Sự kiện hot
13 năm trước

'Còn bao nhiêu Luyện, Dưỡng trong mỗi chúng ta?'

'Sau vài vụ thảm sát tiệm vàng liên tục xảy ra trong thời gian ngắn, người ta bắt đầu hoang mang rằng có bao nhiêu Luyện, bao nhiêu Dưỡng trong mỗi chúng ta và trong cộng đồng?'

'Sau vài vụ thảm sát tiệm vàng liên tục xảy ra trong thời gian ngắn, người ta bắt đầu hoang mang rằng có bao nhiêu Luyện, bao nhiêu Dưỡng trong mỗi chúng ta và trong cộng đồng?' - bức xúc trước thực trạng tội phạm chưa thành niên gia tăng, chuyên gia Thu Quỳnh (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã gửi đến VietNamNet bài viết phân tích sâu về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu.

Gần đây, ngày càng nhiều vụ án giết người máu lạnh tới nỗi nhấp chuột vào internet là nhìn thấy những dòng title nóng hổi luôn đạt mức được theo dõi nhiều nhất ở các báo.

Anh bạn tôi ở một tờ báo pháp luật cũng phải thốt lên rằng “bây giờ cướp giết hiếp là tin hot nhất”.

Điều ấy chứng tỏ tình trạng tội phạm đang ở mức báo động và được dư luận toàn xã hội quan tâm sát sao.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận đi hết cú sốc này tới cú sốc khác là tỉ lệ tội phạm chưa thành niên ngày càng tăng cao.

Nhiều người không khỏi giật mình trước công bố tại diễn đàn Quốc hội cho thấy tình hình tội phạm tuổi vị thành niên quá cao, chỉ sau 5 - 10 năm nữa cả nước sẽ có gần 1 triệu người có tiền án tiền sự, trong đó có đến 200.000 trường hợp dưới 30 tuổi.

Từ 2010, thống kê tội phạm của thành phố lớn nhất cả nước cho thấy có tới gần 20% tội phạm chưa thành niên phạm pháp hình sự bị bắt giữ, xử lý.

Có lẽ chưa khi nào liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường đẫm máu như thời điểm hiện nay, liên tiếp các clip đánh nhau được tung lên mạng. Nhiều bậc phụ huynh bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của con mình, thậm chí không ít người băn khoăn rằng có khi nào điều đó xảy ra – bao nhiêu phần trăm một đứa trẻ chưa trưởng sẽ thành nạn nhân hay tội nhân?


Dương Phương Thuấn, học sinh lớp 8 giết bạn để cướp chiếc xe đạp tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

Sau vài vụ thảm sát tiệm vàng liên tục xảy ra trong thời gian ngắn, người ta bắt đầu hoang mang rằng có bao nhiêu Luyện, bao nhiêu Dưỡng trong mỗi chúng ta và trong cộng đồng?

Hàng trăm, nghìn phản hồi trực tiếp (comment) ồ ạt trên các trang mạng đều đòi tăng nặng khung hình phạt đối với trẻ vị thành niên phạm tội, bởi không ai, dù là người hiền lành nhất có thể chịu được nụ cười nhếch mép lạnh lùng bình thản của kẻ thủ ác mất nhân tính.

Sự tức giận của xã hội như được đổ thêm một chảo dầu khi có nhiều học sinh tỏ ra thích thú với trò đùa 'thần tượng Lê Văn Luyện'.

Tăng nặng khung hình phạt cho những kẻ thủ ác dã man kể cả tuổi teen dường như là biện pháp hiệu quả nhất mà nhiều người nghĩ đến.

Phải chăng, khung phạt bây giờ không đủ tính răn đe? Có phải luật pháp nước ta còn quá nương tay? Sự bình luận này xôn xao tới mức có một vài ý kiến cho rằng chính người lớn cũng đang dần lạnh lùng hơn với những đứa trẻ hư và kêu gọi lòng từ bi hỉ xả trong mỗi con người.

Và quả thật, khung hình phạt cứng rắn có vẻ như chưa phải là câu trả lời phù hợp nhất, bởi chỉ một thời gian ngắn sau, cả nước lại rúng động khi có vụ cướp tiệm vàng giết người dã man tại Thường Tín được thực hiện bởi một người đàn ông thành niên.

Hiển nhiên anh ta biết hình phạt nào đợi mình nếu như bị sa lưới pháp luật. Vậy tại sao anh ta vẫn giết người khi biết chắc không thoát án tử cũng như khó lòng chạy trốn?

Như vậy dư luận, nhà giáo dục, người làm công tác xã hội trải qua biết bao cung bậc cảm xúc. Từ phẫn nộ, xót xa và đến lo lắng trước những câu hỏi còn đang treo lơ lửng đó và đi tìm lời giải.

Quả không sai nếu cho rằng có “gen côn đồ” theo một số nghiên cứu tội phạm học đã khẳng định - ở một số người, tỉ lệ gen MAO-A dẫn tới xu hướng bạo lực, tham gia vào các băng đảng tội phạm nhiều hơn.


Lê Văn Luyện, hung thủ trong vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (Ảnh: VietNamNet)

Tính côn đồ, hung hãn ở những đối tượng bạo lực trẻ hiện nay không chỉ là do tính cách, lối sống, môi trường sống quy định mà còn bị chi phối một phần không nhỏ bởi nhóm gen trên.

Vai trò, trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng được xem xét lại, vì hiếm khi cây con được nuôi dưỡng tử tế lại gầy guộc khẳng khiu.

Nhưng chừng đó có lẽ chưa đủ. Khung pháp lý chưa quan trọng bằng sợi dây đạo đức. Cần phải nhìn nhận lại toàn bộ cấu trúc xã hội mỗi chúng ta đang sống. Hiện tượng trẻ hóa tội phạm gia tăng, hành xử côn đồ, thách thức dư luận của trẻ vị thành niên cho thấy một sự lung lay các giá trị, mất thăng bằng của xã hội chứ không chỉ của các cá nhân.

Những biểu hiện ở các em chỉ là biểu hiện ở nhóm nhạy cảm nhất trong xã hội, mà hành vi mang tính lặp lại ở nhiều cá nhân phản ánh những vấn đề nội tại của toàn thể cộng đồng.

Nhà xã hội học Emile Durkheim đã cho rằng “Nếu coi tội phạm như một căn bệnh xã hội, thì như vậy đã thừa nhận rằng, bệnh tật không phải là một cái gì ngẫu nhiên, mà ngược lại trong một số trường hợp, nó bắt nguồn từ chính cấu tạo căn bản của sinh vật”.

Xem xét xã hội như một tổng thể, cần phải thấy mỗi bộ phận đều có chức năng nhất định góp phần đảm bảo sự tồn tại của chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững.

Theo đó, xã hội tồn tại và phát triển được nhờ các thành viên chia sẻ những giá trị, chuẩn mực chung trong xã hội mà dẫn tới thống nhất xã hội.

Trong xã hội đó, con người bị quy định bởi các giá trị chuẩn mực, khung đạo đức.

Khi một sự gia tăng đột biến tội phạm trẻ có tính nguy hiểm cao là một biểu hiện của việc các giá trị chuẩn mực, khung đạo đức đang lung lay.

Có lẽ, cũng không cần phải bàn nhiều về tiêu cực, khủng hoảng trong toàn bộ các tiểu hệ thống của cả cấu trúc xã hội. Hàng ngày người đọc đều liên tục cập nhật và trực tiếp trải nghiệm những điều đó.

Chừng nào những trục trặc trong vận hành của các tiểu hệ thống khác chưa được giải quyết thì cũng khó lòng tìm được câu trả lời xác đáng cho một giải pháp đối với tội phạm vị thành niên.

Nói như vậy cũng là để san bớt gánh nặng cho giáo dục nhà trường và cả trong các gia đình.

Giáo dục nhà trường là yếu tố chủ chốt trong việc bồi đắp kiến thức và hình thành nhân cách con người, điều đó thể hiện ra hành vi ứng xử của người được thụ hưởng nền giáo dục đó.

Gia đình luôn là hạt nhân của xã hội – chịu trách nhiệm chính với mỗi cá nhân. Nhưng cả gia đình và ngành giáo dục cũng chỉ là một tiểu thành phần của xã hội, nó cũng chịu tác động đầy đủ các tiêu cực xã hội, sự đổ vỡ của các giá trị đạo đức.

Do đó, khó đòi hỏi một cá thể phải phát triển tư cách đạo đức tốt đẹp trong một xã hội mà giá trị mới đang dần được xây dựng, vẫn còn bao khoảng trống cần được bồi lấp bởi một thời gian dài các chuẩn mực xã hội còn bị xáo trộn.

Thu Quỳnh
Theo TT&VH

Từ khóa: