Sự kiện hot
8 năm trước

Công bố hàng loạt sai phạm của đơn vị đóng tàu thép chục tỷ

Sau 2 tuần giám định độc lập, chuyên gia kết luận gần 20 tàu thép Bình Định hư hỏng là do doanh nghiệp đóng tàu không đúng vật liệu, thiết bị, máy chính...

Quá trình kiểm tra, các chuyên gia đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương khiến 19 con tàu thép Bình Định mới bàn giao đã hư hỏng khiến cả chuyên gia lẫn ngư dân "sốc nặng".

Doanh nghiệp tự ý đóng tàu bằng thép Trung Quốc

Qua đối chiếu, kiểm tra hồ sơ, hợp đồng ký kết và gửi mẫu thép phân tích, các chuyên gia xác định 5 tàu thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép Trung Quốc và 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu thi công có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc.

Doanh nghiệp tự ý đóng tàu bằng thép Trung Quốc là sai với hợp đồng ký kết ban đầu với ngư dân là thép Hàn Quốc/Nhật Bản.

Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định (Tổ trưởng Tổ thẩm định), kiểm tra trong tổng số 17 tàu thì có 12 tàu phần vỏ bị gỉ sắt, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư lưới cụ.

Năm tàu khác có phần vỏ tàu, mặt boong, trang thiết bị trên boong tàu hoen gỉ nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng mới thời điểm.

Nôn nóng ra khơi, nhiều ngư dân Bình Định tự đưa tàu thép lên bờ sửa chữa. Ảnh: Minh Hoàng.

9 máy chính tàu thép không phải chính hãng Mitsubishi

Quá trình rà soát, Tổ giám định ghi nhận 9 máy chính tàu thép hiệu Mitsubishi MPTA (không phải máy mới, hoạt động không ổn định).

Các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy. Hãng Mitsubishi cũng đã gửi văn bản xác nhận 9 máy chính tàu thép của ngư dân Bình Định không phải chính hãng. Hãng này khẳng định không sản xuất động cơ có model và công suất như ghi trên decal máy.

Riêng ba máy chính tàu thép hiệu DOOSAN 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng.

Trong ba máy, có 1 máy chính Doosan lắp trên tàu BĐ 99245 TS (chủ tàu là ông Trần Đình Sơn) bị hư hỏng nặng (gãy trục khuỷu và hư piston). Qua kiểm tra hồ sơ, cả 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ và thực tế.

Qua kiểm tra thực tế có 3 máy phụ CUMMINS hoạt động không ổn định, nổ không đều. Một máy phụ Mitsubishi (Nhật Bản) bị vỡ thân máy, không thể hoạt động được, một máy phụ khác hư hỏng do hở bạc.

Khoang chứa lưới, hầm bảo quản bất cập, ngư dân Bình Định tự đưa tàu thép lên bờ cải hoán, cắt bỏ nhiều tấm thép lớn bỏ ngổn ngang ở cảng Tam Quan. Ảnh: M.Hoàng.

17 tàu thì 14 tàu có hầm bảo quản giữ nhiệt kém

Theo ông Phúc, qua kiểm tra hệ thống đèn cao áp, Tổ thẩm định phát hiện một số tăng phô cho đèn cao áp bị xóa các dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ trên các tụ kích. Mẫu vật thu được kiểm tra là loại tụ CBB65 có xuất xứ từ Trung Quốc và bóng đèn cao áp 1000 W không đúng như hợp đồng ký kết...

Về hệ thống hầm bảo quản của 17 tàu, các chuyên gia phát hiện có đến 14 tàu thép có hầm bảo quản ứ đọng nước, giữ nhiệt kém, có hiện tượng gỉ sét. Một số chủ tàu đã khắc phục bằng cách cho thông xuống hầm nước la canh rồi bơm hút ra nhưng chỉ mang tính tạm thời.

Hiện tượng ứ đọng nước và mùi hôi, đáy hầm bị gỉ sét vẫn tồn tại. Việc bố trí thang bằng sắt lên xuống bị hoen gỉ cũng gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trên tàu thép.

Để khắc phục những vấn đề tồn tại này, các chuyên gia Tổ giám định độc lập Bình Định yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ cho ngư dân (kể cả máy của ông Lê Hoài Thanh chưa được thẩm định nhưng cũng trang bị máy chính S6R-MPTA); thay mới máy chính Doosan cho ông Trần Đình Sơn.

Doanh nghiệp đóng tàu phải làm sạch bề mặt và sơn lại tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép. Nếu kiểm tra các phần tôn vỏ tàu thép không đạt thép cấp A thì kiểm tra và đánh giá, thay thế lại.

Ngư dân Bình Định bức xúc vì máy chính của tàu không phải của chính hãng Mitsubishi (Nhật Bản). Ảnh: Minh Hoàng.

Buộc đền bù thiệt hại cho ngư dân

Trao đổi với Zing.vn chiều 22/6, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết sau khi Tổ giám định công bố kết quả xác thực thì địa phương tổng hợp vụ việc báo cáo Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ngay trong tháng này.

Theo ông Châu, trong thời gian giám định độc lập tàu thép thì Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đều cử người theo dõi. Do vậy, họ biết rõ chỗ nào mình "sai lầm, làm không đúng" thì phải có trách nhiệm khắc phục tháo dỡ vật liệu, thay thiết bị mới cho tàu thép ngư dân.

"Quá trình khắc phục sự cố, tàu thép nằm bờ ít nhất 1 đến 2 tháng, ngư dân không thể ra khơi thì doanh nghiệp có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho bà con trong thời gian này. Vấn đề này Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, nếu doanh nghiệp chây ỳ không chịu khắc phục, đền bù cho ngư dân thì cơ quan điều tra sẽ can thiệp, xử lý theo quy định pháp luật", ông Châu quả quyết.

Trước đó, ngày 31/5, 18 chủ tàu thép đóng mới theo Nghị định 67 đồng loạt gửi đơn kiến nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định phản ánh tình trạng tàu vỏ thép bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng.

Ngày 2/6, UBND tỉnh Bình Định thành lập Tổ công tác liên ngành thẩm định độc lập chất lượng tàu vỏ thép. Tuy nhiên từ ngày 6 đến 10/6, bảy chủ tàu thép ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát xin rút đơn kiến nghị sau khi thỏa thuận với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Trước tình hình này, Tổ thẩm định vẫn thực hiện thẩm định 17 tàu (1 tàu đang hành nghề vùng biển phía Nam chưa kiểm tra được). Trong lúc cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp thay mới vật liệu, thiết bị cho tàu thép thì nhiều ngư dân ở huyện Hoài Nhơn và Phù Cát (Bình Định) đưa tàu lên cảng Tam Quan tự sửa hy vọng sớm ra khơi.

Minh Hoàng

Theo Zing.vn

Từ khóa: