VPBank sẽ phát hành tối đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 80%. Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%.
Theo kết quả lấy ý kiến bằng văn bản mới đây, cổ đông Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đã thống nhất phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thông qua việc phát hành tối đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 80%.
Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%. Vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, VPBank tới đây sẽ trở thành ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành.
Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý III và/hoặc quý IV năm nay. Nguồn vốn sử dụng để tăng vốn đến từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ đầu tư, dự trữ.
Trước khi VPBank chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức tăng vốn, ngân hàng sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP).
Theo đó, VPBank sẽ trích 15 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân nhiên với giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán và được giải tỏa dần qua các năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 28/7, giá cổ phiếu VPB dừng ở mức 56.300 đồng/cp, tăng hơn 73% kể từ đầu năm, song đã giảm 22,7% so với mức đỉnh đầu tháng 7.
VPB hiện là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao thứ hai trong ngành, sau mã VCB của Vietcombank. Sau khi phát hành cổ phiếu để tăng vốn, giá cổ phiếu VPB dự kiến sẽ bị pha loãng đi đáng kể.
Lê Huy
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết