Không có nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất khoản vay cũ và khoản mới. Trong khi đó, các ngân hàng đều bày tỏ quan điểm, hạ lãi suất nhưng không cào bằng doanh nghiệp (DN) tốt và DN yếu. Sẵn sàng hạ lãi suất nhưng không hạ chuẩn xem ra là cú “knock out” loại bỏ các DN yếu kém. Điều này bị nhiều DN phản ứng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lại cho rằng, cần chấp nhận điều đó trên quan điểm tái cơ cấu.
Không có nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất khoản vay cũ và khoản mới. Trong khi đó, các ngân hàng đều bày tỏ quan điểm, hạ lãi suất nhưng không cào bằng doanh nghiệp (DN) tốt và DN yếu. Sẵn sàng hạ lãi suất nhưng không hạ chuẩn xem ra là cú “knock out” loại bỏ các DN yếu kém. Điều này bị nhiều DN phản ứng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lại cho rằng, cần chấp nhận điều đó trên quan điểm tái cơ cấu.
Lãi suất 15%: DN yếu đừng mơ
Một tuần sau thời điểm yêu cầu hạ lãi suất các khoản vay cũ, ngoài các ngân hàng đã công bố như: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank hay SHB… VPBank là số ít tiếp theo công bố giảm lãi suất.
Từ ngày 14/7, VPBank thực hiện rà soát, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ cũ xuống tối đa 15%/năm. Chỉ trong 2 ngày 15-17/7, VPBank đã giảm lãi suất cho gần 400 khoản vay với tổng giá trị trên 460 tỷ đồng. Hiện VPBank tiếp tục giảm lãi suất cho khoản vay cũ, dự tính tổng dư nợ được giảm lãi suất khoảng 10.000 tỷ đồng. Trước đó, VPBank cũng đã thỏa thuận với các khách hàng để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ với lãi suất rất cao trong thời gian trước xuống mức lãi suất hợp lý hơn, từ 14 – 17%/năm. Thậm chí, khách hàng đã được giảm lãi suất từ trước, nếu lãi suất vẫn cao hơn 15%/năm thì tiếp tục xem xét giảm.
Tuy nhiên, do có ít ngân hàng dám áp dụng cắt giảm mạnh vì sợ ảnh hưởng lợi nhuận nên rất nhiều DN vẫn kêu ca chưa được giảm.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) thông báo, việc NHNN chỉ đạo cho giảm lãi suất các khoản nợ cũ xuống dưới 15% khiến các DN thép như tháo được nút thắt khó khăn, tạo điều kiện để tiếp cận vốn rẻ để mở rộng sản xuất, giảm giá thành, giải phóng hàng tồn kho. Theo báo cáo sơ bộ qua hai ngày qua, phần lớn các DN trong Hiệp hội đã tiếp cận được các khoản vay với lãi suất dưới 15%, nhất là các ngân hàng (NH) đang tiếp cận DN để thương thảo một số điều kiện sửa hợp đồng.
Một lãnh đạo Hội DN Trẻ Việt Nam cho biết, việc tiếp cận không hề đơn giản bởi các điều kiện cho vay như tài sản thế chấp, dư nợ, các điều kiện đảm bảo hầu như DN khó đáp ứng được. Bên cạnh đó, hàng tồn kho cứ tăng lên theo ngày, các khoản thanh toán giải ngân chậm khiến DN bí về vốn.
Riêng điều kiện định giá tài sản cũng khiến DN gặp khó khăn. Tài sản bảo đảm theo thị trường 1 tỉ đồng nhưng ngân hàng chỉ định giá 500 triệu đồng và như thế hợp đồng cho vay chỉ khoảng 300 triệu đồng. Lãi suất cho vay là thoả thuận nên DN phụ thuộc nhiều vào sự mặc cả lãi suất của NH. “Có trường hợp chỉ vì năng lực của cán bộ tín dụng còn có hạn, chuyên môn nắm vững nhưng kinh nghiệm xử lý vay vốn thực tế không linh động. Thậm chí có nhân viên tín dụng dùng những “mánh khoé” cài DN để thu hồi vốn và lãi cũ rồi sau đó không giải quyết vốn mới”, vị đại diện DN này than thở.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Minh Anh (Hưng Yên), mặc dù công ty của ông không có các khoản vay cũ nhưng với tình hình khó khăn của DN hiện tại, ông Minh cho rằng, các khoản vay cũ áp dụng lãi suất dưới 15% thì DN phải nỗ lực lắm mới trả được. Trong việc giảm lãi suất NH sẽ nhìn vào thực tế của DN nào có khả năng trả nợ thì mới giải quyết, ngược lại các DN mà yếu thì cực kì khó. Chủ trương ban hành nhưng khi làm thủ tục thì nhiêu khê, thậm chí mất thêm chi phí.
Trong khi đó, sau yêu cầu giảm lãi suất dưới dạng một thông báo, NHNN sẽ không ban hành văn bản hướng dẫn giảm lãi suất cho vay mà phụ thuộc vào sự tự nguyện của các ngân hàng khi đàm phán với DN. Với thực tế trên, thì DN yếu kém, đang hấp hối sẽ khó được cứu.
Áp chuẩn cần đúng thực tế
Trong cuộc đối thoại mới đây với DN, một mặt các nhà băng đều bày tỏ thiện chí trong giảm lãi suất nhưng mặt khác lại nhấn mạnh đến điều kiện: chỉ cứu DN nào có khả năng sống. Ưu đãi được nhắc đến là ngoài các tài sản đảm bảo, các NH vẫn mở rộng tín dụng dựa trên hàng hóa tồn kho, ngay cả các khoản phải thu của DN cũng có thể là tài sản đảm bảo để cho vay… nhưng điều đó không có nghĩa là hạ chuẩn cho vay và không phải ai cũng được giảm lãi suất mà không có sàng lọc.
Điều này cũng dễ hiểu khi các NH đang đối mặt với vấn đề nợ xấu. Nợ xấu đang là một trong những rào cản khiến các DN có nợ, nhất là nợ xấu lớn không thể tiếp cận được với nguồn vốn. Các quy định cũng ghi rõ, đơn vị nào có nợ xấu bao nhiêu thì sẽ không được cho vay nữa.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, thực tế này đã làm ngừng lại những nguồn tín dụng từ hệ thống NH xuống với cộng đồng DN. Vì thế Nhà nước nên nghiên cứu làm sao có giải pháp tháo gỡ để ngân hàng có thể cho vay và các DN có thể được vay. Còn các NH thì phải thay đổi cách làm việc ví như khi thẩm định dự án phải xem tính khả thi của nó chứ không nên tập trung toàn bộ vào tài sản thế chấp như trước. Hiện DN đang có hàng đống vốn vay hãy phân loại họ ra, xem họ có khả năng tiếp tục làm việc để trả nợ hay không, ví như xem họ có sản phẩm, thị phần, thị trường tốt hay có ban quản trị tốt hay không. Bởi nợ xấu là chuyện nhất thời nếu làm ăn tốt thì sẽ phá băng được những khoản nợ, còn những DN không có những yếu tố này thì tự họ đã đi vào chỗ chết rồi, không thể cho vay tiếp
Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các NH đều cho biết, không thể hạ thấp chuẩn cấp tín dụng được. Vì các NH cho vay vốn vẫn phải tuân thủ các tiêu chí: DN phải có phương án sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính lành mạnh, có tài sản đảm bảo, có mục đích sử dụng vốn vay, không nợ xấu... Các NH có thể xem xét cho các DN có những khó khăn tạm thời và có thể vượt qua được thì có thể hỗ trợ cho vay. Nhìn chung, dẫu có nới lỏng chính sách cho vay nhưng NH vẫn phải tuân thủ những qui tắc cơ bản trong qui trình cho vay
Ông Nguyễn Đại Lai, chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước, khẳng định các NH phải tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch: không thể cho vay dưới chuẩn, bởi bài học cho vay dưới chuẩn của Mỹ từ những năm trước đã cho thấy về lâu dài không chỉ hệ thống NHTM mà cả nền kinh tế nói chung sẽ phải trả giá đắt
Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là sự sâu sát, linh hoạt và chia sẻ với DN. Theo vị chuyên gia này, từ trước tới nay, nhiều đơn vị NH thường không sâu sát lắm với những món nợ của mình. Trong tình hình hiện tại, để đánh giá và đưa ra một chuẩn thích hợp, NH phải “xông pha, sâu sát” với DN để giám sát được những món nợ một cách chuẩn nhất. Đặc biệt, trong khâu thẩm định phải làm kỹ và làm chuẩn để biết những dự án vay vốn nào có phương án hoạt động sản xuất kinh doanh khả thi nhất, có khả năng trả nợ nhất chứ không chỉ căn cứ dự án ấy có bao nhiêu tài sản thế chấp, có bao nhiêu sổ đỏ và đơn hàng.
Bởi đó chỉ là chuyện hình thức. Điều quan trọng là nhà băng phải có hẳn một chiến lược săn lùng những khách hàng có tiềm năng như vậy, chứ không phải là đặt ra những “chuẩn mực” mang tính hình thức rồi cậy có tiền, muốn cho ai vay thì vay… Giữ chuẩn tốt và thực tế, khách hàng tốt được vay, và những DN yếu kém bị loại bỏ cũng không còn lý do để kêu ca.
Tâm Hoàng
Theo Vietnamnet