Sự kiện hot
12 năm trước

CPI tăng trên 20% sẽ sửa tiếp thuế TNCN

Khoảng 2,6- 2,9 triệu người dân đang nộp thuế bậc 1 sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Chính phủ vừa ký trình Ủy ban thường vụ Quốc hội các đề xuất mới của Bộ Tài chính về sửa đổi loại thuế này. Các mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh nếu lạm phát tăng trên 20% và luật sửa đổi áp dụng sớm từ 1/7/2013.

Khoảng 2,6- 2,9 triệu người dân đang nộp thuế bậc 1 sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Chính phủ vừa ký trình Ủy ban thường vụ Quốc hội các đề xuất mới của Bộ Tài chính về sửa đổi loại thuế này. Các mức giảm trừ gia cảnh sẽ được điều chỉnh nếu lạm phát tăng trên 20% và luật sửa đổi áp dụng sớm từ 1/7/2013.

Như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet đã đưa, sau 3 tháng lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã sửa đổi các mức giảm trừ gia cảnh tăng mạnh so với đề xuất ban đầu. Trong đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế tăng lên 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng 3,6 triệu đồng/người/tháng, gấp 1,25 lần so với hiện hành và tăng thêm 50% so với phương án đầu tiên.

100% người chịu thuế bậc 1 sẽ không phải nộp thuế

Tờ trình của Chính phủ cho biết, không chỉ tăng mức giảm trừ gia cảnh, dự thảo Luật còn bổ sung quy định "mở" làm cho chính sách thuế thu nhập cá nhân trở nên linh hoạt hơn. Đó là phương án khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ có thể trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả.

Cơ chế này sẽ đảm bảo, Luật thuế thu nhập cá nhân sau khi sửa đổi nhưng vẫn có điều kiện sửa đổi tiếp, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô sau đó. Nói cách khác, các mức giảm trừ gia cảnh trên có thể hiểu là mức mềm trong bối cảnh CPI thấp, duy trì dưới 20% như hiện nay.

Theo mức giảm trừ gia cảnh tăng lên, người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng và người có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ 16,2 triệu đồng/tháng trở xuống chưa phải nộp thuế.

Người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc chỉ nộp thuế 490 nghìn đồng/tháng, bằng 2,45% thu nhập chịu thuế, phần thu nhập của cá nhân sau khi nộp thuế là 19,51 triệu đồng. Tương tự, nếu có 2 người phụ thuộc thì số thuế nộp của người dân chỉ còn 190 nghìn đồng/tháng, bằng 0,95% thu nhập chịu thuế và phần thu nhập sau khi nộp thuế là 19,81 triệu đồng.

100% người dân đang nộp thuế bậc 1 sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Với mức giảm trừ gia cảnh trên, mức điều tiết thuế được giảm ở tất cả các bậc. Trong đó, 100% người nộp thuế ở bậc 1 hiện nay sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, 72% số người nộp thuế đang nộp ở bậc 2 sẽ được chuyển sang nộp thuế ở bậc 1. Tương tự mức điều tiết giảm ở tất cả các bậc còn lại do việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng sẽ tác động giảm thu nhập tính thuế tương ứng ở tất cả các bậc.

Dự kiến sau khi áp dụng các mức giảm trừ trên, số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho rằng, chính sách thuế như vậy là thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với nhân dân khi thu nhập thực của người dân còn thấp, phù hợp với bối cảnh lạm phát ở mức cao, đời sống còn khó khăn. Ngoài ra, việc nâng giảm trừ gia cảnh còn đạt mục tiêu giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, vừa đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014, vừa hướng được vào đối tượng có khó khăn, vừa có ý nghĩa xã hội.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đánh giá, việc tăng mạnh mức giảm trừ gia cảnh này sẽ được lòng dân hơn so với đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, từ góc độ là chuyên gia nghiên cứu chính sách thuế thì việc tăng này vẫn cần xem xét lại.

Hiện nay, số người thu nhập từ tiền lương, tiền công khá lớn, hơn 12 triệu người nhưng trong đó, có tới 8,8 triệu người có thu nhập từ tiền lương không phải nộp thuế. Cả nước chỉ có gần 3,9 triệu người hiện đang nộp thuế thu nhập cá nhân, trong đó, gần 2,9 triệu người nộp thuế bậc 1. Còn lại, 1 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân từ bậc 2 trở lên.

Điều đáng nói là số lượng người nộp thuế lại không tỷ lệ thuận với giá trị đóng góp thuế vào ngân sách.

Bà Cúc cho biết, tổng số tiền nộp thuế của 2,9 triệu người ở bậc 1 chỉ đóng góp 10% tổng giá trị thuế thu nhập cá nhân cả nước, còn lại, tới 90% tổng số thuế thu nhập cá nhân lại được đóng góp từ 1 triệu người còn lại.

Vì thế, khi Bộ Tài chính nâng mạnh các mức giảm trừ gia cảnh thì rõ ràng, 2,9 triệu người vốn đang nộp thuế bậc 1 không phải nộp thuế nữa. Như vậy, tính chất của thuế thu nhập cá nhân sẽ thay đổi, không còn đúng ý nghĩa ban đầu mà có thể, "chuyển" sang ý nghĩa thành thuế cho người có thu nhập cao.

Cần giãn khoảng cách giữa các bậc thuế lên 40 lần

Cũng vì lý do phân tích trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa đổi các mức thuế suất và độ giãn cách giữa các bậc thuế của Biểu thuế hiện hành không cần phải đặt ra.

Ngoài ra, hướng sửa đổi trên cho phép việc thực hiện luật thuế trở nên đơn giản hơn. Vì vậy, Chính phủ có điều kiện rút ngắn thời hạn áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi từ 1/1/2014 sớm lên nửa năm, áp dụng từ 1/7/2013.

Dự kiến này theo phân tích của bà Nguyễn Thị Cúc là hạn chế lớn nhất trong đợt sửa đổi mới dự luật.

Theo bà Cúc, việc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân không chỉ phụ thuộc vào mỗi mức giảm trừ gia cảnh mà thực chất, chịu ảnh hưởng có tính quyết định lớn lại chính ở biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay.

Hiện nay, khoảng cách giữa các bậc thuế là quá gần nên tác dụng điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân gần như không thay đổi đáng kể.

Như bà Cúc tính toán, sau khi giảm trừ gia cảnh, bậc 1 có mức thu nhập chịu 5 triệu đồng cho đến bậc 7 cao nhất là 80 triệu đồng chỉ cách nhau 16 lần. Trong khi đó, tại Trung Quốc, khoảng cách này là cách nhau 53 lần, ở Philippines cách nhau 50 lần, ở Malaysia 40 lần và ở Thái Lan là 27 lần.

Khi khoảng cách giữa các bậc thuế quá gần, lại cộng với mức giảm trừ gia cảnh tăng mạnh, một phần lớn người nộp thuế hiện hành thì nghiễm nhiên "miễn thuế", nghĩa vụ đóng góp thuế còn lại dồn tập trung vào một số ít người có thu nhập cao. Đây lại là những cá nhân có trình độ năng lực cao, đặc biệt là những người nước ngoài hoặc người Việt Nam học tập ở nước ngoài về. Vì vậy, chính sách giữ nguyên biểu thuế như hiện nay sẽ khiến Việt Nam sẽ bị hạn chế trong cạnh tranh, thu hút nhân lực so với các nước trong khu vực, đồng thời, tạo ra sự bất bình đẳng với giữa các nhóm người dân.

Bà Cúc đề nghị, Bộ Tài chính nên để giữ nguyên mức đề xuất ban đầu là giảm trừ gia cảnh 6 triệu cho người nộp thuế và 2,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Đồng thời, Bộ cần giãn khoảng cách các bậc thuế tăng từ 16 lần lên khoảng 40 lần nếu so sánh giữa bậc 1 và bậc 7. Như vậy, bậc thuế cao nhất, thu nhập chịu thuế sẽ không phải là 80 triệu đồng/tháng mà là 200 triệu đồng/tháng. Ví dụ, thay vì bậc 2 là từ 5-10 triệu đồng, Bộ cần giãn ra từ 5-15 hoặc đến 20 triệu đồng/tháng.

So sánh với các nước trong khu vực cho thấy, Trung Quốc từ ngày 01/9/2011 quy định chung mức giảm trừ gia cảnh là 42.000 NDT/năm, tương đương 6.404 USD/năm và bằng 1,23 lần GDP bình quân đầu người năm 2011.

In-đô-nê-xi-a quy định mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 15,84 triệu rupi/năm, tương đương 1.830 USD/năm và bằng khoảng 0,527 GDP bình quân đầu người năm 2011.

Ma-lai-xi-a quy định mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 9.000 RM/năm, tương đương 2.687 USD/năm và bằng khoảng 0,312 lần GDP bình quân đầu người năm 2011.

Mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam có tỷ lệ trên cao hơn như bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2009 và bằng khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2011 nhưng do thu nhập bình quân đầu ở Việt Nam còn thấp nên mức giảm trừ gia cảnh về số tuyệt đối là thấp.

Chẳng hạn như, GDP bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng 0,262 lần Trung Quốc, bằng 0,257 lần Thái Lan, bằng 0,158 lần Malaisia, bằng 0,392 lần Indonexia và 0,604 lần Philippines

Phạm Huyền
Theo Vietnamnet

Từ khóa: