Sự kiện hot
13 năm trước

Công nghệ nhiên liệu sinh học VN phát triển ở Lào

Ngày 1/6, Viện Khoa học vật liệu và ứng dụng đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học từ dầu trẩu cho Công ty gỗ Teak – Luang Prabang (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).

Ngày 1/6, Viện Khoa học vật liệu và ứng dụng đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học từ dầu trẩu cho Công ty gỗ Teak – Luang Prabang (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).


Tổng giá trị của hợp đồng chuyển giao công nghệ này là 1 tỷ đồng, đây là hợp đồng đầu tiên mà Viện Khoa học vật liệu và ứng dụng (IAMS) chuyển giao cho một đơn vị của nước ngoài.

Chọn công nghệ Việt Nam

Hợp đồng sẽ được triển khai ngay vào tháng 8 tới. Viện Khoa học Vật liệu và ứng dụng  sẽ chuyển thiết bị sang lắp đặt dây chuyền vận hành ban đấu, mang tính thử nghiệm với công suất 100 lít dầu biodiesel/ngày và chuyển giao công nghệ cho Công ty gỗ Teak – Luang Prabang.

Ông Vongphet Xaykơyachôngtua, Tổng giám đốc Công ty gỗ Teak – Luang Prabang cho biết: Năm 2008, ông lên mạng tìm công nghệ sản xuất nhiên liệu từ hạt cây trẩu và tìm gặp công trình của PGS.TS Hồ Sơn Lâm (IAMS) nghiên cứu về sản xuất dầu sinh học (biodiesel) từ hạt trẩu. Ngay sau đó, ông đã liên lạc với Bộ Khoa học và Công nghệ của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào để tìm cách liên hệ với PGS.TS Hồ Sơn Lâm. 

Năm 2010, ông Vongphet đã qua Việt Nam để tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ sản xuất nhiêu liệu từ dầu trẩu. Cuối năm 2011, ông VongPhet đã mời PGS.TS Hồ Sơn Lâm qua Lào để khảo sát thực tế.

Ép dầu trẩu tại Lào. Ảnh: Công ty gỗ Teak – Luang Prabang

Sau thời gian trao đổi, Công ty gỗ Teak – Luang Prabang đã quyết định chọn công nghệ sản xuất dầu biodiesel của IAMS. Khi vận hành thử nghiệm thành công, công ty sẽ nhờ IAMS tư vấn để xây dựng nhà máy lớn hơn. Ông Bunchăn, Phó giám đốc, phụ trách marketing của Công ty gỗ Teak – Luang Prabang nói, dự kiến trong tương lai, cứ trồng từ 1.000 – 2.000 ha trẩu thì sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất dầu sinh học. Hiện Tổng công ty Petro Lào đã ký hợp đồng bao tiêu các sản phẩm dầu biodiesel từ dầu trẩu của Công ty gỗ Teak – Luang Prabang.


Hạt trẩu: thế mạnh của Lào

Ông Vongphet cho biết, cây jatropha (dầu mè) là một loại cây được nói đến khá nhiều về khả năng cho ra nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, Lào  đã trồng thử và thấy không thích hợp do năng suất không cao, chín không đều, khó hái…

Thay vào đó là cây trẩu. Cây trẩu có mặt tại Lào vào năm 1986. Lúc đó, ông Vongphet mua 2 tấn hạt trẩu từ tình Hà Sơn Bình của Việt Nam về trồng thử nghiệm. Tại Lào, loại cây này rất hợp đất, không tốn công chăm sóc nhiều. Hiện Công ty gỗ Teak – Luang Prabang đã phối hợp với nông dân trồng hơn 6.000 ha cây trẩu. Kế hoạch năm nay sẽ trồng thêm 3.000 ha. Giá thu mua 1 kg hạt trẩu quy ra tiền Việt Nam lúc thấp nhất là trên 2.200 đồng. Một ha trẩu cho thu hoạch khoảng 4 tấn hạt. 10ha trồng trẩu còn có thể nuôi được 20 con bò.

Trong khi đó, tại Việt Nam từ năm 1999 – 2002, Viện IAMS đã có nhiều công trình nghiên cứu về chiết xuất dầu từ cây trẩu tại các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang… nhưng chưa được triển khai vào thực tế.

Nay, cùng với việc chuyển giao công nghệ cho Lào để sản xuất dầu biodiesel từ hạt trẩu,  AIMS còn giúp Viện Năng lượng và vật liệu mới của Lào xây dựng tiêu chuẩn cho dầu biodiesel ở đất nước này.

Thái Ngọc
Theo DatViet

Từ khóa: