Sự kiện hot
3 năm trước

Cổ phiếu Lộc Trời (LTG) sụt giảm, dự báo kết quả kinh doanh đi lùi

Thất bại nhiều lần tại vùng đỉnh khiến nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về động lực tăng giá của LTG trong thời gian tới. Thêm nữa, cổ phiếu cùng ngành lương thực với LTG trên sàn không nhiều, phần lớn đều giao dịch tương đối ảm đạm với thanh khoản thấp.

Tập đoàn Lộc Trời (LTG) mới đây đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, thông qua kế hoạch doanh thu thuần 14.155 tỷ đồng, tăng 87% và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng; tăng nhẹ 8% so với năm 2020.

Dự báo kinh doanh gặp khó khăn

Về vấn đề doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận tăng không đáng kể, ban lãnh đạo LTG cho biết do trong cơ cấu doanh thu phần lớn đến từ ngành lương thực. Vai trò chính của lương thực là cung ứng đơn hàng, LTG không đặt mục tiêu lợi nhuận cho mảng này trong năm 2021. Khi doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không tăng thì đặt ra bài toán cân bằng giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu, từ đó hướng đến đạt mục tiêu chiến lược là tăng về quy mô.

Kết thúc quý 1/2021, LTG ghi nhận doanh thu thuần 2.397 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 184 tỷ đồng, đột biến so con số lỗ 37 tỷ quý 1/2020 và thực hiện được 46% kế hoạch năm.

Trong đó, doanh thu hầu hết các ngành đều tăng trưởng, bao gồm thuốc bảo vệ thực vật tăng 375%, giống tăng 41%, lương thực tăng 173% từ nền thấp của quý đầu năm ngoái.

Đặc biệt, mảng thuốc bảo vệ thực vật khởi sắc nhất nhờ yếu tố thời tiết và thị trường thuận lợi, nông dân gia tăng đầu tư sản xuất. Hiện, mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 66% với 1.548 tỷ đồng, tiếp theo là lương thực với 604 tỷ đồng, giống đạt 173 tỷ đồng.

Dự kiến sang quý 2/2021, doanh thu sẽ không bằng quý 1 do đơn vị không có kế hoạch bán hàng cho cây lúa vì đây là thời gian sinh trưởng, nhưng có kế hoạch bán hàng cho cây công nghiệp và vùng lúa không xuống giống tập trung.

 Động lực nào để “phá đỉnh”?

Cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã liên tục tăng cao trong nhiều phiên nhưng tốc độ giảm cũng song song. Vào cuối tháng 1, sau nhịp rơi sâu thì cổ phiếu này bất ngờ tăng sốc lên mức cao nhất trong nhiều năm (37.700 đồng/cổ phiếu) chỉ sau hơn 1 tháng.

Từ đầu tháng 5, cổ phiếu LTG bắt đầu trở lại nhịp tăng mạnh, thế nhưng đối với đà tăng này bị đẩy lại nhanh chóng khi mới chỉ vượt qua đỉnh cũ đôi chút và không thể bứt phá vượt ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu, LTG lùi về “chơi vơi” ở mức 36.600 đồng/cổ phiếu.

Với việc liên tiếp không thể vượt qua khỏi vùng “kháng cự” ở đỉnh cũ, cổ phiêu LTG hiện nay đang rơi vào tình trạng khiến nhà đầu tư nghi ngờ về động lực tăng giá trong tương lai?

Trong khi đó, cổ phiếu cùng ngành lương thực với LTG trên sàn không nhiều, phần lớn đều giao dịch tương đối ảm đạm với thanh khoản thấp, đơn cử trong ngành chỉ có cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Điều này cho thấy khả năng hút tiền không hiệu quả của nhóm cổ phiếu này giữa bối cảnh thị trường đặc biệt sôi động.

Theo báo cáo phân tích về triển vọng năm 2021, Chứng khoán FPTS cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định sản xuất phục hồi trong điều kiện thời tiết thuận lợi tuy nhiên doanh thu toàn ngành chỉ tăng trưởng ở mức thấp 1,6% so với năm trước.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại hiện nay như CPTPP, EVFTA hay WTO được đánh giá sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới như Australia, Singapore, Hàn Quốc và đặc biệt là EU, bên cạnh các thị trường truyền thống tại Châu Á và Châu Phi. Thế nhưng, các thị trường trên đều có yêu cầu cao đối với chất lượng nông sản, rào cản kỹ thuật, khả năng truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam phải liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới.

Kèm theo đó, gạo Thái Lan và Ấn Độ đối với gạo Việt Nam được đánh giá cao hơn khi có cùng phẩm cấp, do gạo Việt Nam không có thương hiệu, không truy xuất được nguồn gốc, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trong canh tác.Trung bình trong năm 2019, gạo trắng 25% tấm của Việt Nam có giá thấp hơn 10 – 20% so với gạo Thái Lan trên thị trường thế giới.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: