Sự kiện hot
13 năm trước

Có dấu hiệu cán bộ bảo kê mỏ quặng lậu “đội lốt” dự án trồng rừng

Dù biết khu vực khai thác có tên là đèo Kéo Lếch có quặng sắt nhưng chính quyền xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) mà đại diện là ông Chủ tịch xã vẫn xác nhận cho việc san gạt.

Dù biết khu vực khai thác có tên là đèo Kéo Lếch có quặng sắt nhưng chính quyền xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) mà đại diện là ông Chủ tịch xã vẫn xác nhận cho việc san gạt.

Như NTNN phản ánh trên số báo ra ngày 16.7, mỏ quặng lậu quy mô lớn ở huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài. Một số thông tin cho thấy có nhiều dấu hiệu bao che từ cán bộ địa phương.

Mỏ quặng này hoạt động từ 1.1.2012, dưới hình thức một dự án san gạt lấy mặt bằng trồng cây giống trá hình. Dù biết địa điểm này có quặng sắt (khu vực khai thác có tên là đèo Kéo Lếch, tiếng Tày có nghĩa là đèo, dốc sắt) nhưng chính quyền xã Lương Bằng mà đại diện là ông Chủ tịch xã Lương Bằng Ma Đình Oanh vẫn xác nhận cho việc san gạt. Sau khi xác nhận, ông Oanh cũng không tiến hành giám sát, kiểm tra xem có xảy ra việc trộm quặng hay không.

Số quặng lậu đã khai thác còn sót lại.

Do đây là khu vực giáp ranh với xã Nghĩa Tá (cũng thuộc huyện Chợ Đồn) nên vào tháng 3.2012, chính quyền xã này tiến hành kiểm tra và lập biên bản. Biên bản đoàn kiểm tra của xã Nghĩa Tá được lập có chữ ký của ông Ngôn Văn Quế - Chủ tịch xã, yêu cầu ông Nguyễn Tiến Oanh - chủ khu mỏ dừng ngay hành vi vi phạm. Tuy nhiên, biên bản này chỉ mang tính hình thức khi việc khai thác với nhiều người và máy móc cỡ lớn tiếp tục hoạt động để moi móc tài nguyên quốc gia một cách phi pháp.

Đại tá Ma Văn Lả - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn khẳng định, ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh chỉ đạo phòng Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) vào cuộc làm rõ vụ việc. Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng giao cơ quan chức năng làm rõ vụ trộm quặng táo tợn này, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30.7.

Ông Hoàng Văn Mão - Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, các hoạt động, văn bản, quyết định của UBND xã Nghĩa Tá và xã Lương Bằng đối với khu mỏ quặng lậu này theo quy định phải báo cáo với UBND huyện. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, thậm chí là họp Hội đồng nhân dân huyện, vấn đề này không được báo cáo.

“Cả hệ thống chính quyền từ thôn đến xã, từ cán bộ ủy ban đến công an đều không hề báo cáo dù họ đều biết. Tôi rất đau lòng vì việc này” – ông Mão nói. Và mỏ quặng lậu được coi là lớn nhất tỉnh Bắc Kạn này chỉ bị phát giác khi có một người dân điện thoại báo cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du. Nhân chuyến công tác vào đầu tháng 7, ông Du đi kiểm tra và phát hiện sự việc.

Trao đổi với phóng viên NTNN chiều 18.7, ông Hoàng Văn Mão - Chủ tịch huyện Chợ Đồn cho biết, vụ việc khai thác quặng lậu vừa được chuyển sang cho Công an tỉnh Bắc Kạn điều tra. Ông Mão cho rằng, sự việc bị bưng bít lâu như vậy chắc chắn là có người đứng đằng sau. Một trong những người mà ông Mão nhắc đến có hành vi tiếp tay, thậm chí là “đóng cổ phần” vào khu khai thác quặng này là một cán bộ của Công an huyện Chợ Đồn. Đó là lý do mà ông Mão đề nghị không để cho Công an huyện Chợ Đồn tiếp tục điều tra vụ việc.

Bảo An
theo Dân Việt

Từ khóa: