Sự kiện hot
13 năm trước

Công ty chứng khoán đóng cửa... để tồn tại

Để bám trụ trong bối cảnh thị trường khó khăn, hàng loạt công ty chứng khoán phải thu hẹp hoạt động, đóng cửa bớt phòng giao dịch.

Để bám trụ trong bối cảnh thị trường khó khăn, hàng loạt công ty chứng khoán phải thu hẹp hoạt động, đóng cửa bớt phòng giao dịch.

Thu hẹp hoạt động là một trong những giải pháp giúp công ty chứng khoán tiết giảm chi phí

Từ đầu năm đến nay, các công ty chứng khoán liên tục tiến hành các thủ tục đóng cửa bớt phòng giao dịch, trong đó có cả những phòng giao dịch ở quận trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thông báo đóng cửa Phòng giao dịch Nguyễn Huệ tại TP.HCM. Đây là phòng giao dịch của VCBS nằm ngay tại trung tâm dịch vụ văn phòng giao dịch nước ngoài trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Trước đó, VCBS đã đóng cửa Phòng giao dịch Cầu Giấy tại Tòa nhà CTM (đường Cầu Giấy, Hà Nội).

Tương tự, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đã chấm dứt hoạt động đối với  Chi nhánh của Công ty tại Quảng Ninh. Chi nhánh Quảng Ninh của SSI được thành lập đầu năm 2010, với 3 nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán: môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Ngoài Chi nhánh Quảng Ninh, SSI cũng vừa đóng cửa Phòng giao dịch 3/2 trực thuộc Chi nhánh TP.HCM tại đường 3/2 (phường 11, quận 10, TP.HCM).

Ngoài SSI và VCBS, thời gian gần đây, rất nhiều công ty chứng khoán phải đóng cửa một số chi nhánh và phòng giao dịch. Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBS) vừa chấm dứt hoạt động đối với Chi nhánh Sài Gòn. Công ty cổ phần Chứng khoán Mê Kông (MSC) đóng cửa Phòng giao dịch 26-28, Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM). Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) đóng cửa Phòng giao dịch Nguyễn Trãi tại đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM) và Phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng  tại đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM). Công ty cổ phần Chứng khoán Thăng Long đóng cửa Phòng giao dịch Quang Trung tại quận Hồng Bàng (TP. Hải Phòng).

Trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn 2006 - 2007, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, chỉ số VN-Index có thời điểm vượt mốc 1.100 điểm, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường rất đông, nên có những tháng cao điểm, hầu như tuần nào cũng có công ty chứng khoán mở thêm phòng giao dịch. Thời kỳ đó, nhiều công ty chứng khoán thậm chí còn mở cả các đại lý nhận lệnh, thực chất chỉ là các đối tác của công ty chứng khoán, hợp tác với công ty chỉ thông qua hợp đồng đại lý.

Tuy nhiên, sau đó, vào thời điểm năm 2008, thị trường bước vào giai đoạn suy thoái, nhiều phòng giao dịch chứng khoán đã phải đóng cửa phòng giao dịch, thời kỳ này các đại lý nhận lệnh gần như biến mất hoàn toàn. Một phần là do đại lý không còn việc để làm, phần khác là cũng có một số rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các đại lý nhận lệnh, nên các công ty chứng khoán cũng đã chủ động cơ cấu lại các đại lý nhận lệnh: một số chuyển đổi thành các phòng giao dịch, một số khác chấm dứt hoạt động.

Năm 2012, theo nhận định của phần lớn nhà kinh doanh khoán, thị trường chưa có cơ hội bùng nổ, do bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi các công ty chứng khoán cũng phải gánh khá nhiều chi phí. Theo dự báo của ông Hà Huy Toàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, năm 2012 tiếp tục là một năm khó khăn đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Trước những khó khăn có thể dự báo trước, việc nhiều công ty chứng khoán tiếp tục co hẹp hoạt động cũng là điều dễ hiểu để tiết giảm chi phí, cầm cự qua thời kỳ suy thoái.

Chí Tín
Theo Dau tu

Từ khóa: