Sự kiện hot
12 năm trước

Công ty chứng khoán nhỏ chật vật xoay xở

95 công ty chứng khoán (CTCK) phải tranh nhau 40% thị phần môi giới còn lại của thị trường, nên “phần bánh” dành cho các CTCK nhỏ là rất ít

95 công ty chứng khoán (CTCK) phải tranh nhau 40% thị phần môi giới còn lại của thị trường, nên “phần bánh” dành cho các CTCK nhỏ là rất ít.

Trong khi đó, hoạt động tự doanh, đầu tư góp vốn và nguồn thu khác đang đặt CTCK vào những rủi ro.

Kín tiếng về kết quả kinh doanh

Trong khi các CTCK lớn như SSI, HCM, VDS, VND, BVSC… “hồ hởi” thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012, thì nhiều CTCK nhỏ và vừa vẫn kín tiếng. Các con số mà NĐT có thể tiếp cận được phần lớn là doanh thu, lợi nhuận quý I/2012 và cũng chỉ có một số công ty công bố. Đó là các CTCK đã niêm yết hoặc làm ăn có lãi như CTCK Âu Việt (AVS) lãi 2,84 tỷ đồng, CTCK An Phát (APG) lãi gần 500 triệu đồng, CTCK Xuân Thành (VIX) lãi 10,5 tỷ đồng, CTCK Hòa Bình (HBS) lãi 51 triệu đồng, CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APS) lãi 4,8 tỷ đồng…

Nhiều CTCK như CTCK Á Châu (ASC), CTCK Alpha, CTCK Woori CBV, CTCK Việt Quốc chưa công bố kết quả kinh doanh của 2 quý đầu năm 2012. Thông tin mới nhất mà các công ty này đưa ra là báo cáo tài chính năm 2011 hoặc báo cáo thường niên năm 2011. Một số CTCK như CTCK Hoàng Gia, CTCK Toàn Cầu, CTCK Mê Kông, CTCK Cao Su… “cửa đóng then cài”, khi trên website không đưa thông tin báo cáo tài chính, báo cáo thường niên để NĐT tham khảo. Website của CTCK Việt còn không truy cập được.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường có 105 CTCK, trong đó, số công ty “sống khỏe” không nhiều. Cơ cấu doanh thu ở hầu hết CTCK cho thấy, môi giới, tư vấn, lưu ký và cả tự doanh, góp vốn đầu tư chứng khoán… chưa bao giờ là nguồn thu chính. Đơn cử, trong quý I/2012 và cả trước đó, gần 70% nguồn thu của AVS đến từ doanh thu khác. Ở VIX, APG… cũng là con số này. Với CTCK Phố Wall (WSS), báo cáo tài chính quý II/2012 chỉ ra, 89% doanh thu của WSS là doanh thu khác.

Nguồn thu khác là nguồn thu từ thu nhập tiền lãi, dịch vụ tài chính (repo chứng khoán)... Trong nhiều thời điểm, nguồn thu này có đóng góp rất quan trọng, không chỉ cho riêng CTCK nhỏ, mà cả các CTCK lớn. Tuy nhiên, khi thị trường biến động, khoản thu này dễ đặt CTCK vào những rủi ro. Rủi ro càng cao với những CTCK nhỏ, vốn ít, không có nhiều kinh nghiệm về quản trị rủi ro, duy trì hoạt động margin bằng vốn vay vượt quy định về tỷ lệ an toàn vốn. Một số công ty đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản như CTCK Hà Thành, CTCK SME, xảy ra cách đây không lâu.

Đáng chú ý, nếu dự thảo văn bản thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về quy chế tổ chức và hoạt động CTCK mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến được ban hành, các CTCK sẽ không được đầu tư bất động sản, không được trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư quá 20% số cổ phiếu lưu hành của một tổ chức niêm yết hoặc 15% vốn của công ty chưa niêm yết, không được vay và cho vay vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu... Những quy định mới này nhằm giúp các CTCK hoạt động an toàn hơn, nhưng trước mắt có thể khiến các CTCK nhỏ gặp nhiều khó khăn.

Xoay xở

Hiện tại, đa số CTCK tìm cách siết lại hoạt động của mình theo hướng cắt giảm chi phí. Chẳng hạn, chi phí kinh doanh trong quý I/2012 của AVS đã giảm 6 lần so với cùng kỳ năm trước, chỉ chiếm 3 tỷ đồng. Nghị quyết ĐHCĐ năm 2012 của AVS còn đề ra kế hoạch, đưa chi phí cả năm 2012 từ 69,5 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 8 tỷ đồng. Cách thức này giúp AVS có lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa, AVS đang thu hẹp đáng kể hoạt động của mình.

Một số CTCK nhỏ khác thì nỗ lực tăng vốn. Mới đây nhất, CTCK ASC đã nâng vốn điều lệ từ 36 tỷ đồng lên 56 tỷ đồng. Người mua toàn bộ số cổ phần phát hành thêm là Chủ tịch HĐQT ASC, ông Phan Minh Hoàn. Sau giao dịch, ông Hoàn đã nâng sở hữu của mình tại ASC từ 40% lên 65,29%.

CTCK Quốc gia (NSI) thì tìm cách chuyển nhượng vốn cho NĐT mặn mà hơn với Công ty. Ông Trần Việt Anh từ chỗ không sở hữu cổ phiếu NSI nào đã nhận chuyển nhượng 4,5 triệu cổ phiếu và chính thức nắm giữ 90% vốn tại NSI.

CTCK Nhất Việt cũng có những tính toán như NSI, ASC. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nhất Việt mới chỉ thông qua chủ trương tìm đối tác chuyển nhượng cổ phần hoặc mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông mới. Nhất Việt vẫn đang tìm kiếm cổ đông mới, người có thể mua trên 51% vốn ở Nhất Việt.

Mới đây, lãnh đạo CTCK APS cho biết, Công ty sẽ nhận sáp nhập CTCK khác, không phân biệt lớn nhỏ, mà quan trọng là có thể tận dụng lợi thế của nhau. Lâu dài hơn, APS sẽ tiếp tục nhận sáp nhập các CTCK trong hoặc ngoài nước có uy tín hơn.

Theo ĐTCK

Từ khóa: