Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường UAE và khu vực Trung Đông

Là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông-châu Phi, nhất là về thương mại, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông-châu Phi, nhất là về thương mại, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Sau tám tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE đạt 3,3 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Hiện tại, hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo đó, việc liên kết với các tập đoàn bán lẻ lớn của khu vực Trung Đông chính là hướng đi mới để nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường 400 triệu dân với nhu cầu rất lớn, lên tới 40 - 70 tỷ USD mỗi năm.

Cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường UAE và khu vực Trung Đông - Ảnh 1

Hiện, Khu vực Trung Đông bao gồm 16 quốc gia với dân số khoảng 400 triệu dân, hầu hết đều có mức sống cao. Trong đó, riêng về các mặt hàng lương thực, thực phẩm, mỗi năm khu vực này nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD và dự báo đến năm 2035, tổng giá trị nhập ngành hàng này dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm.

Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, hàng hóa xuất khẩu sang UAE chủ yếu là mặt hàng nông sản, thủy sản, hoa quả tươi, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ. Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của các quốc gia Trung Đông khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, trong khi thuế nhập khẩu của khối này khá thấp. Do đó, đây là thị trường rất tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng.

Về đầu tư, UAE là một trong những nhà đầu tư lớn của khu vực vùng Vịnh tại Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và du lịch. Ngoài ra, hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, lao động, năng lượng, y tế, du lịch, giáo dục.

Có thể nói UAE hiện là nước có độ mở về kinh tế lớn trong khu vực vùng Vịnh và nhu cầu nhập khẩu của UAE rất đa dạng, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như điện thoại, đồ điện tử, linh kiện điển tử, hàng tiêu dùng, sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, các thủ tục kinh doanh được đơn giản hóa ở mức tối đa, thậm chí ở một số khu vực thương mại tự do, thủ tục thành lập công ty chỉ trong vòng một ngày.

Đáng lưu ý, với hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics hiện đại, Dubai hiện là cửa ngõ rất thuận lợi để đưa hàng xuất khẩu đi tiêu thụ ở các nước khác. Hiện tại, có tới 80% hàng Việt Nam đã được xuất sang Dubai để nối chuyến sang các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy Việt Nam đang xuất siêu sang UAE nhưng đây là thị trường mở nên có nhiều đối thủ cạnh tranh. Thêm vào đó, một trong những rào cản chính yếu là Việt Nam chưa xây dựng được mạng lưới các nhà phân phối và đầu mối xuất nhập khẩu có kinh nghiệm, quan hệ tốt và hoạt động ổn định tại UAE và khu vực Trung Đông, cũng như chưa có những thương hiệu có khả năng “định dạng Việt Nam” đối với người tiêu dùng ở sở tại. Do đó, các sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng cao, song vẫn phải nhập khẩu vào khu vực này qua kênh thứ ba, hoặc dưới thương hiệu nước ngoài.

Một vấn đề khác là giá thành sản phẩm hiện nay vẫn khá cao so với giá thị trường, trong bối cảnh Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có cùng dải mặt hàng như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Đặc biệt, khi UAE đang đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định mậu dịch tự do song phương (CEPA) với ưu đãi thuế suất bằng 0, cuộc đua đang trở nên cấp thiết hơn và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này.

Do đó, để làm ăn thành công tại thị trường UAE, các doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh của người Arab, nắm rõ thị hiếu cũng như những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì sản phẩm và quảng cáo.

Khi hợp tác với các đối tác ở UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững luật pháp, quy định của sở tại, văn hóa và tập tục của cộng đồng doanh nhân (là những người nước ngoài, đang làm ăn tại UAE); tăng cường kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp đối tác của UAE, mở mới hoặc hợp tác khai thác các tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Dubai.

Mặt khác, khi xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần lưu ý các loại thuế quan. Tại UAE thuế quan được sửa đổi liên tục, vì vậy các doanh nghiệp nên kiểm tra lại những nội dung này trước khi xuất khẩu.

Được biết, về phía Đại sứ quán Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tập đoàn và siêu thị khác để xây dựng mạng lưới nhập khẩu và phân phối sản phẩm ổn định tại UAE và Việt Nam, từ đó đảm bảo thúc đẩy thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam sang Siêu thị Lulu, cũng như các hệ thống siêu thị khác tại UAE và khu vực Trung Đông trong thời gian tới.

Bảo An (t/h)/KTĐU

Từ khóa: