Sự kiện hot
7 năm trước

Công ty Cổ phần Xây lắp điện lực 1 tăng vốn: Nhà nước sẽ thiệt hại tiền tỷ?

Quyết định giảm tỉ lệ sở hữu vốn của Chủ tịch NPC tại Công ty Cổ phần Xây lắp điện lực 1 khiến tiếng nói của cổ đông Nhà nước trong doanh nghiệp này giảm sút, đồng nghĩa với giao “số phận” của hàng nghìn m2 đất vàng ven Hồ Tây cho cổ đông tư nhân.

Công ty CP Xây lắp điện lực 1 (CTCPXLĐL 1) trước là Xí nghiệp Xây lắp điện thuộc Công ty Điện lực 1 (nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc – NPC), được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) tiến hành cổ phần hóa từ năm 2005.

Với số vốn chỉ vọn vẻn 8 tỷ đồng, nhưng CTCPXLĐL 1 là một nhà thầu xây lắp điện lực có uy tín ở các tỉnh phía Bắc, đã và đang thực hiện một số dự án lớn như Gói thầu số 1 Xây lắp lưới điện trung áp nông thôn Thái Nguyên, xây lắp đường dây và trạm biến áp các xã tại Lục Ngạn, Bắc Giang.

Đầu năm 2016, CTCPXLĐL 1 có tờ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2016 về chủ trương thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn cho công tác sản xuất kinh doanh của công ty.

Sẽ không có gì đáng bàn nếu động thái trên đơn thuần phục vụ mục đích mở rộng sản xuất của doanh nghiệp, tuy nhiên nhìn lại những diễn biến trước và sau khi tăng vốn, câu chuyện có thể không đơn giản như vậy.

Tăng vốn làm gì?

Giai đoạn 2005-2015, vốn điều lệ của CTCPXLĐL 1 ổn định ở mức 8 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48,31% bao gồm NPC chiếm 29,21% và Công đoàn NPC nắm giữ 19,1%.

Theo kế hoạch tăng vốn ban đầu, tương ứng với tỷ lệ vốn góp đang sở hữu, NPC được quyền góp thêm 9,372 tỷ đồng; Công đoàn NPC được quyền góp thêm 6,112 tỷ đồng nhằm đảm bảo “tiếng nói” tại doanh nghiệp này.


Công văn số 1553/EVN/NPC-TCKT  do Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thiều Kim Quỳnh ký

Tuy nhiên, ngày 25/4/2016, EVN NPC có Công văn số 1553/EVN/NPC-TCKT  do Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thiều Kim Quỳnh ký, giao nhiệm vụ cho người đại diện phần góp vốn của NPC tại CTCPXLĐL 1 biểu quyết tại ĐHĐCĐ công ty. Theo đó, EVN NPC không góp thêm vốn vào đây để bảo toàn tỷ lệ sở hữu nhà nước.

Cụ thể, Công văn 1553 chỉ rõ “đối với phần vốn EVN NPC được quyền góp tăng thêm tương ứng tỷ lệ nắm giữ 29,21%, EVN NPC sẽ không góp thêm nhưng sẽ xem xét chuyển nhượng quyền mua tăng thêm theo quy định”.

Về 19,1% vốn góp Công đoàn NPC được quyền mua thêm, ngày 6/5/2016, Chủ tịch tổ chức này-ông Nguyễn Văn Tiệp có Công văn số 69/TB-CĐNPC về việc giới hạn thời hạn đăng ký góp vốn tới ngày 16/5/2016. Quá thời hạn trên coi như cán bộ, công nhân viên không có nhu cầu tham gia góp vốn. Với văn bản này, nhân viên đáng ra phải được ưu tiên, thì lại chỉ có đúng… 10 ngày để chuẩn bị tiền nếu muốn thành cổ đông.

Như vậy, khi CTCP XLĐL 1 hoàn thành việc tăng vốn lên 40 tỷ đồng, tỷ lệ vốn của NPC tại đây sẽ chỉ còn 9,7%, so với 48,31% như trước, tính riêng vốn nhà nước sẽ chỉ còn vỏn vẹn 5,8%.

Câu hỏi về tính pháp lý của Công văn số 1553/EVN/NPC-TCKT  của NPC do Chủ tịch Thiều Kim Quỳnh ký cũng được đặt ra, khi mà trong văn bản này, NPC không nêu căn cứ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan chủ quản sở hữu 100% vốn – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù theo quy định đây là điều bắt buộc, mà chỉ đưa ra quyết định dựa trên nội dung thẩm tra của Ban chuyên môn tại NPC.

Thiệt hại tiền tỷ?

Việc giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại CTCPXLĐL 1 sẽ khiến tiếng nói của cổ đông nhà nước trong doanh nghiệp này suy giảm trong nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc quyết định số phận những khu đất “vàng” mà CTCPXLĐL 1 đang nắm giữ.

CTCPXLĐL 1 hiện đang sử dụng 2 mảnh đất rộng 3.350 m2 và 8.109 m2 tại đường An Dương – quận Tây Hồ, Hà Nội, được Nhà nước giao sử dụng làm trụ sở và kho bãi. Đây đều là những mảnh đất rất đẹp và “sạch”, rộng rãi hiếm hoi còn sót lại ở phía Bắc Thủ đô, nằm ngay cạnh hai hồ lớn là Hồ Tây và hồ Trúc Bạch.

Giá đất khu vực này hiện lên tới hơn 100 triệu đồng/ m2. Đối với những mảnh rộng, mặt đường như hai khu đất của CTCPXLĐL 1, giá bán chắc chắn còn cao hơn nhiều.


Công văn số 69/TB-CĐNPC về việc giới hạn thời hạn đăng ký góp vốn tới ngày 16/5/2016

Như vậy, việc giảm tỉ lệ nắm giữ của NPC  tại CTCPXLĐL 1 từ gần 50% (có quyền quyết định) xuống còn chưa tới 10% đồng nghĩa với việc hàng trăm tỷ đồng quyền lợi của nhà nước (về đất đai) ở đây được chuyển giao cho cổ đông tư nhân, mà Ngân sách nhà nước không thu được một đồng nào?.

Thiệt hại trên hoàn toàn có thể tránh được ngay cả khi EVN NPC không góp thêm vốn. Trong trường hợp này, pháp luật hiện hành quy định EVN NPC sẽ phải bán đấu giá quyền mua cổ phần để mang về lợi ích lớn nhất cho Nhà nước (Điều 38 Nghị định 91/2015).

Một trong những ví dụ điển hình của việc áp dụng quy định này là thương vụ bán đấu giá 3,6 triệu cổ phần của Công ty Du lịch Kim Liên, đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên tại Hà Nội với diện tích 3,5 ha. Việc đấu giá công khai, minh bạch đã mang về số tiền lớn cho ngân sách (hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương 274.200 đồng/ cổ phần, gấp 27,4 lần mệnh giá).

 

Quy chế quản lý vốn và người đại diện của EVN tại công ty con, công ty liên kết quy định, EVN quản lý vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết thông qua người đại diện. Người đại diện thực hiện các chỉ đạo của EVN, thay mặt EVN thực hiện quyền của cổ đông, quyền của chủ sở hữu công ty tại công ty con, công ty liên kết. Quy chế này cũng quy định HĐTV hoặc Chủ tịch công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo ủy quyền của EVN, chịu trách nhiệm quản lý vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết theo các quy định hiện hành để bảo toàn, phát triển vốn đầu tư của công ty.

 

 theo Công lý

Từ khóa: