Trong quá trình ăn dặm của con, có giai đoạn bé chỉ thích ngậm và không nhai thức ăn, chị Phúc có mẹo nhỏ là cho một chút trái cây mát lạnh vào khẩu phần ăn, đồng thời giảm thô và tăng độ loãng để bé hứng thú trở lại.
Theo quan điểm của chị Trần Diểm Phúc (hiện sống tại Đài Loan), ăn dặm (ăn bổ sung, ăn sam) là thời kỳ bé chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa sang chế độ ăn các thức ăn giống như người lớn. Bời vì khi được 6 tháng tuổi, cơ thể bé bước vào giai đoạn phát triển mới với nhu cầu dinh dưỡng tăng cao mà sữa mẹ không đáp ứng được hoàn toàn nữa, bé cần phải ăn thêm thức ăn bên ngoài.
Nhưng ăn dặm không đơn giản chỉ là bổ sung dưỡng chất cho cơ thể bé, đó còn là quá trình bé tập nhai và nuốt, tập làm quen với các mùi vị và dạng thức ăn mới, giúp hệ tiêu hoá hoàn thiện, giúp cơ hàm của bé phát triển. Vì thế đây là quá trình cực kỳ quan trọng, giúp tạo nền tảng cho thói quen ăn uống tốt của bé sau này, cũng tức là tạo nền tảng cho sự phát triển thế chất và trí não của bé.
Cùng trò chuyện với bà mẹ 9x này để học hỏi thêm kinh nghiệm cùng con ăn dặm nhé!
Chị Phúc và con trai.
Lần đầu tiên ăn chuối nguyên trái, Cún nhai và xử lí khá tốt, ăn hết phần nhưng không ọe lần nào.
- Chào chị Phúc, chị bắt đầu cho bé ăn dặm từ khi nào và chị đã áp dụng phương pháp ăn dặm nào cho bé?
Chào bạn, bé Hạo Khiên (tên ở nhà là Cún, sinh nhật ngày 3/10/2016) là con trai đầu lòng của mình, bé bắt đầu ăn dặm lúc 5 tháng 10 ngày. Vì là lần đầu làm mẹ, lại chăm con một mình nên khi mới có bầu mình đã bắt đầu tìm hiểu về ăn dặm. Tiêu chí của mình là dựa vào khoa học 100% . Mình đã tìm hiểu rất nhiều thông tin trên mạng, đồng thời vào các group ăn dặm và âm thầm theo dõi những thắc mắc và lời giải đáp của các mẹ bỉm đi trước để rút kinh nghiệm cho bản thân. Sau khi tìm hiểu 3 phương pháp ăn dặm thì mình đã quyết định hướng cho bé theo 2 phương pháp là ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm bé chỉ huy BLW.
- Thời gian đầu ăn dặm bé có hợp tác không, khi bé không hợp tác thì chị xử trí thế nào?
Có lẽ do Cún háu ăn sẵn nên đối với mình quá trình cho con ăn dặm chưa bao giờ là "cuộc chiến". Bé hợp tác ngay từ đầu. Cũng có những lúc con không hợp tác do nhiều lí do, ban đầu mình cũng rất bực, nhiều lúc muốn ép con ăn hoặc cho đi rong như ông bà ta ngày xưa vẫn làm nhưng sau đó mình suy nghĩ lại vì đã từng tìm hiểu qua tác hại của những việc làm đó.
Mình đã khắc phục bằng cách giảm hẳn lượng ăn của con lại, và phát huy triệt để món con thích. Giảm lượng ăn để khi bé không hợp tác tâm lí của mình cũng không bị ảnh hưởng, vì đa phần các mẹ dành nhiều thời gian chăm chút cho bữa ăn của con nhưng con không ăn thì mình sẽ cảm thấy rất bực sau đó là ép con ăn.
- Chị đã gặp phải những khó khăn gì trong quá trình cùng con ăn dặm?
Giai đoạn 8-9 tháng hầu như bé nào cũng bắt đầu ngậm thức ăn và không chịu nhai, mình đã cảm thấy rất bất lực. Sau đó mình có tham khảo kinh nghiệm của các mẹ khác và rút ra được là khi bé ngậm mình sẽ cho một chút trái cây mát lạnh vào, bé sẽ nhai phần đã ăn, đồng thời mình sẽ giảm độ thô và tăng độ loãng thức ăn một chút thì bé sẽ ăn lại.
Tầm này nếu muốn cho con uống nước ép thì mình không nên tự làm vì mình ko điều chỉnh được lượng đường trong trái cây, cho nên phương pháp cứu cánh chính là nước ép pha sẵn của hipp hoặc wakodo có chứng nhận organic phù hợp cho trẻ từ 4 tháng trở lên. - Mẹ Phúc chia sẻ về những ngày đầu Cún bắt đầu ăn dặm.
- Bé có tỏ ra thích thú đặc biệt với món ăn nào không, chị có chiều theo sở thích của bé bằng cách ưu ái món đó hơn trong thực đơn không, và ngược lại với những món bé không thích thì sao?
Mình cho bé ăn dặm kiểu Nhật nên khi ăn mọi món ăn đều được để riêng và đút từng thìa, nhờ vậy mình dễ dàng nhận biết được món nào con thích và món nào con không thích. Và đương nhiên mình không cho bé ăn quá nhiều một món bé thích. Ví dụ con mình không thích ăn cá nên mình thường nấu cá chung với một món khác, hoặc bón hai thìa đồ ăn con thích và một thìa cá. Vì mỗi bữa ăn phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất cho bé nên không thể vì bé không thích cá nên mình sẽ cắt cá ra khỏi thực đơn của bé.
- Chị tăng độ thô cho bé như thế nào?
Mình căn cứ theo số tháng để tăng dần độ thô cho bé. Tăng thô từ cháo rây lên cháo đặc rồi vỡ hạt đến nguyên hạt. Rau củ thì từ rây sang mài rồi xay hoặc bằm. Theo tỉ lệ 1 thô 9 mịn. Ví dụ con đang ăn cà rốt rây mịn, muốn chuyển sang cà rốt mài thì bắt đầu từ 1 phần mài 9 phần rây rồi từ từ tăng dần. Do mình kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm BLW nên việc tăng thô của bé khá dễ dàng. Khi mới tăng độ thô, con sẽ ọe vài lần, mỗi lần như vậy mình thường đánh lạc hướng con bằng cách hát hoặc nói chuyện với bé, từ từ bé sẽ quen với độ thô đó và không ọe nữa, vì mình hiểu ọe là phản xạ tự nhiên khi bé ăn một dạng thô mới.
- Chị thường mất bao lâu để chuẩn bị đồ ăn cho con?
Mình thường dành ra 2 tiếng ngày Chủ nhật để chuẩn bị đồ ăn cho Cún trong tuần. Còn các ngày trong tuần nếu rảnh mình lại nấu thêm vài món bù vào để phong phú thêm thực đơn.
- Thế vấn đề tăng cân của con thì sao?
Cún từ lúc ăn dặm cân nặng vẫn tăng đều, nhưng tăng tầm 100g đến 500g 1 tháng thôi vì bé đang trong giai đoạn mọc răng.
Mẹ rất chăm chỉ nghiên cứu và làm món mới cho Cún.
- Chị có lưu ý gì cho các mẹ mới bắt đầu cho con ăn dặm?
Đối với các mẹ bắt đầu cho con ăn dặm cần chú ý chính là đừng nên cho bé ăn nằm vì lí do bé chưa ngồi được. Nếu chưa ngồi được thì chưa đủ điều kiện để ăn dặm, nên cho bé ngồi vào ghế để tạo thói quen, bé ngồi chưa vững thì mình chèn gối cho bé là được.
Khi nấu cho nên nêm gia vị không? Câu trả lời rất cơ bản là không nên nêm gì cho đến khi bé 1 tuổi. Vì cơ thể bé chỉ cần một lượng rất nhỏ muối, đường, mà những thứ đó trong rau củ, tinh bột đã đủ cho bé rồi chúng ta ko cần nêm thêm. Khẩu vị người lớn khác bé rất nhiều nên đừng có suy nghĩ nhạt quá sao bé ăn được. Minh chứng là con mình ăn dặm đến giờ chưa hề nêm nếm gì cả và bé rất hợp tác, cơ thể cũng khỏe mạnh. Một phần nữa là gai vị giác của trẻ, nếu mình cho bé ăn gia vị thì nguy cơ hỏng gai vị giác rất cao.
Thêm phần nữa là nhiều mẹ thấy con ăn được nhiều là lập tức chiều theo. Thực ra khá nhiều mẹ hiểu nhầm về ăn dặm. Ăn dặm là bước khởi đầu cho bé làm quen với thực phẩm khác sữa, chúng ta cho con ăn nhiều thì đồng nghĩa lượng sữa bé ăn sẽ giảm theo. Cơ thể bé dưới 1 tuổi đặc biệt là dưới 8 tháng thì sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính. Dinh dưỡng từ cháo, rau củ cơ thể bé vẫn chưa đủ khả năng để hấp thụ hết, đó là lí do vì sao rất nhiều mẹ cho con ăn dặm thời gian đầu đa phần con sẽ sút cân.
Và các mẹ cho con ăn dặm dù là phương pháp nào thì cũng phải tìm hiểu cách sơ cứu hóc ở bé và phân biệt được hóc và ọe. Như thế thì mình sẽ vững tâm lí hơn khi cho con ăn dặm.
Cún 9 tháng, mẹ tự tin đưa Cún ra ngoài đi khắp nơi mà không cần chuẩn bị trước đồ ăn nữa, mẹ ăn gì con ăn nấy.
- Em bé có đi chơi hoặc du lịch xa bao giờ chưa, mỗi lần như vậy thì việc chuẩn bi đồ ăn cho con ra sao?
Cún chưa đi du lịch xa bao giờ. Mỗi khi ra ngoài hoặc là mình nấu ở nhà rồi để vào hộp giữ nhiệt, hoặc là mình cho bé ăn trái cây đóng hộp. Cho đến giờ thì khi ra ngoài mình chỉ cần gọi một phần rau luộc hoặc 1 bát cơm là Cún có thể ăn rồi. Vì ăn thô khá ổn nên giờ đi chơi bên ngoài mình đều không cần chuẩn bị gì cho Cún cả, mình ăn gì thì cún ăn nấy.
- Cảm ơn chị vì những chia sẻ hữu ích!
Mời các mẹ cùng tham khảo thực đơn ăn dặm của bé Cún!
Cún hợp tác và tăng cân đều từ khi bắt đầu ăn dặm.
Thanh Nhã - (Ảnh: NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi