Hãy dành chút thời gian để ngưỡng mộ 5 “người khổng lồ” công nghệ của nước Mỹ. Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon và Facebook gần đây đã trở thành 5 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thế giới với tổng giá trị thị trường là 2.900 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử.
Giá trị của các công ty công nghệ từng được xem như những điều điên rồ. Nhưng nay, các nhà đầu tư tin rằng những tập đoàn công nghệ khổng lồ độc quyền, dự trữ núi tiền mặt này đang nắm vai trò thống trị thế kỷ 21. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bảng cân đối kế toán của họ thì sẽ thấy chúng được tạo ra như thể đang đợi một cuộc khủng hoảng chứ không phải thống trị thế giới.
Rất dễ dàng nhận ra lí do tại sao các nhà đầu tư lại thể hiện quan điểm như vậy. Hàng tỷ người trên thế giới đang bị ràng buộc với mạng xã hội, các trợ lý kỹ thuật số, hệ điều hành và nền tảng điện toán đám mây của các doanh nghiệp này.
Năm công ty này đang gây sức ép mạnh mẽ đối với các đối thủ truyền thống như IBM và Macy’s. Tổng lợi nhuận mà họ tạo ra là 100 tỷ USD, nhiều nhà phân tích dự đoán con số này có thể lên đến 170 tỷ USD vào năm 2020.
5 hãng công nghệ lớn nhất thế giới về giá trị thị trường của Mỹ hiện có cả núi tiền mặt.
Các nhóm doanh nghiệp độc quyền trước đây trong ngành cáp, viễn thông và bia, tự tin về khả năng thu hồi tiền từ khách hàng, do đó, họ tài trợ tài chính bằng các khoản nợ, rẻ hơn nhưng không linh hoạt, và trả phần lớn cổ tức bằng tiền. Tuy nhiên, những công ty công nghệ hàng đầu lại có phương thức hoạt động trái ngược khi sở hữu tổng cộng 330 tỷ USD tiền mặt – tỷ lệ gấp đôi dòng tiền thuần của họ.
Số tiền này đã vượt xa mức mà các công ty công nghệ cao và dược phẩm thường sử dụng nhằm bù đắp sự thiếu hụt tài sản hữu hình để vay được nợ có đảm bảo. Ví dụ, với Cisco, Intel, Oracle, Qualcomm và Texas Instruments, tỷ lệ này là 1,3 lần từ năm 1996.
Núi tiền mặt tích trữ này sẽ còn tăng nữa khi lợi nhuận tăng lên vì các chính sách hạn chế trả cổ tức bằng tiền. Ví dụ, Alphabet và Facebook không trả cổ tức bằng tiền cho các nhà đầu tư, đổi lại là các chương trình mua lại cổ phiếu nhỏ nhưng vô thời hạn. Ảnh hưởng từ chương trình này, cộng với dự báo lợi nhuận của các nhà phân tích, tổng lượng tiền mặt ròng của họ sẽ đạt 680 tỷ USD vào năm 2020, gấp 3 lần dòng tiền thuần của họ. Ngay cả Amazon – công ty đang sở hữu lượng tiền mặt nhỏ ở hiện tại– cũng sẽ đạt đến 50 tỷ USD.
Một trong những lý do làm lượng tiền mặt tăng là do thuế. 80% tiền mặt của 5 công ty trên đều ở nước ngoài, cho phép họ trì hoãn nộp các khoản thuế phải đóng khi rút lợi nhuận về. Điều này không hợp lệ nhưng là cách khôn ngoan để các công ty dùng thuế như là lời bào chữa cho việc họ tích trữ tiền mặt.
Lượng tiền mặt lớn hơn mức cần thiết giúp giảm thiểu các cú sốc tài chính hay các cuộc tấn công. Schumpeter đã thực hiện một cuộc kiểm tra giả định rằng, khi thị trường chứng khoán sụp đổ, nhân viên được thanh toán bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu, các công ty cũng phải trả toàn bộ nợ thuế cũng như vướng vào các các yêu cầu pháp lý và kiện tụng. Các công ty này cũng phải thanh toán một năm hợp đồng - ví dụ như Apple phải trả 29 tỷ USD cho các nhà cung cấp linh kiện. Sau khi tính tổng tất cả các chi phí trên, doanh nghiệp vẫn còn 380 tỷ USD tiền mặt năm 2020.
Các khoản đầu tư lành mạnh cũng không thể làm hao đi nhiều tiền mặt của 5 công ty này. Các doanh nghiệp đã chi 100 tỷ USD vào năm ngoái cho nghiên cứu, phát triển, nhiều hơn 3 lần của so với nửa thập kỷ về trước. Một lượng tiền lớn đã đổ vào các trung tâm dữ liệu, phần mềm, các trụ sở mới, và cả những công nghệ của tương lai như xe không người lái hay các loại thuốc trường sinh.
Núi tiền mặt này cũng nhiều gấp hơn 2 lần số tiền đổ vào các khoản đầu tư mạo hiểm toàn cầu mỗi năm, gấp 51 lần lượng tiền mặt hàng năm mà Netflix, Uber và Tesla- 3 công ty nổi tiếng khát tiền mặt –sử dụng, gấp 37 lần số tiền trung bình mà 5 doanh nghiệp chi cho hoạt động thâu tóm nhằm thu về công nghệ và sản phẩm mới.
Cải cách thuế có thể sẽ kết thúc hành vi dự trữ tiền mặt. Các công ty trưởng thành nhất như Apple hay Microsoft sẽ dùng khoản tiền mặt lớn để trả cho các cổ đông. Còn Amazon, Alphabet và Facebook sẽ thực hiện trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông khi lợi nhuận tăng lên.
Nhưng có lẽ các doanh nghiệp vẫn yêu thích chính sách giữ núi tiền để bảo hiểm của mình. Bên ngoài tỏ vẻ bành trướng, nhưng bên trong, họ đang lo lắng về sự lỗi thời của sản phẩm và các quy định pháp lý. Chỉ mới năm năm trước, Facebook và Google phải vật lộn với sự chuyển đổi từ máy tính để bàn sang các thiết bị số. Cơ quan chống độc quyền đang ngày càng kém thân thiện hơn.
Nếu thu nhập của 5 "người khổng lồ" công nghệ tăng như dự báo, họ sẽ lên kế hoạch mua lại các công ty phần cứng, truyền thông hay xe hơi để đa dạng hóa các sản phẩm của mình. Nhưng có thể họ vẫn băn khoăn rằng lợi nhuận sẽ không tăng cao như Phố Wall dự kiến.
Dù bằng cách nào đi nữa, lượng tiền mặt bảo đảm lên tới 330 tỷ USD – giúp cho thung lũng Silicon ngủ ngon mỗi đêm – lại khiến các nhà đầu tư trở nên quan ngại.
Hiểu Loan
Theo Kinh tế & Tiêu dùng