Sự kiện hot
10 năm trước

CPI sáu tháng tăng thấp nhất trong vòng mười bốn năm qua

Tháng Sáu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,35% so với tháng Năm và tăng 1% so cùng kỳ năm 2014 đồng thời tăng 0,55% so với tháng 12 năm trước. Theo đó, CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.


Giao thông là nhóm có chỉ số giá tăng 3,54%, cao nhất trong tháng Sáu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Công bố trên được đưa ra từ Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/6.

Bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,1%

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, CPI sáu tháng năm 2015 có tốc độ tăng thấp nhất kể từ năm 2001 trở lại đây, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,1%.

“Nếu không có những đột biến trong 6 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Bên cạnh đó, khi chỉ số tiêu dùng giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng,” bà Ngọc dự báo.

Phân tích cụ thể, bà Ngọc cho rằng, hành vi tiêu dùng trong xã hội đang theo xu hướng tiết kiệm, đi vào thực chất và tập trung ở các nhu cầu thiết yếu hàng ngày hơn trước. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá, có tốc độ tăng về lượng lại cao hơn so với các năm trước, ước sáu tháng năm 2015 tăng 8,5%, trong khi tại các năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt tăng là 4,69%; 4,9%; và 5,69%.

"Như vậy nhu cầu tiêu dùng năm sau vẫn cao hơn năm trước," bà Ngọc nói.


Giá xăng, dầu chi phối

Quay trở lại tổng quan thị trường và giá cả tháng Sáu, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, chỉ có 8 nhóm có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông tăng 3,54%, lĩnh vực thiết bị-đồ dùng gia đình và hàng hóa-dịch vụ là hai nhóm có chỉ số giá tăng thấp nhất, cùng tăng 0,12%.

Hai nhóm có chỉ số giá giảm là hàng ăn-dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông cùng giảm 0,03%.

Nguyên nhân tác động tăng CPI trong tháng, bà Ngọc chỉ ra, giá xăng điều chỉnh tăng 1.200 đồng/lít ngày 20/5 (+6,2%), giá dầu Diezel điều chỉnh hai đợt ngày 21/5 và ngày 4/6 tổng cộng tăng 640 đồng/lít (+3,9%) đã góp phần vào mức tăng CPI chung của tháng Sáu khoảng 0,3%.

“Ngoài ra, giá dịch vụ y tế Thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng từ ngày 1/6 tác động khiến chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,43%, góp phần 0,02% vào mức tăng chung. Còn phải kể đến yếu tố thời tiết nắng nóng, nhu cầu dùng điện tăng, khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,52%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,04%,” bà Ngọc dẫn chứng.

Đáng chú ý, lạm phát cơ bản [CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục -PV] tháng Sáu đã tăng 0,13% so với tháng Năm và tăng 2,01% so cùng kỳ, như vậy lạm phát cơ bản sáu tháng đã có mức tăng 2,24% với cùng kỳ.


Thị trường ngoại hối ổn định

Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã được điều chỉnh 2% (ngày 7/1 và ngày 7/5). Bà Ngọc đánh giá, “chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần ổn định thị trường ngoại hối và hỗ trợ xuất khẩu. thời gian qua, mặc dù giao dịch thị trường có những lúc khá nóng song mức tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng luôn trong biên độ và thấp hơn so với mức trần cho phép.”

Cụ thể, bà Ngọc cho rằng, trên thị trường New York đồng USD tăng giá do lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh. Trong nước do giá vàng giảm, lãi suất ngân hàng cũng giảm dẫn đến tâm lý tích lũy USD trong dân chúng, khiến tỷ giá tăng 0,62% so với tháng trước, tỷ giá dao động quanh mức 21.770 VND/USD.

Bên cạnh đó, giá vàng trong nước có biến động theo xu hướng với giá vàng thế giới, những ngày đầu tháng giá vàng giảm nhẹ. Ngày 15/6, giá vàng thế giới ở mức 1.186,9 USD/ounce giảm 36,6 USD/once so với ngày 15/5. Bình quân giá vàng trong nước ngày 15/6 dao động quanh mức 3,474 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Hạnh Nguyễn
theo Vietnam+

Từ khóa: