Trong tuần qua (từ 21-25/8), cổ phiếu ngân hàng được xem là một trong những nhóm trụ cột giúp VN-Index giữ trên mốc 770 điểm. ACB đạt đỉnh 8 năm và thanh khoản tăng đột biến, VPB giảm sâu nhất trong nhóm ngân hàng.
Kết phiến 25/8, VN-Index tăng 1,86 điểm (tương đương 0,24%) lên 771,63 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua có được 5 mã tăng điểm, 2 mã không thay đổi và 5 mã giảm điểm.
Trong đó, ACB là mã tăng nhiều nhất với 7,4% lên 27.600 đồng/cp, mức cao nhất trong vòng gần 8 năm qua. Thanh khoản trong tuần qua cũng tăng đáng kể với hơn 3 triệu đơn vị/phiên, so với tuần trước đó đạt chưa đầy 1 triệu đơn vị/phiên.
Ngày 20/8 vừa qua cũng đánh dấu tròn 5 năm sự kiện Bầu Kiên bị bắt. Từ mức dư nợ 8.667 tỷ đồng và dự phòng trích lập 249 tỷ đồng vào cuối 2012, đến nay quy mô khoản nợ sau trích lập dự phòng của 6 công ty G6 liên quan đến bầu Kiên chỉ còn 558 tỷ đồng.
MBB nốt gót sau đó với mức tăng của tuần đạt trên 4% lên 22.950 đồng/cp. Trong tuần, MBBank công bố thông tin Tổng công ty Trực thăng Việt Nam - cổ đông sáng lập và sở hữu 7,97% vốn đã thoái sạch vốn. Giao dịch thực hiện từ ngày 3 đến 18/8, đây cũng là khoảng thời gian cổ phiếu MBBank ở vùng đỉnh kể từ khi niêm yết.
Cổ phiếu ACB (xanh dương) và cổ phiếu MBB trong một năm qua. (Nguồn: VNDirect).
CTG, VIB và STB là những ngân hàng còn lại có được sắc xanh trong tuần. Kết phiên 25/8, thị giá các cổ phiếu lần lượt là 18.600, 21.900, 11.800 đồng/cp.
BID và SHB là hai mã ngân hàng giữ nguyên giá trong tuần với 19,750 và 7.800 đồng/cp. SHB vẫn đang là cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất trong nhóm ngân hàng, bình quân trong tuần đạt 4,78 triệu đơn vị/phiên.
Ngược lại với đà tăng, VPB là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm. Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã có phiên chào sàn kém may mắn khi chìm trong sắc đỏ, sau 7 phiên giao dịch, cổ phiếu này vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Trước thông tin hỗ trợ từ việc VPBank bơm thêm hơn 1.700 tỷ đồng vào “gà đẻ trứng vàng” Công ty Tài chính FE Credit Credit nhằm nâng vốn điều lệ từ 2.790 lên 4.474 tỷ đồng, kết phiên 25/8, VPB vẫn tiếp tục giảm hơn 2,4% về 36.300 đồng/cp, tức giảm 7% so với giá ngày đầu lên sàn.
EIB, VCB, KLB, NVB là 4 cổ phiếu còn lại cũng giảm điểm trong tuần. Kể từ thời điểm lên UPCoM hồi tháng 1 năm nay, cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) liên tục giảm, với giá 9.500 đồng/cp hiện tại đã giảm hơn 15%.
Cổ phiếu KLB kể từ khi lên UPCoM. (Nguồn: VNDirect).
Tính từ lúc tạo đỉnh năm (phiên 22/6), cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) quay đầu giảm về dưới mệnh giá. Trước đó trong khoảng từ cuối năm 2010 đến đầu tháng 6/2017, cổ phiếu NVB luôn dưới 10.000 đồng/cp, có thời điểm giá chỉ còn khoảng 4.000 đồng/cp.
Đvt: đồng/cp. (Bảng: TV tổng hợp).
Thông tin hỗ trợ tích cực nhất trong tuần cho nhóm ngân hàng chính là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố lấy ý kiến dự thảo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN nhằm giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, tỷ lệ này sẽ ở mức 45% vào năm 2018 và xuống 40% vào năm 2019 đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chứ không giảm ngay xuống 40% như quy định cũ. Việc điều chỉnh này được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm và tình hình cho vay trung, dài hạn của TCTD.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng với lộ trình này sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm thời gian cơ cấu lại nguồn vốn, cũng như đưa dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn, vốn là mục tiêu NHNN hướng đến cho hệ thống ngân hàng. Nếu được thông qua, các ngân hàng sẽ có thêm điều kiện phát triển tín dụng mà chưa chịu áp lực đụng trần các tỷ lệ giới hạn như Thông tư 36 hiện nay.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua phản ứng khác tích cực trước Dự thảo sửa đổi Thông tư 36. (Ảnh minh họa).
Một chính sách khác được Chính phủ ban hành trong tuần qua là khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tiền điện tử trước sự rộ lên của bitcoin thời gian qua.
Theo Đề án, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp cùng NHNN, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý, sửa đổi pháp luật về tiền điện tử.
Theo quan điểm của cơ quan quản lý tiền tệ, NHNN khẳng định bitcoin không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương toán thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Qua tuần sau, vụ án Hà Văn Thắm được xét xử trở lại, trong đó có nhiều ngân hàng liên quan như Ngân hàng Đại Tín - Trust Bank (nay là Ngân hàng Xây dựng - VNCB), OceanBank, BIDV.
Tiến Vũ
Theo KTTD, Vietnambiz