Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, giá cổ phiếu của Vietcombank có dư địa để tăng trong thời gian tới. Ngày 17/1, trên 347 triệu cổ phiếu mới phát hành của Vietcombank được đưa lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX).
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, giá cổ phiếu của Vietcombank có dư địa để tăng trong thời gian tới. Ngày 17/1, trên 347 triệu cổ phiếu mới phát hành của Vietcombank được đưa lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX).
Sau đợt chào bán cổ phần cho Mizuho, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng từ 19.700 tỷ đồng lên gần 23.200 tỷ đông. Ảnh: Đ.T
Tổng giá trị niêm yết bổ sung theo mệnh giá là hơn 3.470 tỷ đồng. Đây là số cổ phần Vietcombank đã bán cho đối tác chiến lược nước ngoài là Mitzuho Corporate Bank (Nhật Bản).
Sau khi có thông tin Vietcombank đã hoàn tất việc bán 15% cổ phần cho Mitzuho Corporate Bank, Tổ chức Xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s cũng thông báo điều chỉnh triển vọng xếp hạng dài hạn đối với Vietcombank từ tiêu cực lên ổn định.
Standard & Poor’s giữ nguyên xếp hạng đối tác tín dụng của Vietcombank ở mức B+, điều chỉnh xếp hạng tình trạng tín dụng độc lập (SACP) của ngân hàng từ b lên b+.
Theo thông tin từ Vietcombank về kết quả đợt chào bán cổ phần riêng lẻ cho Mitzuho Corporate Bank, Vietcombank đã bán cho Mitzuho Corporate Bank 347.612.562 cổ phiếu, với giá chào bán là 34.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng số tiền thu được là hơn 11.818,8 tỷ đồng. Sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng từ 19.700 tỷ đồng lên gần 23.200 tỷ đồng.
Sau khi có thông tin Vietcombank được Standard & Poor’s điều chỉnh triển vọng xếp hạng dài hạn từ tiêu cực lên ổn định, cũng như ngân hàng này đã hoàn tất việc bán cổ phần cho Mitzuho Corporate Bank, giá cổ phiếu của Vietcombank đã có diễn biến khá tích cực. Theo đó, cổ phiếu VCB trong phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 13/1) đã tăng nhẹ từ 21.000 đồng/cổ phiếu lên 21.100 đồng/cổ phiếu. Trong phiên 16/1, VCB tiếp tục tăng thêm 400 đồng lên 21.500 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, khối lượng giao dịch của VCB trong phiên 16/1 cũng khá sôi động với hơn 500.000 cổ phiếu được chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng vừa công bố kết quả của một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2011. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2010 và vượt kế hoạch đề ra; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt gần 17,5% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt gần 1,3%...
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2011, Vietcombank đã đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng và nâng cao năng lực quản trị hệ thống.
Ngoài thương vụ bán cổ phần cho đối tác chiến lược Mizuho, thì trong năm 2011, Vietcombank cũng đã có được một số hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài, như Thỏa thuận vay 200 triệu USD và ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB); Ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn tài chính - ngân hàng Intesa Sanpaolo (Italy) nhằm hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp trong kế hoạch phát triển kinh doanh ra thị trường quốc tế; Ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Shinhan Bank (Hàn Quốc) nhằm đẩy mạnh quá trình hợp tác kinh doanh…
Theo đánh giá của một số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, trước khi Vietcombank bán cổ phần cho đối tác chiến lược, vốn và lợi nhuận của Vietcombank còn yếu. Tuy nhiên, sau khi ngân hàng này có thêm nguồn vốn với tổng giá trị gần 12.000 tỷ đồng từ tiền mua cổ phần của Mizuho thì vốn khả dụng của Vietcombank cũng được nâng lên tương đối.
Ông Đỗ Mạnh Dũng, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, việc Mizuho mua cổ phần Vietcombank với giá tới 34.000 đồng/cổ phần, trong khi giá giao dịch của thị trường hiện chỉ hơn 21.000 đồng/cổ phần cho thấy, hiện cổ phiếu VCB Vietcombank đang bị các nhà đầu tư trong nước đánh giá thấp hơn giá trị thực. Do đó, VCB hoàn toàn có dư địa để tăng giá.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng hy vọng rằng, với sự hợp tác với Mizuho, ngoài việc có được một nguồn vốn lớn, Vietcombank có khả năng nâng cao khả năng quản trị ngân hàng từ kinh nghiệm quốc tế của tổ chức này.
Chí Tín
Theo Dau tu