Sự kiện hot
13 năm trước

Công ty chứng khoán ồ ạt đóng cửa phòng giao dịch

Mặc dù thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công ty chứng khoán lớn nhỏ trong nước đã phải đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch.

Mặc dù thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công ty chứng khoán lớn nhỏ trong nước đã phải đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch.

“Đại gia” cũng phải đóng cửa

Trong thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và 2 Sở giao dịch chứng khoán đã liên tục công bố thông tin đóng cửa các phòng giao dịch, chi nhánh của một số công ty chứng khoán.

Đầu tháng 3, UBCKNN đã ban hành Quyết định chấp thuận cho Công ty CP Chứng khoán TP.HCM đóng cửa Phòng giao dịch Bà Triệu (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đã thông báo đóng cửa 2 phòng giao dịch lớn: Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) và đóng cửa cả chi nhánh tại Bình Dương.

Tương tự, trong tháng 1/2012, Công ty CP Chứng khoán Sacombank (SBSC) cũng đã đóng cửa 2 chi nhánh, đó là chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Đà Nẵng.

Mặc dù thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu phục hồi nhưng nhiều DN vẫn quyết định đóng cửa PGD

Vào cuối tháng 2/2012, UBCKNN cũng đã chấp thuận cho Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đóng cửa Phòng giao dịch Trương Công Định tại TP.Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, chấp thuận thuận cho ACBS đóng cửa Phòng giao dịch Lê Văn Sỹ tại Q.Tân Bình, TP.HCM.

Ngoài các công ty chứng khoán của những "đại gia" ngân hàng, nhiều công ty chứng khoán khác cũng đã phải đóng cửa một số phòng giao dịch và chi nhánh. Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã đóng cửa phòng giao dịch 3/2 (Q.10, TP.HCM) và đóng cửa chi nhánh tại Quảng Ninh; Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đóng cửa 2 phòng giao dịch: Nguyễn Trãi (Q.1) và phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng (Q.7);...

“Đóng cửa” để vượt qua khó khăn

Vào năm 2009, sau một năm dài suy thoái, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục, các công ty chứng khoán đã liên tục mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch, thậm chí, nhiều công ty còn mở cả các đại lý nhận lệnh, nhằm cạnh tranh thị phần môi giới, mở rộng thị trường.

Giải thích cho hiện tượng đó, ông Lê Chí Thành, Phó phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, trong năm 2009, giao dịch chứng khoán đã tăng gấp 4 lần và tốc độ tăng trưởng của thị trường cũng nhanh hơn so với năm trước đó rất nhiều, đồng thời, mức độ lỗ lũy kế chỉ trong khoảng một năm.

“Còn từ đầu năm 2012 đến nay, mặc dù thị trường đã có dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn suy thoái, tuy nhiên động lực thị trường vẫn chưa rõ ràng; mức độ lỗ lũy kế của doanh nghiệp lại lên đến 2 năm” – ông Thành nói thêm.

Đồng thời, từ đầu năm nay, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 62 phê duyệt Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, khả năng kiểm soát rủi ro…trên cơ sở đó, các công ty chứng khoán đang dần thu hẹp hoạt động.

Ngoài ra, lý do khiến các doanh nghiệp chứng khoán phải tinh giảm nhân sự, phòng giao dịch, chi nhánh…là vì tổng chi phí quá lớn.

Theo tiết lộ của một vị giám đốc công ty chứng khoán tại TP.HCM, hiện việc thuê văn phòng giao dịch, trả lương cho các nhân sự và các chi phí phát sinh khác đang chiếm phần lớn tổng chi phí của một công ty chứng khoán. Trong khi đó, các khoản thu từ phòng giao dịch như: phí môi giới, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư,… lại không đáng bao nhiêu.

Vì thế, các công ty chứng khoán đang có động thái đóng cửa phòng giao dịch, tận dụng mặt bằng làm việc ngay tại sàn giao dịch nhằm tiết giảm chi phí để vượt qua thời kỳ khó khăn.

Ngọc Khôi
Theo Infonet

Từ khóa: