Nhiệt điện Quảng Ninh thua lỗ
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh được thành lập vào ngày 04/02/2002, để thực hiện dự án Nhiệt điện Quảng Ninh công suất 1.200 MW (4 tổ máy), số vốn đầu tư dự kiến cần là 550 triệu USD, nhằm đáp ứng nhu cầu về điện năng ngày càng tăng, đặc biệt tại khu vực các tỉnh Đông Bắc.
Tháng 3/2010, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 có công suất 600MW chính thức đi vào hoạt động. Và chỉ 2 năm sau đó (năm 2012) Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 2 khởi động tổ máy số 3, công suất 300MW hòa vào mạng lưới điện quốc gia.
Đến nay, cả 4 tổ máy của Nhiệt điện Quảng Ninh đều đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trong công văn được gửi tới Bộ Công Thương hồi tháng 11/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết một thực trạng đáng báo động đó là nhiên liệu than cho sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng đang thiếu hụt trầm trọng.
Theo đó, Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than (không đủ 1 ngày vận hành), Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng còn 66.785 tấn (khoảng 5 ngày vận hành).
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh - đơn vị quản lý Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cho biết do thiếu than trầm trọng, 2 trong 4 tổ máy của nhà máy đã phải dừng hoạt động từ ngày 17/11/2018.
Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính Quý III/2018 của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, doanh thu quý 3 của nhiệt điện Quảng Ninh đạt 1.503 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ do sản lượng điện trong quý được giao ở mức thấp, giá bán điện lại giảm và giá điện thanh toán thị trường bình quân thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Chi phí giá vốn cao hơn cả doanh thu, lên đến 1.513 tỷ đồng, tăng hơn 239,3 tỷ đồng so với cùng kỳ nên Nhiệt điện Quảng Ninh đã chịu lỗ gộp hơn 10 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 491 tỷ đồng.
Lý giải điều này, phía công ty cho biết nguyên nhân chính là do sản lượng điện thực phát quý 3 cao hơn 346 triệu kWh so với quý 3/2017.
Bên cạnh đó các tổ máy thường xuyên phải vận hành ở phụ tải thấp dẫn đến điện tiêu hao, chi phí tăng cao, suất chi phí than tăng lên làm cho doanh thu không đủ bù chi phí cố định. Trong quý này, công ty còn phải gánh nặng gần 285 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó có 140 tỷ đồng chi phí lãi vay và phần còn lại là lỗ tỷ giá. Theo giải trình từ phía công ty, tỷ giá tăng mạnh đã khiến chênh lệch tỷ giá tăng so với cùng kỳ.
Mặt khác tính đến hết quý 3/2018 Nhiệt điện Quảng Ninh còn ghi nhận 1.852 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và 6.232 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn. Tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn lên đến 8.084 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản. Doanh thu dưới giá vốn, cộng thêm gánh nặng chi phí tài chính, Nhiệt điện Quảng Ninh đã lỗ hơn 311.4 tỷ đồng trong quý 3/2018.
SCIC muốn bán vốn nhưng không có nhà đầu tư quan tâm
Theo kế hoạch phát hành thêm cổ phần của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh nhằm tăng vốn điều lệ từ 2.800 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng để đảm bảo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng dự án Nhiệt điện Quảng Ninh công suất 1.200 MW (4 tổ máy), số vốn đầu tư dự kiến cần là 550 triệu USD.
Năm 2009, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đã ký kết Hợp đồng góp vốn cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh.
Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 tại SCIC, năm 2009, SCIC đã đầu tư hơn 571 tỷ đồng vào Nhiệt điện Quảng Ninh. Đến nay, SCIC mới chỉ nhận được 5% cổ tức (tương đương 25,7 tỷ đồng). Theo báo cáo của SCIC, nguyên nhân chủ yếu là do các dự án thi công chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng do chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay lớn. Khi đi vào hoạt động gặp nhiều sự cố kỹ thuật do chất lượng thiết bị Trung Quốc không ổn định. SCIC đã triển khai việc bán vốn nhưng không có nhà đầu tư quan tâm.
Tháng 9/2016, SCIC quyết định đưa 51,4 triệu cổ phần SCIC sở hữu tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh ra bán đấu giá công khai cả lô với giá khởi điểm 11.200 đồng/cổ phần tương ứng giá khởi điểm cả lô gần 576 tỷ đồng. Nhưng đến nay, SCIC vẫn chưa thể bán vốn tại đây.
Thủy Tiên
Theo Nhà đầu tư