Sự kiện hot
12 năm trước

Công bố Luật Biển: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biển, đảo

Mục đích của việc xây dựng Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Mục đích của việc xây dựng Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Ngày 16.7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức giới thiệu nội dung Lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 luật và 2 nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, trong đó đáng chú ý nhất là Luật Biển Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, mục đích của việc xây dựng Luật Biển VN là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của VN, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của VN, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Bộ đội Hải quân tuần tra trên đảo Trường Sa.

“Đây là lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của VN theo đúng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Luật Biển VN là cơ sở quan trọng về pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển đảo nước ta” - ông Sơn nhấn mạnh.

Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: VN là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà VN là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.

11 luật và 2 nghị quyết khác gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng chống rửa tiền; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Công đoàn; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước; Luật giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến giáo dục pháp luật; Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân; Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Luật Biển VN gồm 7 chương và 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013.

Trả lời câu hỏi về phạm vi điều chỉnh của luật, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết:

Phạm vi điều chỉnh của luật gồm các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN, hoạt động trong các vùng biển VN, phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển đảo.

* Về Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1.5.2013, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết, để bảo vệ quyền lợi người lao động một cách căn cơ, luật sẽ không quy định tăng giờ làm thêm tối đa của người lao động mà vẫn giữ như hiện tại là không quá 200 giờ/năm.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý nữa là luật sửa đổi cũng tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng. Tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.

Hải Phong
theo Dân Việt

Từ khóa: