Chỉ làm cơ sở để đóng BHXH
Tại Hội nghị tổng kết thi đua cụm các LĐLĐ tỉnh khu vực Tây Nam Bộ năm 2011, nhiều đại biểu nêu lên thực trạng: Đối với khu vực DN, mặc dù Chính phủ đã có quyết định tăng lương tối thiểu vùng, nhưng do các DN thường phân thu nhập của CN thành nhiều khoản như lương, tiền phụ cấp, tiền xăng xe... nên thu nhập của NLĐ không tăng, thậm chí còn bị giảm do phải tăng tiền đóng BHXH theo mức lương tối thiểu mới.
CN Cty đồ hộp Việt Cường (Long An) ngừng việc tập thể đòi tăng lương.
Bà Lê Thanh Tiền - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - cho biết, hầu như không có DN nào lấy thu nhập thực tế của CN làm cơ sở để đóng BHXH, mà thường lấy mức lương tối thiểu vùng (thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế) để đăng ký đóng BHXH và để giải quyết các chính sách khác cho NLĐ.
Ông Nguyễn Văn Thừa - Trưởng ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh Long An - cho biết, trong tỉnh có nhiều DN trả lương cho CN ở mức 3 – 5 triệu đồng/tháng - cao hơn nhiều so với mức thương tối thiểu vùng ở đây. Các DN thường phân thu nhập của CN ra thành nhiều khoản, như: Lương, phụ cấp, tiền xăng xe, tiền chuyên cần.
Hầu hết các địa bàn có nhiều CN thuộc tỉnh Long An đều được thay đổi vùng vào thời điểm tháng 7.2011. Vì vậy mà trong năm qua, trên lý thuyết CN ở Long An có đến 2 lần được tăng lương tối thiểu vùng. Thế nhưng, do mức thu nhập thực tế của CN đã cao hơn nhiều so với lương tối thiểu, kể cả sau khi điều chỉnh, nên hầu hết các DN đều không điều chỉnh tăng lương sau khi có quyết định của Chính phủ.
Để hợp thức hóa chuyện “tăng lương”, trong khi thu nhập vẫn không thay đổi, các DN đã điều chỉnh cơ cấu thu nhập của CN. Họ cắt bớt các khoản thu nhập “ngoài lương” (như phụ cấp, tiền xăng xe...) để chuyển vào lương cho cao lên. Một hệ quả tất yếu, tiền đóng BHXH cao lên theo, cuối cùng thu nhập thực tế củaCN thì giảm!
Gia tăng ngừng việc tập thể
Chỉ riêng ở tỉnh Long An, trong năm 2011 đã xảy ra khoảng 100 vụ ngừng việc tập thể (NVTT). Ông Nguyễn Văn Thừa cho biết, các vụ NVTT xảy ra phần nhiều ở 2 thời điểm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, CN biết thời điểm Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu, nên họ hào hứng chờ đợi tăng lương.
Thế nhưng, thực tế thì thu nhập của họ lại bị giảm. Sự thất vọng và bức xúc đã làm xảy ra hàng loạt vụ NVTT của CN đòi tăng lương. Bà Lê Thanh Tiền cho biết, năm 2011 là lần đầu tiên tỉnh Tiền Giang xảy ra nhiều vụ NVTT, nguyên nhân chính cũng vì sự bức xúc của CN trong các đợt điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, khi mà thu nhập thực tế lại bị giảm.
Đánh giá của các LĐLĐ tỉnh khu vực ĐBSCL: “Trong năm, tình hình tranh chấp LĐ và NVTT của CNLĐ còn phức tạp mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các quyền lợi thiết thực của CN bị vi phạm... Tổ chức CĐ đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết kịp thời hầu hết các yêu cầu, nguyện vọng của CN”.
Ông Nguyễn Văn Thừa cho biết, cách phổ biến nhất để giải quyết hàng trăm vụ NVTT ở Long An trong năm qua là thuyết phục chủ DN tăng thu nhập cho CN tương ứng với mức sụt giảm do phải tăng tiền đóng BHXH.
Hầu hết các vụ NVTT đều kết thúc sau khi chủ DN nhượng bộ tăng thu nhập cho CN vài trăm ngàn đồng. Các DN và tổ chức CĐ hoàn toàn có thể phối hợp thực hiện việc tăng lương tối thiểu vùng cho CN theo cách đàng hoàng, dễ chịu hơn so với những gì đã diễn ra trong năm 2011.
Kỳ Quan
Theo Lao dong