Sự kiện hot
7 năm trước

Cổ phiếu 'Rau dưa, trà đá' lên ngôi: Bỏ 10 triệu kiếm thêm 60 triệu

Khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2017 thị trường có thể tìm ra những cổ phiếu có thị giá chỉ bằng vài mớ rau hay cốc trà đá nhưng đến nay đã tăng gấp đôi thậm chí gấp 5 hay 8 lần.

Cổ phiếu 'Trà đá, rau dưa' thành hàng hot

6 tháng đầu năm 2017 có thể nói là một khoảng thời gian khá thành công đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2017, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 776,47 điểm, tăng 16,8% so với đầu năm 2017, trong khi đó, HNX-Index tăng 23,7% lên 99,14 điểm.

Góp công giúp thị trường tăng trưởng mạnh mẽ như vậy là nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có giao dịch hết sức tích cực trong 6 tháng đầu năm. Thường nhà đầu tư hay chọn các cổ phiếu cơ bản tốt, vốn hóa lớn bởi tính an toàn nhưng lợi nhuận của các cổ phiếu này thường không quá cao. Tuy nhiên, tư tưởng này hoàn toàn không đúng, 6 tháng đầu năm 2017 nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có thể đem lại cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận lên đến trên 50% thậm chí là gần 100% như DHG, MBB, VCG, GMD...

Khi thị trường nằm trong xu hướng giá lên thì không thể không nhắc tới các cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao. Những cổ phiếu này thường được nhà đầu tư mạo hiểm ưu chuộng vì lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Thường thì NĐT hay có quan niệm rằng lúc dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ thì đây là thời điểm thị trường đảo chiều sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng đối với thị trường trong nửa đầu năm 2017, các cổ phiếu đầu cơ thay nhau tăng thậm chí có những cổ phiếu tăng xuyên suốt 6 tháng qua trong khi thị trường vẫn vững vàng đi lên.

Khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2017 chúng ta có thể tìm ra được những cổ phiếu có thị giá chỉ bằng vài mớ rau hay cốc trà đá nhưng đến nay đã tăng gấp đôi thậm chí gấp 5 hay 8 lần.

Theo thống kê của NDH cho thấy, trên cả hai sàn HOSE và HNX có tổng cộng 17 cổ phiếu có thị giá dưới 5.000 đồng/CP nhưng sau 6 tháng đã tăng trên 100%.

Cổ phiếu NDF của CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định dẫn đầu danh sách tăng giá với 683,3% (tương ứng gấp 7,8 lần so với cuối năm 2016). Đà tăng giá của cổ phiếu NDF chỉ xuất hiện vào thời điểm đầu tháng 5/2017. Việc NDF tăng mạnh chỉ trong 2 tháng vừa qua là một điều khá bất ngờ bởi cổ phiếu đang ở trong diện bị cảnh báo do LNST năm 2016 và LNST chưa phân phối tại cuối năm 2016 là số âm.

Tiếp đến là cổ phiếu QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với 610,5%. Như vậy, nếu năm giữ cổ phiếu QCG từ đầu năm 2017 đến nay thì tài khoản nhà đầu tư đã gấp đến 7,1 lần. Điểm đáng chú ý là đà tăng mạnh của cổ phiếu QCG chỉ thực sự xuất hiện trong khoảng thời gian cuối tháng 3 - đây là thời điểm trên thị trường xuất hiện tin đồn liên quan đến việc QCG bán dự án Phước Kiển cho Sunny Land.

Có phải đều toàn 'màu hồng'

Đầu tư vào cổ phiếu có tính đầu cơ cao thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro cũng cao. Không phải nhà đầu tư nào cũng chọn được đúng những cổ phiếu tăng trưởng mạnh như trên, hoặc thậm chí chọn đúng nhưng sai thời điểm cũng là một 'thảm họa' đối với họ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017 có những cổ phiếu thị giá chỉ dưới 5.000 đồng/CP nhưng vẫn khiến tài khoản nhà đầu tư bốc hơi đến trên 20%, trong đó, G20 của Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may G.Home là cổ phiếu giảm mạnh nhất với 39,39%. Cổ phiếu B82 của Công ty Cổ phần 482 và LCM của Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai giảm lần lượt 36,6% và 34%.

Khi thị trường giảm, các cổ phiếu đầu cơ sẽ là đối tượng bị bán tháo đầu tiên. Khi nhóm nhà đầu tư đều đã có lãi với hàng đầu cơ thì khi thị trường có biến, các cổ phiếu này sẽ bị bán không thương tiếc. Nếu NĐT mua vào cổ phiếu NDF thời điểm cuối tháng 6/2017 thì NDF có thể chịu khoản lỗ lên đến 29% chỉ trong vòng hơn nửa tháng. Tương tự, cổ phiếu KAC của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An cũng khiến nhà đầu tư mất 28,8%.

Bình An
Theo Người đồng hành

Từ khóa: