Sự kiện hot
13 năm trước

Cơn sốt xài hàng hiệu ở Trung Quốc

Những người giàu có ở Trung Quốc mua nhiều xe Rolls-Royces nhất thế giới. Họ cũng sẵn sàng chi tới $314,000 cho một cái bánh kem, để thể hiện đẳng cấp tiêu xài xa xỉ.

Những người giàu có ở Trung Quốc mua nhiều xe Rolls-Royces nhất thế giới. Họ cũng sẵn sàng chi tới $314,000 cho một cái bánh kem, để thể hiện đẳng cấp tiêu xài xa xỉ.

Chưa đầy một thập kỷ trước, xuất hiện trên các con phố ở Bắc Kinh chủ yếu là xe đạp với những ngôi nhà tập thể không có toilet riêng. Giờ đây những con phố này được thay thế bằng một đại lộ rộng lớn với các đại lý các hãng xe Lamborghini, Ferrari, Bugatti và Rolls-Royce dọc hai bên đường.

Năm 2011, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều xe Lamborghini và Rolls-Royce nhất trên thế giới. Vào thời gian năm mới của Trung Quốc trong tháng này, hãng xe Rolls-Royce sẽ cho ra mắt mô hình “năm con rồng” với những phiên bản của các linh vật huyền thoại được thêu bằng tay trên da ở phần gối tựa. Giá của những chiếc xe này bắt đầu ở mức $1,6 triệu.

Trung Quốc đang trên đà trở thành thị trường dẫn đầu trong việc tiêu thụ những loại hàng hóa có giá “khủng”.

Một chiếc xe hạng sang trên đường chuyển tới khách hàng ở Bắc Kinh. Ảnh: LA Times

Các công ty trước đây có ác cảm với Trung Quốc về việc sản xuất hàng nhái, thì giờ đây lại thấy Trung Quốc là khách hàng hứa hẹn nhất của họ, đặc biệt là trong tình hình hiện nay khi mà rất nhiều các quốc gia khác đang cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ.

Thị trường bán lẻ của Gucci ở Trung Quốc đã tăng 39% trong 6 tháng đầu năm 2011; Bottega Veneta tăng hơn 80%. Ngoài ra, Prada có kế hoạch sẽ mở thêm 50 cửa hàng trong vòng ba năm tới.

Dân “nghiện” thời trang Trung Quốc đang tiếm ngôi dẫn đầu thế giới về tiêu thụ hàng xa xỉ của các phụ nữ Nhật cầu kỳ, những người thường mang theo những chiếc khăn hàng hiệu Burberry. Công ty tư vấn McKinsey & Co dự đoán rằng đến năm 2015, Trung Quốc sẽ thay thế Nhật để trở thành thị trường tiêu thụ các loại hàng hóa đắt tiền lớn nhất trên thế giới. Và ngay cả khi thị trường bất động sản Trung Quốc sụt giảm, một số nhà phân tích tin rằng Trung Quốc hiện đã chiếm vị trí dẫn đầu thị trường hàng hiệu.

Trên thực tế doanh số bán hàng không phản ánh chính xác mức chi tiêu của người Trung Quốc bởi vì những người giàu có ở nước này ra nước ngoài mua sắm nhiều để tránh mức thuế cao đánh vào hàng xa xỉ và hàng điện tử.

Cho đến nay, người Trung Quốc vẫn chưa đến mức thái quá như những tay nhà giàu mới ở Nga, những người mà ngay sau khi Xô viết sụp đổ đã nhanh chóng phô trương những thứ nạm kim cương và du thuyền khổng lồ. Dù gì Trung Quốc ít ra trên danh nghĩa vẫn là một nước cộng sản và nền văn hóa lâu đời với những câu tục ngữ lên án sự khoa trương. Chẳng hạn như hai câu tục ngữ sau: “Cây thông cao thì hứng nhiều gió” và “Con người nên tránh tiếng, cũng như con lợn tránh béo”.

Tuy nhiên, đối với một số người, phô trương sự tiêu xài của mình, đặc biệt trong thời đại của truyền thông xã hội, đã không còn là vấn đề cần hạn chế. Những cô gái trẻ tải ảnh của mình với những chiếc túi hiệu Hermes lên blogs. Con trai của ông trùm di động tải lên một trang kiểu như YouTube của Trung Quốc một video được thực hiện sau tay lái của chiếc Bugatti Veyron thể thao trị giá 4,5 triệu đô khi nó gầm rú trên đường phố Trùng Khánh.

“Ngày nay người ta có xu hướng hướng ngoại hơn. Họ không ngại phô trương sự giàu có của mình,” Klaus Paur, một giám đốc quản trị và một nhà phân tích ngành công nghiệp tự động của văn phòng Synovate Motoresearch ở Thượng Hải nói. Paur nhớ lại, hồi ông đến Trung Quốc năm 2003, những người giàu lái những chiếc Mercedes và Audi lớn, thường chọn màu đen giản dị.

Trung Quốc vừa yêu vừa ghét hàng xa xỉ. Nước này vẫn còn 150 triệu người sống dưới mức thu nhập dưới 1 đô la/ngày. Trung Quốc duy trì một số mức thuế cao nhất trên thế giới áp cho hàng hóa xa xỉ, lên đến 60% giá trị của các mặt hàng. Nhưng cũng chính vì thế mà người giàu Trung Quốc thường tận dụng cơ hội mua sắm ở nước ngoài để tránh các mức thuế này.

Từ shechi, hay “xa xỉ,” bị cấm trong quảng cáo và trong tên của công ty, Ouyang Kun, người điều hành một nhóm thương mại ở Bắc Kinh gọi là Hiệp hội hàng xa xỉ thế giới cho biết. “Chính phủ thấy là những mặt hàng xa xỉ chỉ hợp túi tiền một vài người. Họ không muốn tạo ra cảm giác bức xúc trong dân,” Kun giải thích.

Phiên bản Trung Quốc của Rodeo Drive, khu phố chuyên hàng xa xỉ ở Beverly Hills, Hollywood là một dãy phố, ở khu phố cổ của Bắc Kinh, dọc con phố Jinbao, con phố có nghĩa là “kho báu vàng”. Phố này được xây dựng vào năm 2002, từ hai phố cổ truyền thống, hay còn gọi là “ngõ,” một cái có tên là Jinyu, hay “cá vàng,” và một cái có tên khác là Yaba, hay “người câm.” Đây là một phần của dự án tái tạo lại khu phố cổ lớn đã di dời trên 4,000 hộ gia đình.

Cùng nằm trên dãy phố này với các đại lý xe hơi sang trọng là một chi nhánh Jockey Club của Hong Kong và một trung tâm mua sắm bảy tầng, nơi bày bán những chiếc túi xách Bottege Veneta được làm bằng da cá sấu châu Phi có giá đến $51,000 và điện thoại di động được nạm đồ trang sức giá $132,000.

Người ta xô nhau mua hàng đắt tiền, đơn giản chỉ vì nó đắt. Trong một cuộc triển lãm thương mại trên một hòn đảo của khu nghỉ mát Hải Nam vào tháng 11, các nhà quảng cáo đã cho ra mắt một nhà vệ sinh nạm vàng trị giá hơn 200,000 USD.

Tiệm bánh mới khai trương Black Swan Luxury Bakery (Đây là tên tiếng Anh, trong tiếng Trung Quốc gọi là Black Swan Art Bakery vì chính quyền cấm việc dùng từ “xa xỉ”) gần đây đã làm xôn xao báo giới khi một chiếc bánh cưới với kem nhiều tầng bày ở cửa sổ phía trước của tiệm có giá $314,000.

Hiện tượng hàng hóa xa xỉ không chỉ giới hạn ở Bắc Kinh. Bây giờ lái xe qua hầu hết các thành phố lớn đầy bụi ở Trung Quốc, bạn sẽ thấy nhiều cửa hàng bán đồ xa xỉ ở trung tâm thành phố, thường những cửa hàng này nằm dọc trên các Quảng trường Nhân dân - cái tên thường dùng cho các quảng trường ở Trung Quốc. Ở Trùng Khánh, một thành phố nổi tiếng với tinh thần cách mạng, một cửa hàng Louis Vuitton năm tầng mới khai trương vào tháng 9.

Theo Viện nghiên cứu Hurun có trụ sở đặt tại Thượng Hải, một cơ quan liệt kê danh sách những người giầu, thì những khách hàng mua sắm hàng xa xỉ của Trung Quốc là những người trẻ. Những người này được coi là các triệu phú trẻ của đất nước (họ trẻ hơn 15 tuổi so với các triệu phú của phương Tây).

“Khách hàng của chúng tôi là những người siêu giàu. Họ là những thanh niên thuộc thế hệ thứ hai được thừa kế hoặc là được bố mẹ mua xe hơi cho,” Wilson Ho, người có công ty Sparkle Rolls đặt tại Hong Kong và điều hành đại lý xe Lamborghini ở Bắc Kinh nói. “Bố mẹ Trung Quốc yêu chiều con cái. Họ sẽ mua cho chúng bất cứ cái gì chúng muốn.”

Một số người giàu mới kiếm được tiền bằng việc bán hàng giá rẻ, sản xuất hàng hóa hàng loạt ở nước ngoài. Đối với những người này, họ chỉ muốn những thứ gì tốt nhất.

“Đây không chỉ là việc phô trương. Người ta càng ngày càng đánh giá cao yếu tố chất lượng,” Liu Lijuan, một bà mẹ trẻ đang lấy tiền từ chiếc ví Salvatore Ferragamo ra khỏi chiếc túi xách hiệu Louis Vuitton để trả cho chiếc bánh sinh nhật của đứa con gái hai tuổi mà chị mua ở cửa hàng Black Swan.

Điều tốt nhất có ý nghĩa là ở hàng xịn. Mặc dù hàng nhái vẫn còn phổ biến rộng rãi, nhưng một cuộc thăm dò ý kiến của McKinsey công bố hồi tháng ba cho thấy rằng tỷ lệ phần trăm người tiêu dùng sẵn sàng mua đồ trăng sức nhái đã giảm từ 31% năm 2008 xuống còn 12%.

Theo một nghiên cứu thị trường, không giống như người tiêu dùng phương Tây thường mua hàng đắt tiền cho bản thân, những người mua sắm ở Trung Quốc mua đồ cao cấp cho bản thân họ và cả mua để tặng quà.

“Tôi thích những thương hiệu xa xỉ. Khi bạn mua nó tặng cho người nào đó, nó thể hiện sự quan tâm của bạn đối với người đó,” Liang Chunfeng, 26 tuổi, cầm trên tay chiếc túi to, màu đỏ hiệu Chanel và cô nói rằng cô mua nó để “làm quà tặng một người nào đó.”

Người Trung Quốc đôi khi dùng những món quà đắt tiền - chẳng hạn như những chiếc bút Montblanc hay đồng hồ cao cấp hay một bao thuốc lá giá $100 - như là một cách để “bôi trơn” các mối quan hệ trong kinh doanh. Các chính trị gia là những người thường xuyên được nhận những món quà như thế này.

Vào tháng 9, một nhà hoạt động xã hội đã công bố một báo cáo về đồng hồ đeo tay của các quan chức chính phủ dựa vào những bức ảnh đã được phát hành công khai. Báo cáo này đã cho thấy chiếc đồng hồ hào nhoáng nhất thuộc về bộ trưởng đường sắt Sheng Guangzu. Ông Guangzu xuất hiện với ít nhất bốn chiếc đồng hồ đắt tiền, trong đó có cái hiệu Rolex, tổng trị giá là $62,000.

“Tôi không thể khẳng định có mối liên hệ trực tiếp giữa những chiếc đồng hồ đắt tiền và tham nhũng, nhưng bạn phải hỏi rằng họ lấy tiền ở đâu để mua những thứ rõ ràng là vượt quá mức thu nhập bình thường của họ,” nhà hoạt động xã hội, Daniel Wu nói.

Hồi tháng 6, một cô gái 20 tuổi đã trở thành kẻ thù số một của công chúng khi cô này tải lên mạng những tấm hình của mình với túi xách, đồ trang sức, một xe Maserati và một xe Lamborghini. Trên blog, cô gái này với cái tên Guo Meimei, đã nhận cô là người quản lý của Hội chữ thập đỏ Trung Quốc.

Sự thật thì cô không phải là một nhân viên mà chỉ là có quan hệ với người đàn ông là đối tác kinh doanh của Hội chữ thập đỏ. Chính phủ đã yêu cầu kiểm toán Hội chữ thập đỏ. Dư luận phẫn nộ với vụ việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hiến máu nhân đạo. Lượng máu hiến tụt giảm nhanh chóng và hiện vẫn chưa quay trở lại ở mức trước đây.

Cuối cùng, cô gái đã khóc lóc và xin lỗi công chúng trên một chương trình truyền hình của Hong Kong. Cô nói rằng một số điều cô viết trên blog chỉ là phóng đại. Đúng là cô sở hữu chiếc Maserati. Đó là món quà sinh nhật lần thứ 20 của cô. Chiếc xe thứ hai không phải là Lamborghini mà chỉ là một chiếc Mini Cooper.

Cao Thu
Theo L.A Times


Từ khóa: