Cổ phiếu thép đang giao dịch ở mức cao kỷ lục kể từ năm 2011, chủ yếu nhờ Trung Quốc, mối đe dọa lớn nhất của ngành công nghiệp trong những năm gần.
Cổ phiếu thép đạt kỷ lục nhờ nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg.
Nhu cầu của Trung Quốc, nơi sản xuất một nửa lượng thép của thế giới, tăng mạnh trong năm nay. Bên cạnh đó, quốc gia này đã đóng cửa một vài nhà máy để giảm sản lượng dư thừa trên toàn cầu. Điều này khiến xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, giúp giá thép phục hồi và đẩy chỉ số cổ phiếu thép toàn cầu của Bloomberg tăng 45% trong năm ngoái, tăng gấp 3 lần so với chỉ số World Mining của Bloomberg.
Nhiều chính trị gia, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nước sản xuất thép hàng đầu, đã đổ lỗi cho Trung Quốc là nguyên nhân khiến giá thép giảm và đẩy nhiều nhà máy của châu Âu và Mỹ rơi vào tình trạng phá sản. Đây là nguyên nhân thúc đẩy nhiều quốc gia, từ Mỹ tới Ukraine đưa ra hơn 100 quy định hạn chế thương mại về nhập khẩu thép của Trung Quốc, để bảo vệ nền công nghiệp của họ khỏi thép giá rẻ.
Cùng với đó, chi tiêu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tăng làm nhu cầu thép nội địa đi lên, trong khi chính phủ dừng sản xuất hàng triệu tấn thép vì năng suất dư thừa. Điều này khiến xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm 28% trong nửa đầu năm 2017.
Chỉ số đo lường 41 nhà sản xuất thép toàn cầu của Bloomberg chạm đỉnh cao nhất kể từ tháng 8/2011 vào tuần trước.
Nguồn cung từ Trung Quốc giảm đã giúp giá thép ở châu Âu và Mỹ tăng khoảng 75% trong 18 tháng qua. Sự phục hồi về giá thép cũng nhờ nhu cầu tăng cao, và dự đoán của nhà sản xuất hàng đầu ArcelorMittal về lượng tiêu thụ thép ở Mỹ sẽ tăng 4% trong năm nay.
Bên cạnh đó, Hiệp hội công nghiệp châu Âu Eurofer nâng dự báo về tăng trưởng nhu cầu của khu vực lên 1,9% trong tháng này.
Ngoài ra, hy vọng về Điều 232 của Bộ Thương mại Mỹ liên quan đến điều tra nhập khẩu thép có thể thúc đẩy những quốc gia khác gia tăng hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, trong khi chỉ có một phần nhỏ nhập khẩu của Mỹ đến trực tiếp từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Mỹ có thể vẫn mua phải thép Trung Quốc từ những quốc gia khác, như Đông Nam Á.
Lyly Cao
Theo KTTD, Vietnambiz