sơn và cũng sẽ có hướng mở rộng mô hình du lịch vườn trái cây nhằm giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định để vươn lên làm giàu”.
Mô hình kinh tế vườn đã đem lại nguồn lợi đáng kể cho nhiều hộ dân xã miền núi Lâm Sơn và đang được một số xã miền núi khác tham khảo và đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Phước Thuận
Theo Đời sống & Pháp lý