Sự kiện hot
10 tháng trước

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VCB mất mốc 100.000 đồng/cp, khối ngoại bán ròng hàng trăm tỷ đồng VCB, TPB, VPB,...

VCB đóng cửa tuần qua tại mức giá 99.900 đồng/cp, giảm 4,9% so với một tuần trước đó. Khối ngoại đã bán ròng 180 tỷ đồng VCB, 160 tỷ đồng TPB, 158 tỷ đồng VPB, 90 tỷ đồng BID, 41 tỷ đồng HDB; trong khi chiều ngược lại mua ròng STB nhiều nhất là 102 tỷ đồng.

VCB về dưới 100.000 đồng/cp, khối ngoại bán ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng

Sắc xanh lan tỏa trên nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua (19 - 23/6) với 23/27 mã tăng giá, tuy nhiên lại không phải là tuần khả quan của cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất toàn ngành - VCB.

Cụ thể, VCB là mã giảm mạnh nhất tuần qua (-4,9%) về dưới mốc 100.000 đồng/cp khi kết thúc tuần tại mức 99.000 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này đã có nhiều tuần diễn biến tích cực, liên tiếp đưa giá cổ phiếu chạm mốc đỉnh mới, vốn hóa của Vietcombank chạm gần tới mức 500.000 tỷ đồng. 

3 cổ phiếu giảm giá còn lại là 3 ngân hàng có vốn hóa vừa và nhỏ là SGB, NVB và BVB với mức giảm đều dưới 2%. 

Ở chiều ngược lại, PGB tăng giá tốt nhất tuần qua với mức + 6,7%, dù vậy mức tăng này chỉ giúp cổ phiếu của ngân hàng PG Bank dao động quanh mức 28.000 đồng/cp sau tuần giảm trước đó. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HOSE tăng tích cực trong tuần này khi 5 mã xếp sau PGB là STB, LPB, SSB, VIB và VPB đều có mức tăng tuần trên 3%.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Tuần này, thanh khoản của toàn ngành giảm 10% so với tuần trước đó với 840 triệu cp được giao dịch, tương đương với giá trị đạt 17.318 tỷ đồng. 

Giá trị giao dịch của STB - mã đứng đầu ngành tuần trước đã giảm gần 20%, xuống còn 2.272 tỷ đồng, xấp xỉ mức 2.285 tỷ đồng của VPB đứng trước đó.

Đáng chú ý, thanh khoản của HDB tuần này tăng gấp gần 4 lần tuần trước đó lên mức 1.224 tỷ đồng, tương đương với gần 66 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư. Giao dịch nhộn nhịp của HDB chủ yếu đến từ các giao dịch thỏa thuận, khi có tới gần 55 triệu cp được trao đổi theo hình thức này.

Cổ phiếu ngân hàng cũng là tâm điểm bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài tuần qua. Cụ thể, nhóm này đã bán ròng 180 tỷ đồng VCB, 160 tỷ đồng TPB, 158 tỷ đồng VPB, 90 tỷ đồng BID, 41 tỷ đồng HDB; trong khi chiều ngược lại mua ròng STB nhiều nhất là 102 tỷ đồng. Trong 2 tuần trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 305 tỷ đồng cổ phiếu STB.

Có chung động thái, khối tự doanh đã bán ròng 79 tỷ đồng CTG, 68 tỷ đồng VPB và 60 tỷ đồng STB. Ở chiều ngược lại, mua ròng nhiều nhất là VIB và OCB mỗi mã xấp xỉ 20 tỷ đồng.

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

Tại họp báo mới đây, NHNN cho biết tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm trước. Mức này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Cũng tại sự kiện, Phó thống đốc cho biết sắp tới NHNN sẽ giao hạn mức tín dụng đến hết cả năm để các ngân hàng chủ động thực hiện việc tăng trưởng tín dụng.

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất từ 19/6. Riêng Agribank và Vietcombank là hai "ông lớn" đầu tiên trong nhóm Big4 điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi sau quyết định giảm lãi suất điều hành  của NHNN từ 19/6, đưa lãi suất 12 tháng về 6,3%/năm.

NHNN chấp thuận việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) đối với ông Hồ Nam Tiến. Ông đã có 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giữ vai trò quản lý cấp cao tại các tổ chức, định chế tài chính.

Nam A Bank dự kiến phát hành hơn 211,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 25%. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu là ngày 7/7/2023. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ được tăng từ mức 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng. 

OCB muốn phát hành 26.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023. Lượng trái phiếu này sẽ được phát hành thành 15 đợt trong thời gian còn lại của năm 2023 nhằm có thêm nguồn vốn để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành.

Lê Huy
Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh

Từ khóa: