Sự kiện hot
7 năm trước

Cổ phiếu vua hồi kinh

Cổ phiếu ngân hàng, một thời được ví là “cổ phiếu vua”, đang tìm lại ánh hào quang với nhiều yếu tố thuận lợi về thị trường và chính sách.

Cổ phiếu vua hồi kinh (Ảnh minh họa)

Cổ phiếu ngân hàng đã đánh bại mức bình quân thị trường với tốc độ tăng giá lên đến 40% từ đầu năm đến nay, gấp đôi so với mức tăng của chỉ số VN-Index. Nhiều yếu tố thuận lợi giúp cổ phiếu ngân hàng có thêm các cơ hội tăng giá.

Xuất hiện “nhà vua” mới

VPBank trở thành ngân hàng thứ 10 niêm yết trên sàn chính thức, sau lần gần nhất là BIDV lên sàn năm 2014 và MBB lên sàn năm 2011. Sự kiện VPBank niêm yết cổ phiếu trên thị trường có thể xem là sự kiện lớn nhất trong năm của ngành ngân hàng. Với mức vốn hóa dự kiến ban đầu lên đến 2,3 tỉ USD, VPBank có thể trở thành ngân hàng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trong số các ngân hàng tư nhân. Vì thế, ngân hàng này được coi là “vua” mới trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, trước VPBank đã có VIB và Kienlongbank lần lượt niêm yết trên sàn giao dịch, nhưng là sàn UPCoM. Theo quy định, các công ty đại chúng buộc phải niêm yết. Vì vậy, “hàng hóa” cổ phiếu ngân hàng trên thị trường sẽ ngày càng nhiều hơn trong thời gian tới. LienVietPostBank có kế hoạch lên sàn vào quý III, nhưng vẫn còn nhiều cái tên khác như Techcombank, OCB, Maritime Bank, ABBank chờ đợi.

Còn nhiều ngân hàng như Maritime Bank đang đợi lên sàn. Ảnh: Quý Hòa

Trong khi VPBank đã chọn xong đường đi, thì những ngân hàng khác vẫn còn đang là ẩn số. Techcombank, ngân hàng có thương hiệu và quy mô tài sản lớn, trước đó cho biết cũng sẽ lên sàn HoSE, nhưng chưa có động thái cụ thể hơn. Dù vậy, có thể nhận thấy VPBank tham gia sàn giao dịch chứng khoán vào đúng thời điểm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch sôi động trở lại. “Giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây tăng cả về giá và thanh khoản”, ông Cao Tấn Phát, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho biết. Thanh khoản cao hơn, giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây đều nằm trong chu kỳ tăng, có ngân hàng tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu Vietcombank tính đến ngày 8.8 đã tăng 2,95%, VietinBank tăng 27,92%, BID tăng 31,4%, MBB tăng 76,2% và SHB tăng 72,34%.

Với mức giá hiện nay, có thể thấy các cổ phiếu ngân hàng cũng phân chia rõ thành từng nhóm theo vùng giá. Thứ nhất là vùng giá 3x, gồm cổ phiếu Vietcombank, VPBank; vùng giá 2x hiện có ACB, MBB, BID, CTG, VIB; vùng giá quanh 12.000-13.000 đồng/cổ phiếu gồm Sacombank, Eximbank, SHB; và giao dịch ở dưới mệnh giá có NVB và KLB. Theo ông Phát, cổ phiếu ngành ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư là vì lợi nhuận ngân hàng năm nay được cải thiện đáng kể. Nhà đầu tư kỳ vọng một số ngân hàng có chất lượng tài sản tốt đã trích lập gần xong nợ xấu cho VAMC, kỳ vọng về tháo gỡ nợ xấu từ Nghị quyết số 42 của Chính phủ, giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu tại một số ngân hàng có nợ xấu lớn.

Thống kê 12 ngân hàng (gồm 10 ngân hàng đang giao dịch chính thức trên thị trường và thêm VPBank, Techcombank) cho thấy, lợi nhuận thuần trước hoạt động rủi ro dự phòng tính đến quý II/2017 đã tăng 30% so với cùng kỳ, đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn diễn biến thuận lợi. “Điều này có được là do tăng trưởng dư nợ cho vay, nhất là mảng bán lẻ, doanh thu từ lãi tăng, đồng thời các dịch vụ ngoài lãi tăng tốt”, ông Phát nhận định.

Trên thực tế, nếu theo dõi cổ phiếu ngân hàng, có thể thấy hằng năm đều có những đợt sóng về cổ phiếu liên quan đến lợi nhuận. Năm nay cũng tương tự nhưng đã có những điểm vĩ mô mới thay đổi tích cực hơn. Theo Công ty Chứng khoán HSC, ở thời điểm cuối quý IV/2017 và quý II/2018, kết quả lợi nhuận và tiến độ xử lý nợ xấu của từng ngân hàng cũng như của cả hệ thống sau khi khi Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu đi vào hoạt động là 2 yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá cổ phiếu ngân hàng. “Đặc biệt là quý II/2018 sau gần 1 năm Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu được áp dụng, thì thị trường và nhà đầu tư sẽ có tâm lý xem xét lại hiệu quả thực sự của nghị quyết này”, đại diện HSC nhận định.

Tuy nhiên, cập nhật đến phiên giao dịch ngày 9.8, cùng với sự giảm điểm mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ đầu năm 2016, cổ phiếu ngân hàng lại lao dốc lần nữa trước những thông tin đồn đoán liên quan đến vấn đề nhân sự. Dù dễ bị tổn thương, nhưng thị trường vẫn có một vài cổ phiếu “hoa hậu” tiềm năng.

Tìm cổ phiếu “hoa hậu” tương lai

Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu 20%, năm 2017 sẽ có 1,1 triệu tỉ đồng được cung ứng ra thị trường, riêng 6 tháng cuối năm là 600.000 tỉ đồng. Nếu đạt mức tăng trên thì đây sẽ là năm tăng trưởng tín dụng kỷ lục kể từ năm 2010. Với chính sách tín dụng này, nhiều công ty chứng khoán dự báo nhóm ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhất, tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn 12% so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, khi những yếu tố hỗ trợ hầu như đã được phản ánh vào giá, những kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2017 đã được thị trường hưởng ứng, câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu ngân hàng đã đạt đỉnh trong năm 2017?

Trong đợt lên sàn lần này của VPBank là mức định giá lên đến 39.000 đồng/cổ phiếu khi niêm yết trên sàn. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đồng thời là đơn vị tư vấn niêm yết, mức giá này được đưa ra bởi các quỹ đầu tư nước ngoài, đó là mức giá họ chấp nhận trả để sở hữu cổ phiếu VPB khi ngân hàng này tiến hành IPO. “Khối lượng đặt mua lên đến 1,2 tỉ USD, ngay ở thời kỳ đỉnh cao của ngành ngân hàng cũng chưa có nhu cầu nào cao đến như vậy”, ông Tô Hải, Tổng Giám đốc VCSC, cho biết. Cũng có những nhà đầu tư trả đến vùng giá 45.000 đồng/cổ phiếu nhưng cuối cùng VPBank chốt mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, ông Hải kể lại quá trình gọi vốn 280 triệu USD mới đây từ 78 nhà đầu tư nước ngoài của VPBank.

Nếu đi tìm cổ phiếu “hoa hậu” ở nhóm ngân hàng tư nhân, VPBank hiện là cái tên sáng giá nhất. Sự săn đón của nhà đầu tư vào cổ phiếu VPBank một phần kỳ vọng vì ngân hàng này chuẩn bị niêm yết, nhưng một phần cũng vì hiệu quả hoạt động của Ngân hàng thực sự hấp dẫn qua con số tài chính, với ROA (lợi nhuận/tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) lần lượt là 1,9% và 25,7%, theo báo cáo của VCSC.

VPBank cũng là cái tên được nhắc đến trong bối cảnh thị trường có hơn 10 mã cổ phiếu ngân hàng, nhưng lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài lại hiếm hoi vì đa số cổ phiếu hết room, hoặc đang gặp vấn đề lớn về chất lượng tài sản, theo nhận định của HSC. Công ty Chứng khoán HSC cho rằng giá cổ phiếu VPBank hiện khó lòng tăng thêm, điều này cũng tương tự đối với cổ phiếu SHB. Thống kê cho thấy giá cổ phiếu VPB tăng hơn 250% trên sàn OTC trong khoảng 1 năm trở lại đây, dẫn đến chỉ số P/B đã lớn hơn 2,2 lần. Trong khi đó, cổ phiếu SHB đã có mức tăng 78% so với đầu năm. “Giá hiện không còn rẻ”, đại diện HSC nhận định. Tuy nhiên, VPBank đang có cơ hội tạo ra giá trị sổ sách cao hơn nhiều sau khi tăng vốn thành công (khoảng 6.000 tỉ đồng gọi vốn từ các quỹ đầu tư ngoại và dự kiến phát hành thêm với tỉ lệ 11% sau khi niêm yết). “Chúng tôi không phải lo về vốn trong vài năm tới”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết.

SHB lại là một cổ phiếu khá trầm lặng trong thời gian qua, nhưng tốc độ tăng giá thuộc loại cao nhất trong nhóm ngân hàng. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), SHB có mức tăng trưởng dư nợ ấn tượng, khoảng 40% trong vài năm gần đây. “Tuy nhiên, chất lượng tài sản cùng với khối lượng nợ xấu lớn khiến giá trị ngân hàng được định giá thấp hơn so với các ngân hàng khác”, ông Phát, SSI cho biết. Đây cũng là năm thứ 5 sau khi SHB sáp nhập với ngân hàng thua lỗ Habubank. Ở diễn biến khác, bầu Hiển, chủ sở hữu của SHB vẫn còn khá yên ắng, ngoài những thương vụ muốn sở hữu các công ty nhà nước bắt đầu cổ phần hóa.

Ngược lại với 2 mã cổ phiếu trên, HSC cho rằng các mã cổ phiếu vẫn còn tiềm năng tăng giá là MBB, Techcombank, Sacombank và Eximbank vì P/B vẫn còn thấp hơn so với bình quân gia quyền cả ngành (hiện khoảng 1,7 lần). MBB được nhiều công ty chứng khoán đánh giá là có quan điểm tăng trưởng chậm và chắc. Hiện cổ phiếu MBB được giao dịch ở mức P/B khoảng 1,6 lần. “MBB có chất lượng tài sản tốt và có quy trình cho vay khá chặt”, ông Phát đánh giá. SSI cũng kỳ vọng việc xử lý xong nợ xấu VAMC trong năm 2018 sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Thực tế, MBB vẫn còn “nợ” thị trường danh tính của đối tác chiến lược mà ngân hàng này đã lên kế hoạch tìm kiếm từ lâu.

Cổ phiếu MBB được giao dịch ở mức P/B khoảng 1,6 lần. Ảnh: doanhnghiepdautu.net

Trong khi đó, hai ngân hàng có thương hiệu mạnh là Eximbank và Sacombank giao dịch ở vùng P/B chỉ xấp xỉ 1 lần “do các quan ngại về nợ xấu cao” như HSC cho biết. Con số nợ xấu của Sacombank gần đây được công bố là 60.000 tỉ đồng. Sacombank cũng đã có ông chủ mới là Chủ tịch của Tập đoàn Him Lam. Điều này khiến thị trường kỳ vọng Sacombank sẽ sớm xử lý được khối nợ xấu này trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, Eximbank vẫn tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng theo đề án “Eximbank One” dưới sự giám sát của dàn nhân sự là cổ đông chiến lược từ Nhật.

Cơ hội tăng giá trở lại của hai cổ phiếu này phụ thuộc nhiều vào quá trình xử lý của những người chủ mới. “Đây cũng là 2 ngân hàng có truyền thống và nội lực rất lớn. Do đó, nếu có dấu hiệu về việc họ bắt đầu thực sự xử lý được các khoản nợ xấu tồn đọng thì giá cổ phiếu sẽ nhanh chóng phản ứng tích cực từ nền giá đang rất rẻ so với bình quân ngành”, đại diện HSC bình luận. Tuy nhiên, trong thời gian tới, điều này còn phụ thuộc vào sự định hình chiến lược phát triển của ngân hàng, khi cạnh tranh trong ngành ngày càng tăng, đại diện SSI lưu ý thêm.

Năm nay là mốc thời gian cuối cùng trong quá trình xử lý nợ xấu đặt ra trong giai đoạn 2012-2017. Nếu như giai đoạn 2012-2014 nói nhiều về mức độ sở hữu chéo, thì từ đó đến nay là câu chuyện của nợ xấu. Hậu quả của quá trình tăng trưởng tín dụng nóng trước đây vẫn đang được xử lý. Số nợ xấu được nhắc đến gần đây là 600.000 tỉ đồng, tương đương 10% dư nợ.

Trong khi đó, ngân hàng không những phải xử lý nợ xấu mà còn gặp nhiều biến động nhân sự vì quá trình tăng trưởng nóng trước đó, sự sắp xếp lại số lượng ngân hàng cũng ảnh hưởng đến nhân sự của ngành. “Điều này là tích cực nếu các thương vụ M&A có thể tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả từ đó thúc đẩy lợi nhuận thì giá cổ phiếu sẽ tăng”, đại diện SSI nhận định.

Nhìn về chặng đường sắp tới, bên cạnh việc quản trị chất lượng tài sản, các ngân hàng vẫn còn đối mặt với nhiệm vụ cấp bách khác là đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II, đặc biệt là với khối ngân hàng quốc doanh. Trong khi đó, hoạt động M&A nước ngoài muốn sôi nổi hơn vẫn cần phải chờ mở room đầu tư.

SSI cũng nhắc lại nguyên tắc mà các nhà đầu tư cơ bản muốn nắm giữ cổ phiếu lâu dài, là chọn chất lượng tài sản và dòng tiền dương, còn đại diện HSC cho biết: “Nhìn chung giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và cả năm 2018. Tuy nhiên, mức độ tăng giá của từng cổ phiếu sẽ rất khác nhau do chất lượng tài sản, kết quả lợi nhuận và câu chuyện M&A của từng ngân hàng”.

Việt Dũng
Theo Nhịp cầu đầu tư

Từ khóa: