Nhận thấy khó khăn hầu hết các cơ quan, đơn vị địa phương nêu ra trong học và làm theo gương Bác Hồ là thiếu những tiêu chí cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ quan điểm: Cứ đọc lại lời Bác, mỗi người sẽ tìm ra điều cần học.
Nhận thấy khó khăn hầu hết các cơ quan, đơn vị địa phương nêu ra trong học và làm theo gương Bác Hồ là thiếu những tiêu chí cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ quan điểm: Cứ đọc lại lời Bác, mỗi người sẽ tìm ra điều cần học.
Lắng nghe 16 tham luận của các đại phương và các cơ quan lớn trong một ngày làm việc của hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những suy nghĩ của mình về học gì ở Bác và học như thế nào
“Có rất nhiều điều cần học, nên học, phải học”, Tổng bí thư nói. “Vì Bác Hồ là tấm gương sáng về mọi mặt, cả cuộc đời Bác là biểu tượng cao đẹp về ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước thương dân tha thiết, trí tuệ anh minh, mẫn tiệp, tầm nhìn xa rộng, sâu sắc, đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong, phong cách khiêm tốn giản dị, tấm lòng nhân hậu, tình cảm chan chứa yêu thương con người, là mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc, được cả thế giới ca ngợi, ngưỡng mộ”.
Tổng bí thư khẳng định Bác Hồ là nhân vật kết tinh giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, hòa trộn tinh hoa văn hóa thế giới.
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thanh Niên
|
Nói cụ thể “học gì ở Bác”, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Học giữ gìn phẩm chất chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, kiên cường, bất khuất, lạc quan và có lòng tin sắt đá.
“Vào lúc này, người đảng viên càng cần phải học những điều đó”, Tổng bí thư nhấn mạnh và nhắc lại một ý Bác nói về tinh thần của người cộng sản: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
Điều thứ hai cần học, theo ông Nguyễn Phú Trọng, là đạo đức cách mạng trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục tệ nạn quan liêu, xa dân…
Điều quan trọng nữa cần học chính là lối sống, phong cách, tác phong của Người: giản dị, khiêm tốn, thanh bạch, tiết kiệm từ ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc… “Xem Người xuống với dân như thế nào để liên hệ với các cán bộ lãnh đạo hiện nay xuống với dân ra sao”, ông nói.
Tổng bí thư khẳng định: “Học Bác là học những điều như thế, cần gì những tiêu chí, tiêu chuẩn, đọc lại những lời Bác nói, xem lại những điều Bác chính là cách học cụ thể”.
“Nhiều nơi cứ bảo chậm triển khai học Bác do thiếu cơ chế, quy định”, ông Nguyễn Phúc Trọng nói. “Mỗi người nhìn vào tấm gương của Bác sẽ tự thấy mình cần học gì: cách nói, cách viết, cách làm, ăn ở, đối nhân xử thế, đi nước ngoài, làm ngoại giao…”.
Tuy vậy, Tổng bí thư cũng đồng ý là trên cơ sở những nhận thức chung như vậy, cần xây dựng cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, đơn vị, cơ quan. Nhưng ông Trọng lưu ý cách làm hình thức, nặng về hô khẩu hiệu, phát động, thi đua… và nhắc nhở học Bác chính ở tác phong “nói đi đôi với làm” của Người.
Chính vì vậy, Tổng bí thư khẳng định học Bác còn vướng không phải do thiếu tiêu chí, quy định, mà “vướng là do chưa thấm rằng học Bác là để chính mình tốt hơn, tiến bộ hơn, trong sáng hơn”.
“Từ thấm sẽ dẫn đến chuyển biến”, ông Trọng nói.
Ông cũng nhắc nhở việc học Bác là học suốt đời, hàng ngày, không ngừng nghỉ, học một cách thiết thực, thiết thân… “Đây là việc làm tự giác của mỗi người, mỗi tổ chức, không ai học thay ai”, ông Trọng nhấn mạnh. “Và học là phải làm theo”.
Tổng bí thư chỉ ra nhiều cách để học Bác, từ đọc lại những bài viết, bài nói của Bác, học qua sách báo, trường lớp, qua thực tiễn công việc, qua tự phê bình và phê bình, qua trao đổi kinh nghiệm, mạn đàm, hội thảo, học từ các tấm gương tốt, phê phán các biểu hiện tiêu cực, qua giám sát góp ý của nhân dân, báo chí, công luận…
“Có nhiều hình thức, con đường tiếp cận, miễn là ta thực sự muốn học Bác”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Chung Hoàng
Theo VietnamNet