Đó là đề xuất của bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH tại Hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 4.4.
Tư duy lớn trong sản xuất hữu cơ
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Một trong những chủ trương trong tái cơ cấu nông nghiệp của nước ta đó là chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và tiến đến nền nông nghiệp thông minh, đây cũng là xu hướng trên thế giới hiện nay.
Tại Hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” tổ chức ngày 4.4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Một trong những chủ trương trong tái cơ cấu nông nghiệp của nước ta đó là chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…
Tập đoàn TH là đơn vị được Bộ NN&PTNT đánh giá là tiên phong trong xu hướng này khi đã xây dựng được các mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ quy mô lớn với 2 trang trại rau, dược liệu đã được chứng nhận hữu cơ Châu Âu và Mỹ; sắp tới tập đoàn TH cũng sẽ đạt chứng nhận này cho trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ, nhà máy chế biến sữa. Các mô hình của TH thể hiện tư duy “đi tắt đón đầu” khi ngay từ năm 2009 đã áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, chế biến sữa, và tiếp tục áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ.
Theo bà Thái Hương, điều quan trọng nhất trong sản xuất hữu cơ là tiêu chuẩn sản xuất. Với tư duy “đưa hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam ra thế giới”, bà rất quan tâm tới các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế và các chứng nhận quốc tế: “Để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường nước ngoài, tôi và đồng nghiệp đi thăm và tìm hiểu các tiêu chí sản xuất để áp dụng. Chẳng hạn như sang Nhật Bản chúng tôi tìm hiểu tiêu chuẩn của Nhật Bản, EU…”
Làm chủ được công nghệ, làm chủ được tiêu chuẩn sản xuất, tập đoàn TH cho biết có định hướng trở thành nhà tư vấn, dẫn dắt đi cùng nông dân để liên kết sản xuất. Bà Thái Hương chia sẻ: “Tôi là Chủ tịch Hiệp hội ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng tới thành lập Viện Nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi sẵn sàng tư vấn, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ vào thị trường châu Âu và Mỹ, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp và nông dân hãy liên kết với nhau để làm tốt hoạt động này”.
Sự liên kêt này, theo bà Thái Hương là để đảm bảo tính tuân thủ, xây dựng niềm tin cho sản phẩm hữu cơ, tổ chức vùng sản xuất nông sản hữu cơ ở quy mô lớn để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo kịp đà thế giới
Bộ NN&PTNT đánh giá, trong 10 năm trở lại đây tốc độ phát triển sản phẩm hữu cơ rất nhanh, từ chỗ đơn lẻ một số nước đến nay có tới 173 nước đã phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, với tổng giá trị thương mại vào khoảng 81 tỷ đô la vào năm 2015. Đối với Việt Nam cũng vậy, khi nhu cầu lương thực đã được tạm ổn, nhu cầu về thực phẩm cũng được nâng cao, không chỉ đủ mà phải ngon và an toàn. Do vậy, nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Các chuyên gia chăn nuôi bò sữa hữu cơ của trang trại TH đang trình bày với Ông Andre Leu về quy trình thực hiện chuyển đổi từ bò thông thường sang chăn nuôi tiêu chuẩn Organic
Mặc dù sản xuất nông nghiệp hữu cơ bước đầu có những khởi sắc tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh vào một số khó khăn đó là khi chuyển đổi sang phương thức sản xuất của nền nông nghiệp hữu cơ, cần có sự tuân thủ nghiêm ngặt để bảo vệ hệ sinh thái; khó hình thành những vùng nông nghiệp hữu cơ có quy mô diện tích lớn. Đồng thời việc sản xuất theo hướng hữu cơ cũng còn mới nên phải thiết lập lại chủ trương, chính sách, khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Đánh giá về xu hướng sản xuất hữu cơ, ông André Leu, Chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế cho biết: sự kết hợp giữa giá cả cao hơn và sản lượng cao hơn của sản xuất hữu cơ sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của cộng đồng nông nghiệp và thu nhập cho các quốc gia dựa vào thu nhập từ nông nghiệp.
Đàn bò chuyển đổi nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu và Mỹ tại trang trại bò sữa TH (Nghĩa Đàn, Nghệ An)
Góp ý cho Bộ NN & PTNT và chính phủ VN, ông Andre cho biết, cần phải hoàn thiện quy định về canh tác hữu cơ ở VN để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó sẽ giúp sản phẩm hữu cơ của Việt Nam được chấp nhận rộng rãi nhằm tận dụng và tiếp cận thị trường. Tiêu chuẩn VN phải phù hợp với chuẩn chung của thế giới, vì vậy chính phủ VN có thể bắt đầu các thỏa thuận về công nhận tương đương để tiếp cận thị trường hữu cơ chính. Hệ thống chứng nhận của VN phải tương đương chuẩn ISO 17011, quy chuẩn quốc tế đối với các hệ thống chứng nhận.
Vì vậy, với các DN đang áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu và Mỹ như TH true MILK, ông Andre đánh giá rất cao. Đặc biệt khi biết DN này thực hiện chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò một cách tỷ mỷ. Quan tâm tới mô hình này, ông Andre đã dành 1 ngày để tham quan cách làm của TH true MILK.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện có khoảng 30/63 tỉnh thành đã triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ có sản phẩm đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc...