Cho con chơi không đơn thuần là việc bày đồ chơi ra cho bé chơi. Các bậc cha mẹ cần hiểu tâm lý cũng như các giai đoạn phát triển của con để định hướng việc chơi được hiệu quả hơn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Anh đang định cư tại Dubai hiện đang là mẹ của bé gái đáng yêu có tên ở nhà là Chelsea. Từ khi làm mẹ, chị Hồng Anh không chỉ dành thời gian tìm hiểu cách chăm con khoa học, dành thời gian nấu những món ngon cho con mà còn bỏ ra nhiều công sức và trí tuệ cho việc tạo những trò chơi thú vị, nhằm phát triển tốt nhất những khả năng và tiềm năng của con.
Bé Chelsea bên bố mẹ.
Chị Hồng Anh cho biết, với giai đoạn trẻ từ 0 – 3 tuổi, các ba mẹ có thể thiết kế cho bé chơi tại nhà với những trò đơn giản và an toàn. Điều quan trọng của tất cả các trò chơi chính là sự tương tác của ba mẹ với con cái. Hướng dẫn, chỉ bảo và cổ vũ chính là điều rất quan trọng để con học hỏi thông qua các trò chơi. Bà mẹ trẻ thường sáng tạo những trò chơi gắn liền với cuộc sống hàng ngày, tận dụng những vật liệu đơn giản, gần gũi để bé vừa chơi vừa học được nhiều điều bổ ích.
Cùng trò chuyện một chút với chị Hồng Anh để có thêm kinh nghiệm chơi cùng con được hiệu quả hơn:
- Chào chị, theo chị khi thiết kế đồ chơi, trò chơi cho con, bố mẹ cần chú ý những gì để phát huy tối đa trí thông minh và sự sáng tạo ở trẻ?
- Khi thiết kế trò chơi cho con, tùy quan điểm, thời gian, điều kiện của ba mẹ, nhưng theo quan điểm của mình thì mình cho bé chơi tất cả những gì có thể miễn là trong ngưỡng an toàn. Mình muốn bé có sự quan sát tốt hơn và có góc nhìn đa chiều cũng như rộng hơn nên một đồ vật mình sẽ sáng tạo nhiều cách chơi khác nhau cho con.
Khi bày ra một trò mình chưa vội vàng chỉ bé cách chơi mà để bé tự chơi trước, đó là cách mình khuyến khích bé tự sáng tạo, tự suy nghĩ và chủ động trước mọi vấn đề. Sau khi bé chơi xong cách của bé thì mới chơi tiếp theo cách của mẹ. Như vậy một đồ vật thôi nhưng bé có thể bỏ rất nhiều thời gian để chơi theo nhiều cách khác nhau.
Hơn nữa, mình cho bé chơi thoải mái, không sợ bẩn, không sợ mình mất công dọn dẹp, không sợ bé làm hỏng, không sợ bé không biết làm, tóm lại là không giới hạn trò chơi và không giới hạn khả năng của con. Quan điểm của mình là tất cả những gì bé chơi thì bé đều học được điều gì đó bổ ích.
Ngoài ra mình luôn khuyến khích và chơi những trò tưởng tượng cùng con. Ví dụ mình nói: Mẹ đói bụng muốn ăn cơm cá, bé sẽ tự đi tìm vật liệu để làm nồi nấu cơm, tìm đồ để làm bếp nấu, rồi giả bộ nấu, giả bộ đưa đồ ăn cho chị... Chơi tưởng tượng, hay gọi là chơi giả bộ luôn là trò mỗi ngày chị chơi cùng con và chơi với con từ khi con còn rất bé.
Âm nhạc cũng như những trò dân gian là những thứ mình rất chú trọng cho con, mình luôn lồng bài hát vào mỗi trò chơi, vừa chơi vừa hát (ví dụ như chơi câu cá sẽ hát bài liên quan đến con cá như bài con cá vàng, lau mặt sẽ hát bài chiếc khăn tay...), điều đó vừa giúp bé phát triển ngôn ngữ, vừa giúp bé có sự liên tưởng và kết hợp cũng như tuy duy tốt hơn.
Chelsea luôn được chơi những trò chơi gần gũi với cuộc sống.
- Ở lứa tuổi từ 0 – 3, khi chơi cùng con, bố mẹ nên cho con chơi những trò chơi gì, những trò chơi đó nhằm phát triển những kỹ năng gì ở trẻ?
- Về trò chơi thì mình chia theo 2 nhóm, 1 là vận động tinh (tức những trò rèn luyện sự khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ...) và vận động thô (chạy, nhảy, leo trèo). Mình luôn cố gắng cân bằng 2 trò này mỗi ngày.
Bản chất những đứa trẻ đều chạy nhảy nhiều mỗi ngày thì đó là vận động thô, nhưng vận động tinh lại ít được phát triển vì ba mẹ không có thời gian thiết kế và chơi cùng con.
Vận động cũng giống như ăn uống, nếu ăn uống không cân bằng thì sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, thì vận động cũng vậy, não điều khiển các vận động, nên nếu bé vận động thiếu cân bằng thì não cũng sẽ "thiếu hụt sự phát triển", vì bộ não chia thành 3 phần, trong đó có 1 phần điều khiển vận động tinh, 1 phần điều khiển vận động thô. Giai đoạn dưới 6 tuổi là giai đoạn vô cùng quan trọng để bé phát triển trí não (vì não bé sẽ phát triển tới 90% khi 6 tuổi), do đó chơi cùng con, tương tác cùng con và giúp não con được phát triển đồng.
Con có thể thoải mái chơi và chơi ở bất cứ đâu.
- Theo chị, một đứa trẻ thông minh cần có những yếu tố gì?
- Theo mình, một đứa trẻ được đánh giá là thông minh khi có đầy đủ những kỹ năng sau:
1. Phân tích
2. Đánh giá
3. Tổng hợp
4. Sáng tạo
Phải có đầy đủ 4 yếu tố đó mới được gọi là thông minh. Do đó, để đánh giá 1 đứa trẻ là thông minh hay không khi mới 2, 3 tuổi là rất khó. Bởi những kỹ năng này chỉ được bộc lộ rõ khi tầm 9-10 tuổi. Tuy nhiên, để 1 đứa trẻ lớn lên có được những kỹ năng này thì bậc làm cha mẹ cần phải hỗ trợ, dạy dỗ và chơi cùng con khi bé còn nhỏ, để bé có nền tảng tốt. Cha mẹ cần có kiến thức nhất định để có phương pháp dạy dỗ thích hợp, nhằm giúp bé phát huy được tối đa trí tuệ của mình.
Có nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng một đứa trẻ có khả năng ghi nhớ tốt là thông minh, hay thậm chí bé biết đọc sớm là thông minh nên sử dụng nhiều phương pháp để giúp bé biết đọc sớm, điều đó chưa đúng và chưa đủ. Việc ghi nhớ là sự phát triển tự nhiên của não bộ 1 đứa trẻ, từ 2-3 tuổi thì khả năng ghi nhớ sẽ đạt tới đỉnh cao nhất của trẻ, 4-5 tuổi sẽ chuyển sang những câu hỏi tại sao.
Vai trò của ba mẹ trong tương tác với con là điều vô cùng quan trọng.
- Nhiều bố mẹ vẫn thường mua những trò chơi phát triển trí tuệ cho trẻ. Theo chị, điều đó có thực sự cần thiết không?
- Trẻ con là cần đồ để chơi, mình nghĩ là hoàn toàn tốt thôi, miễn sao trò chơi đó con mình thích thú. Điều quan trọng không phải là mua gì cho con chơi mà là sự tương tác của ba mẹ và con cái. Mình thấy nhiều bố mẹ dẫn con vào khu trò chơi, rồi ngồi một góc cầm điện thoại lướt web, còn con thì thả ở đó muốn chơi gì thì chơi, điều đó thì mình không ủng hộ. Trừ khi bé có bạn chơi cùng, còn không thì chắc hẳn bé rất muốn có ba mẹ chơi cùng bé.
- Nhận thấy chị thường sử dụng những vật liệu, nguyên liệu có sẵn trong gia đình để tạo ra các trò chơi cho con. Bé có hứng thú với những trò chơi mẹ tự làm?
- Bé nhà mình rất hứng thú với tất cả những trò mình làm cho bé chơi, một phần vì đó là trò chơi mới nên bé thấy thú vị (tất cả các bé nhỏ đều rất hứng khởi với trò chơi mới), phần vì mình hiểu được con có ưu điểm gì nên xen lẫn rất nhiều kỹ năng cũng như phát triển tố chất và khả năng của bé nên bé rất tập trung chơi và rất thích chơi. Một điều vô cùng quan trọng là mình luôn chơi cùng con nên bé mỗi lần thấy mẹ bày trò gì là vô cùng thích thú. Bây giờ bé không còn chỉ đợi mẹ bày trò cho chơi mà chủ động bày trò rồi rủ ba mẹ chơi cùng.
Chơi cùng con không chỉ giúp bé phát triển toàn diện mà còn gắn kết tình cảm gia đình.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích.
Tham khảo những trò chơi thú vị, hữu ích chị Hồng Anh sáng tạo cho con cùng chơi:
Trang trí tranh với cá.
Gắn cá hai đầu que.
Dán giấy màu lên cửa kính.
Vận động tinh - nhặt đậu.
Puzzle - trò chơi không gian và "lắp ráp" với quả nho và cây tăm.
Xếp hình với que gỗ.
Trò chơi màu sắc biến hóa.
Xỏ tăm vào lỗ và xiên hoa quả bằng tăm.
Trò chơi khủng long hóa thạch.
Trò chơi học màu sắc và cách ghép đồ thích hợp.
Trò chơi rèn luyện trí nhớ - ghi nhớ hình ảnh.
Đổ nước vào bong bóng.
Kẹp trên dây.
Trò thổng bong bóng xà phòng.
Thổi nến.
Xâu ống hút.
Tự trang trí nhà.
Gắp vòng vào lọ.
Xếp hình vào lỗ.
Trò chơi cắm ống hút vào lỗ.
Chơi với bubble wrap.
Bỏ bóng vào hốc.
Dựng đứng đồ vật.
Mỹ Anh - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi