Sự kiện hot
8 năm trước

Cổ phiếu thủy điện bừng sáng

Dù còn gây nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận thủy điện vẫn là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho Việt Nam.

Sau một năm gặp quá nhiều khó khăn, dường như câu chuyện 2017 đã dễ thở hơn cho các doanh nghiệp thủy điện khi các cơn mưa lớn xuất hiện với tần suất dày hơn so với năm trước. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn đang ở mức cao, liệu các cổ phiếu thủy điện sẽ có dịp tỏa sáng?

Kết quả kinh doanh quý I/2017 của nhiều doanh nghiệp thủy điện niêm yết trên sàn khá lạc quan. Nhờ lượng nước tích tụ trong hồ cải thiện nên Thủy điện Miền Trung (CHP) ghi nhận lãi ròng 139 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số chỉ 9 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) đạt lợi nhuận ròng 124 tỉ đồng, tăng gần 94%. Kết quả kinh doanh khả quan cũng diễn ra tương tự ở Thủy điện Sông Ba (SBA), Thủy Điện Thác Mơ (TMP), Thủy Điện Thác Bà (TBC) hay Đầu tư điện Tây Nguyên. Xu thế cải thiện lợi nhuận có thể tiếp tục diễn ra, bởi thông thường các nhà máy thủy điện chỉ ghi nhận hoạt động kinh doanh tích cực vào 6 tháng cuối năm, trùng hợp với mùa mưa tới và nhu cầu tiêu thụ điện đạt đỉnh.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lượng mưa trong quý II ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ có thể sẽ tiếp tục tăng 10-30% so với trung bình nhiều năm. Điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ giúp cho các doanh nghiệp thủy điện ở miền Trung và Nam Bộ được mùa. Ngược lại, do ảnh hưởng của hiện tượng La Niña xảy ra từ cuối năm ngoái, khu vực miền Bắc sẽ bị khô hạn nhiều hơn và các dự án thủy điện ở đây sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực.

Dù còn gây nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận thủy điện vẫn là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho Việt Nam nếu được đánh giá kỹ lưỡng tác động về môi trường. Điều này còn quan trọng hơn khi mới đây, Việt Nam đã tạm thời dừng các chương trình phát triển điện hạt nhân trong khi khá nhiều các nhà máy nhiệt điện có quy mô hàng ngàn tỉ đồng như Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 hay Nhiệt điện Hải Dương đang chậm tiến độ xây dựng.

Theo quy hoạch phát triển điện năng của Chính phủ giai đoạn 2011-2020, thủy điện vẫn chiếm tỉ trọng đến 29,5% vào năm 2020 và sẽ giảm dần khi các phân khúc khác như điện mặt trời, điện gió... phát triển hơn. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đang trên đà thực hiện lộ trình tự do hóa ngành điện theo hướng thị trường cũng mang đến cơ hội sinh lời khá hấp dẫn cho các nhà máy thủy điện, cũng như thu hút thêm dòng vốn đầu tư. Nếu so với giá thành sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện vẫn chiếm lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất. “Thủy điện là một trong những nguồn năng lượng có chi phí thấp nhất ở Việt Nam”, ông Surender Singh, CEO Nexif Energy, nhận định.

Hiện ngành thủy điện tiếp tục nhận được sự quan tâm khá lớn từ các nhà đầu tư, nhất là thông qua con đường M&A, bởi số lượng dự án thủy điện mới có thể khai khác gần như không còn nhiều. Năm ngoái, hai tập đoàn nước ngoài là Orix Corporation (Nhật) và UOB Venture Management (Singapore) đã chi ra gần 50 triệu USD để đầu tư vào mảng đầu tư năng lượng của Tập đoàn Bitexco, chính thức tiến công vào ngành thủy điện Việt Nam. Trước đó, Bitexco cũng đã thâu tóm thành công Thủy Điện Văn Chấn từ Công ty Cơ điện Xây dựng.

Cánh tay đầu tư tư nhân của World Bank là IFC cũng nhòm ngó ngành năng lượng Việt Nam khi mua lại 36% cổ phần của Điện Gia Lai, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong ngành thủy điện với tổng công suất các nhà máy lên đến 84,4MW. Bên cạnh sở hữu cổ phần, IFC dự kiến sẽ giúp Điện Gia Lai mở rộng danh mục đầu tư dự án cũng như đầu tư vào các dự án điện tái tạo khác như phong điện và điện mặt trời.

Cơ hội còn đến từ lộ trình tái cấu trúc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ đây đến năm 2020. Bên cạnh việc tiếp tục nắm giữ một số nhà máy thủy điện lớn có tính chất đặc biệt quan trọng như nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, thì theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN sẽ phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp thủy điện còn lại.

Dù vậy, đầu tư vào lĩnh vực thủy điện cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Hầu hết các nhà máy thủy điện có quy mô lớn đều phải đi vay vốn của các định chế tài chính trong và ngoài nước. Nếu các khoản vay này được thực hiện bằng ngoại tệ như USD thì nguy cơ lỗ tỉ giá sẽ gây áp lực lên kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện điều kiện thời tiết đang ủng hộ các hồ chứa nước nhưng trong nửa cuối năm, diễn biến có thể khác. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cuối năm 2017 có thể xuất hiện lại hiện tượng El Niño với xác suất xảy ra lên đến 50%. Quý IV hằng năm thông thường là điểm rơi kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy điện như CHP, SBA, hay VSH. “Do đó, nếu El Niño xảy ra vào thời gian này sẽ ảnh hưởng tới tổng sản lượng cả năm. Tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng vì thế khó có thể duy trì trong cả năm 2017”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.

Nếu so với mặt bằng chung về giá cả trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu các ngành thủy điện vẫn đang ở mức khá hấp dẫn. Hệ số P/E (giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) của CHP hiện chỉ đứng ở mức 7 lần, VSH là 13 lần, SBA chỉ 8 lần hay TBC 12 lần... Cơ hội sở hữu các cổ phiếu thủy điện với giá thấp đang mở ra cho các nhà đầu tư thích ăn chắc mặc bền và đặt niềm tin vào nhu cầu tiêu thụ điện năng tiếp tục ở mức cao của nền kinh tế, ít nhất trong 5-10 năm tới.

Sơn Nguyễn
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Từ khóa: