Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản nhưng xuất xứ Trung Quốc?
Vài năm trở lại đây, ở Việt Nam có nhiều cửa hàng bán lẻ mang phong cách Nhật Bản nhưng là đồ Trung Quốc lại nở rộ lên. Với những cái tên quen thuộc như Mumuso, Miniso, Yoyoso, Minigood… cũng tràn ngập hàng Trung Quốc nhưng nhận diện thương hiệu lại rất giống hàng Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong vai khách hàng đi mua hàng tại cửa hàng đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm Daiso của Nhật Bản ở Trung tâm thương mại tại Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. PV báo Người tiêu dùng đã có cuộc khảo sát thực tế cho thấy Daiso bán lẻ với những sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, phụ kiện thời trang, văn phòng " gắn mác" Nhật Bản nhưng hầu hết hàng hóa đều được ghi sản xuất tại Trung Quốc.
|
Sản phẩm xuất xứ Trung Quốc mang thương hiệu Nhật Bản của Daiso |
Nhìn lướt qua các sản phẩm được bày bán trên kệ hàng của Daiso, nếu không để ý kỹ thì nhiều người sẽ nhầm tưởng đây đều là hàng xuất xứ từ Nhật Bản. Bởi tem nhãn mác, bao bì sản phẩm đều được in chữ Nhật rất to và màu bắt mắt. Chỉ có mặt sau của sản phẩm có tem dán chữ rất nhỏ về xuất xứ của hàng hóa, đơn vị nhập khẩu hàng hóa. Hầu hết các sản phẩm bày bán tại đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
|
Daiso khẳng định sản phẩm nhập khẩu Nhật Bản nhưng trên các sản phẩm ghi nơi xuất xứ là từ Trung Quốc |
|
Đơn cử như sản phẩm gạt tàn thuốc lá tờ tem ghi sản phẩm chữ Nhật nhưng nơi sản xuất ghi rõ "made in china", tem tiếng Việt ghi xuất xứ Trung Quốc. |
Tất cả các mặt hàng đều có giá chung là 40.000 đ/ sản phẩm, trên các giá để hàng tại Daiso đều ghi một dòng chữ rất to “Daiso Japan - Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản”. Tuy nhiên, không khó để khách hàng tìm ra rất nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc phổ biến từ chén, bát, gạt tàn thuốc lá, chai lọ các loại… đến gel lạnh. Vào hệ thống siêu thị này, người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là sản phẩm từ Nhật, đâu là sản phẩm của Trung Quốc.
|
Những sản phẩm gia dụng với ma trận tiếng Nhật khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn đây chính là hàng Nhật |
Đánh vào tâm lý khách hàng chuộng hàng ngoại
Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Mai, 45 tuổi ở số 51 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội. "Tôi rất chuộng hàng Nhật nên mới vào Daiso để mua, tôi cũng không hay để ý tới sản phẩm xuất xứ. Vì cứ tin tưởng thương hiệu Nhật Bản, giờ tôi mới chú ý kỹ thì đúng là nhãn mác sản phẩm ở cửa hàng này đều mang "made in China" chính là Daiso đang lừa dối khách hàng, biết rõ điều này khiến tôi rất bực mình.
|
Người nội trợ cũng rất khó phân biệt được sản phẩm xuất xứ nếu không để ý kỹ khi lựa chọn mua sản phẩm |
Với hàng nghìn loại sản phẩm được bày bán tại đây phục vụ cho sinh hoạt thiết yếu của mỗi cá nhân, gia đình, nên các cửa hàng này luôn đón nhận lượng khá lớn người tiêu dùng Hà Nội tham quan mua sắm.
Tuy nhiên, việc lựa chọn được sản phẩm chính hiệu xuất xứ đúng như thương hiệu quảng cáo thì đó là điều không dễ dàng. Bạn Nguyễn Phương, 25 tuổi, ở đường Vũ Trọng Phụng, chia sẻ: "Gia đình mình rất ưa chuộng hàng ngoại, đặc biệt thương hiệu Nhật hay Hàn, giờ nghe nói Daiso bán hàng Trung Quốc nhiều khiến mình cũng giật mình mới để ý cụ thể. Bố mẹ mình cũng thường xuyên mua hàng ở Daiso nhưng giờ biết các sản phẩm dán mác Trung Quốc nên từ nay gia đình mình chắc phải chuyển sang mua sản phẩm ở cửa hàng khác".
Việc mập mờ tem nhãn, sản phẩm xuất xứ không rõ ràng khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn và lựa chọn hàng ngoại đang trở thành vấn đề cần cân nhắc kỹ càng.
|
Đồ chơi trẻ em mang thương hiệu Nhật Bản nhưng xuất xứ Trung Quốc |
|
Các dòng chữ Nhật ghi trên hộp khử mùi nhưng tem dán tiếng Việt xuất xứ sản phẩm Trung Quốc |
|
Nhiều sản phẩm đồng giá tại Daiso xuất xứ từ Trung Quốc |
Như vậy, cửa hàng đồng giá của Nhật Bản đã đánh đúng tâm lý của người tiêu dùng đó là đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng và không thể thiếu cho mỗi cá nhân, gia đình. Mỗi người hãy tự bảo vệ quyền tiêu dùng của mình bằng cách lựa chọn hàng hóa phù hợp, không quá “sính” hàng ngoại mà quên mất giá cả và chất lượng của chúng ra sao.
Như vậy, Các cửa hàng bán hàng hóa Trung Quốc nhưng "đội lốt" sản phẩm Hàn, Nhật đã được người tiêu dùng phản ánh từ lâu nhưng chưa có cơ quan chức năng nào giải quyết.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra hàng hóa tại Mumuso thì người tiêu dùng mới thấy được con số 99,3% hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc. Đặc biệt, thương hiệu này còn có dấu hiệu vi phạm một loạt quy định như không thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu Mumusork, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.
Câu hỏi được dư luận đặt ra, liệu cơ quan chức năng có "quyết liệt" để kiểm soát chặt chẽ các cửa hàng bán hàng Trung Quốc nhưng quảng cáo là thương hiệu Nhật? Phải chăng Daiso đang lừa dối khách hàng? Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hồng Liên
Theo Báo Người Tiêu dùng