Trong hai tuần qua, cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ cột dẫn dắt thị trường. Nhìn vào lịch sử giá của nhóm này có thể thấy, các tổ chức đầu tư đã sớm nhìn nhận cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng từ quý đầu năm, nhưng nhà đầu tư cá nhân bây giờ mới nhập cuộc.
Đáng chú ý, không ít CTCK đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội với mức giá mục tiêu từ 23.000 đồng/CP. Thậm chí có công ty còn đánh giá MBB xứng đáng với mức giá trên 27.000 đồng/CP.
Theo những CTCK này, MBB sau nhiều năm chỉ lình xình ở mức giá rẻ, thì nay đang đứng trước cơ hội bứt phá.
Vào cuối tháng 5, CTCK TP.HCM (HSC) khuyến nghị mua vào cổ phiếu MBB thông qua các phân tích cơ bản: dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng 29,1%, đạt 4.713,5 tỷ đồng, với khả năng MBB sẽ ghi nhận tối thiểu 450 tỷ đồng lợi nhuận bất thường từ bán cổ phần tại MCredit và sau đó là MBLand.
Theo HSC, triển vọng tăng trưởng của MBB là tốt, với nền tảng vững chắc và tình hình tài chính mạnh. MBB là ngân hàng hàng đầu trong công tác xử lý nợ xấu và sẽ hoàn tất trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC trong nửa đầu năm 2018.
Báo cáo cập nhật của HSC định giá MBB ở mức 27.300 đồng/CP, cao hơn định giá hồi đầu tháng 5 là 20.000 đồng/CP.
Cùng thời điểm, CTCK Sài Gòn (SSI) đánh giá MBB ở mức giá 26.000 đồng/CP. Theo Báo cáo của SSI, việc MBB dự kiến phát hành 17,1 triệu cổ phiếu ESOP trong quý II/2017, tương đương 1% vốn điều lệ, “room” nước ngoài sẽ tăng thêm 3,4 triệu cổ phiếu.
Giá mục tiêu của cổ phiếu MBB được nhiều CTCK dự báo là 26.000 - 27.000 đồng
Hiện room ngoại của MBB đã ở mức tối đa 20% do MBB dành 10% cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Vì vậy, đây có thể là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài mua ở mức giá tốt, bởi họ đang phải mua MBB với giá chênh lệch từ 10-15% giá thị trường. MBB còn có kế hoạch M&A với ngân hàng khác để tăng quy mô.
Các CTCK cũng khuyến nghị mua vào ACB với giá mục tiêu 29.000 đồng/CP. Trước đó 2 tháng ACB được khuyến nghị mua vào khi ở mức giá 23.000 đồng/CP với thông tin ngân hàng này sẽ cơ bản xử lý được nợ xấu, nhất là khoản nợ liên quan đến cổ đông nội bộ trước kia.
Theo phân tích, nếu thu hồi được các khoản nợ từ 6 công ty liên quan đến “bầu” Kiên thì ACB sẽ được hoàn nhập đáng kể, bởi các khoản trích lập dự phòng đã thực hiện của ACB hiện lên đến 2.400 tỷ đồng.
Cổ phiếu STB của Sacombank cũng có đà tăng ấn tượng, nhất là sau khi ngân hàng này công bố Báo cáo tài chính năm 2015 và 2016 được kiểm toán, cùng với đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua, trong đó có phương án xử lý nợ xấu.
Về cơ bản, làn sóng cổ phiếu ngân hàng thời gian qua xuất phát từ các quy định mới, giúp đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu và động thái thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Chính phủ, đảm bảo tăng trưởng tín dụng 18% theo kế hoạch.
Trong khi đó, các ngân hàng chưa niêm yết như LienVietPostBank, VPBank, HDBank… đang thu hút được dòng tiền trên thị trường tự do.
Điều đó thúc đẩy hoạt động định giá lại cổ phiếu ngân hàng trên thị trường niêm yết. Mặc dù các tổ chức tư vấn sớm đưa ra khuyến nghị với các cổ phiếu ngân hàng như ACB, MBB…, nhưng cũng phải mất khá nhiều thời gian nhóm cổ phiếu này mới “tăng tốc”.
Tuy nhiên, như phân tích của SSI, ngân hàng có đặc thù khác hoàn toàn với các ngành nghề kinh doanh khác, nên nó không có tính chất đầu tư để kỳ vọng vào lợi nhuận. Bởi, với lượng tín dụng gấp 10 lần vốn điều lệ, chênh lệch giữa lãi huy động và lãi cho vay khoảng 3%/năm, trong đó 1-1,5%/năm cho chi phí và rủi ro tín dụng, thì một ngân hàng kinh doanh hiệu quả chỉ có thể đem về lợi nhuận từ 10-15%/năm.
Trong tình hình lạm phát thực tế khoảng 5% và chênh lệch tỷ giá mỗi năm từ 3-5%/năm, đây không phải khoản đầu tư hấp dẫn đối với nguồn vốn ngoại, cũng như vốn của các nhà đầu tư cá nhân. Giá trị doanh nghiệp chỉ nằm ở mức ngang với giá trị sổ sách là hợp lý với tài sản thực có.
Nhưng mặt khác, ngân hàng luôn có sức hấp dẫn riêng khi quản lý một nguồn tín dụng lớn của xã hội. Với 2 ngân hàng ACB và STB là 200.000-300.000 tỷ đồng trên vốn điều lệ ở mức 1 tỷ USD, nên giá trị về mạng lưới và nguồn vốn của các ngân hàng nói chung và 2 ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng này giúp giá trị của cổ phiếu có thể tăng gấp 1,5-2 lần giá trị sổ sách.
Nếu khi rủi ro nợ xấu dần được giải quyết và hoàn nhập dự phòng dần trong các năm vừa qua, cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ có mức tăng giá mạnh, có thể đạt 20% với ACB và 100% với STB. Ngoài ra, dòng lợi nhuận hằng năm cũng đóng góp vào việc tăng giá trị của các cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện giải quyết nợ xấu vẫn chưa có lời giải hữu hiệu, dù đã lên tới nghị trường.
Thành Nam
Theo Đầu tư Chứng khoán