Mẫu nhí là một khái niệm không xa lạ trên thế giới, nhưng tại Việt Nam mới chỉ xuất hiện vài năm nay. Vậy, có gì đặc biệt trong việc đào tạo những mẫu nhí này?
Mẫu nhí trình diễn catwalk không thua người mẫu lâu năm
Thời gian gần đây, khái niệm “người mẫu nhí” ở Việt Nam được nhắc đến nhiều do các chương trình thời trang dành cho trẻ em được quan tâm hơn. Các thương hiệu lớn cũng dành thị phần không hề nhỏ cho thời trang trẻ em. Các tuần lễ thời trang trẻ em diễn ra với quy mô ngày càng được mở rộng cũng đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Trước sự phát triển mạnh mẽ đó, các lớp đào tạo người mẫu nhí cũng liên tục ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu.
Siêu mẫu Xuân Lan có thâm niên 3 năm đào tạo các người mẫu nhí
Người mẫu Xuân Lan cho biết: “Xuất phát từ tình cảm của một người mẹ, cùng với mong muốn được đào tạo ra những thế hệ trẻ đầy tiềm năng cho làng thời trang nước nhà, tôi đã dồn hết tâm huyết của mình vào việc tạo ra một môi trường thời trang chuyên nghiệp cho các bé. Qua ba mùa Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam, chúng tôi đã tìm ra được nhiều gương mặt mẫu nhí triển vọng với thần thái tự tin, khả năng tạo dáng trước ống kính tự nhiên, sáng tạo và kỹ năng đi catwalk không thua gì những người mẫu lâu năm”.
Nhiều mẫu nhí tự tin hơn khi được đến lớp học trình diễn thời trang
Nhiều gia đình đưa các em đến lớp mẫu nhí như một sự trải nghiệm để giao tiếp tốt hơn và giúp các em tự tin hơn. Nhưng cũng có những phụ huynh kỳ vọng, con em họ sẽ được chuẩn bị một hành trang tốt để trở thành người mẫu chuyên nghiệp trong tương lai. “Việc đào tạo người mẫu nhí cũng có rất nhiều điều để nói. Phần lớn các em ở độ tuổi nhỏ nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Nhiều em nhỏ, khi ba mẹ đưa đến lớp học mẫu nhí thì đòi về do các em không thích, hoặc có em cứ đến là khóc do ba mẹ “bắt ép” đi học lớp mẫu nhí. Tuy nhiên, cũng có những em học rất say mê và chăm chú” – Xuân Lan chia sẻ.
Trước câu hỏi, nhiều người cho rằng, trẻ em đi làm người mẫu sớm sẽ trở thành “công cụ” kiếm tiền của người lớn, điều đó có đúng không? Siêu mẫu Xuân Lan cho biết: “Mọi người đang hiểu sai rồi. Cả phụ huynh và cô giáo dạy biểu diễn thời trang đều cho rằng, đây là một sân chơi mới, rèn cho các em sự tự tin. Ai có thể lợi dụng được các em nhỏ, khi cha mẹ luôn có mặt bên cạnh để giám sát? Đây là một sân chơi, để các em có thêm cơ hội đến gần hơn với lĩnh vực thời trang”.
Phụ huynh đưa con đến học lớp thời trang nhí
Phát triển chuyên nghiệp chứ... không “chín ép”?
Mẫu nhí phát triển là điều đáng mừng, nhưng song song với đó, nhiều người lo ngại, các em nhỏ sẽ bị “chín ép” và già hơn so với tuổi. Nói về lo ngại này, người mẫu Thúy Hằng cho biết: “Nhiều người cho rằng, đào tạo các em làm mẫu nhí, đưa các em lên sân khấu sẽ làm cho các bé già trước tuổi, bị ngộ nhận về sự nổi tiếng. Nhưng, với kinh nghiệm đào tạo các em nhỏ trong 3 năm qua, tôi cho rằng, mọi việc không nghiêm trọng như vậy. Các phụ huynh đưa con đến chỗ tôi đào tạo cũng nói rằng, họ muốn con tự tin hơn trong giao tiếp, chứ không muốn trẻ bị “chín ép”, mất đi sự vô tư. Mỗi năm, chỉ có một tuần lễ thời trang dành cho trẻ em được tổ chức, vậy nên sẽ không có sự ngộ nhận nổi tiếng ở các em”.
Xuân Lan cho biết, ở Việt Nam, các chương trình biểu diễn dành cho trẻ em còn rất ít
Nói về vấn đề “chín ép” Xuân Lan cũng chia sẻ: “Hiện tại, ở Việt Nam, các chương trình biểu diễn dành cho trẻ em còn rất ít, thậm chí, nếu có chương trình về thời trang cần trẻ em, BTC cũng tìm “mỏi mắt”. Bởi thế, việc cho rằng, các em bị “chín ép” hay ngộ nhận về ánh đèn lung linh trên sân khấu là rất khó. Việc tạo ra một chương trình thời trang chuyên nghiệp dành cho các bé, để các con có cơ hội tiếp cận với môi trường nghề mẫu nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, đáng yêu đúng lứa tuổi là điều tôi rất trăn trở. Vì vậy, tôi cũng mong các bậc phụ huynh không đánh đồng sự chuyên nghiệp với việc ép các con “già trước tuổi”. Các bậc phụ huynh cần thấu hiểu, dành thời gian bên con và giúp các con phát huy hết tiềm năng của mình, đồng thời tận hưởng tuổi thơ một cách trọn vẹn nhất”.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, người mẫu Trà My cho biết: “Các em nhỏ cần được sống đúng với tuổi của mình thì mới có sự phát triển hợp lý. Các em có học lớp người mẫu thì cũng nên để các em tự nhiên thể hiện những gì mình thích. Cha mẹ hãy coi việc con học lớp mẫu nhí như một hoạt động ngoại khoá, đừng ép các em phải “chín ép” ngay trên sân khấu. Chính vì vậy, việc đào tạo hay hướng dẫn con em mình trở thành mẫu nhí, ca sĩ nhí,... cũng cần chú trọng đến tâm lý của trẻ, giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng nhưng không đánh mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ”.
Mẫu nhí Phúc Minh
Trước những lo ngại về việc theo học các khoá đào tạo kỹ năng nghệ thuật sẽ khiến trẻ “chín ép”, mẹ của mẫu nhí Phúc Minh chia sẻ: “Trẻ con giống như tờ giấy trắng, giấy trắng thành đen hay rực rỡ sắc màu là do người lớn tác động. Tôi nghĩ, những khoá học kỹ năng chỉ là “phần khung” giúp các con tự tin hơn. Còn về mặt tinh thần, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con, để con được sống đúng với tuổi của mình. Bản thân tôi cũng lo ngại con sẽ già trước tuổi, vì thế tôi luôn quan tâm đến việc, sau mỗi buổi học con có cảm thấy vui không, thoải mái không?
Tôi cũng quan tâm đến tư tưởng của các giáo viên dạy con mình, xem họ có cùng quan điểm với tôi trong việc giáo dục trẻ hay không? Tôi mong rằng, các thầy cô giáo nói chung và thầy cô dạy lớp mẫu nhí nói riêng sẽ giúp các con hoàn thiện nhân cách chứ không o ép, đóng khung trẻ trong một hình tượng hay bản sao của nghệ sĩ nào đó”.
Lạc Thành
Theo Người đưa tin