Dantin - Ngay sau khi thương hiệu nổi tiếng Starbucks từ Mỹ tràn vào Việt Nam, truyền thông trong nước cũng như truyền thông quốc tế liên tục đặt ra những câu hỏi: Liệu “vua cà phê Việt” Trung Nguyên có chống được “người khổng lồ” Starbucks không?
Dantin - Ngay sau khi thương hiệu nổi tiếng Starbucks từ Mỹ tràn vào Việt Nam, truyền thông trong nước cũng như truyền thông quốc tế liên tục đặt ra những câu hỏi: Liệu “vua cà phê Việt” Trung Nguyên có chống được “người khổng lồ” Starbucks không?
Còn quá sớm để khẳng định kết quả cuộc chiến. Nhưng những gì mà Trung Nguyên đang làm chắc chắn một điều: Không có điều gì là dễ dàng cho Starbucks thống lĩnh thị trường cà phê.
“Người khổng lồ” Starbucks: Anh là ai?
Khi Starbucks chuẩn bị vào Việt Nam, dường như giới báo chí không mấy ai hiểu về “người khổng lồ” này một cách tường tận. Một đồng nghiệp thường trú tại Mỹ khi được hỏi đã nói ngay: “Starbucks ư? Đó là một loại cà phê triết lý theo kiểu lối sống. Triết lý cà phê Starbucks!”. Anh cũng cho biết: Đó là thứ làm nên thương hiệu của “người khổng lồ” này.
Tìm hiểu thêm về Starbucks mới biết “người khổng lồ” quả thật …khổng lồ! Hiện Starbucks đang có mặt trên khắp 50 tiểu bang của Mỹ với hơn 8.600 cửa hàng nhộn nhịp suốt ngày. Starbucks, hiện cũng đang có khoảng 12.000 cửa hàng cà phê trên toàn thế giới với 125.000 nhân viên phục vụ và doanh thu hơn 6 tỉ đô la hàng năm. Không dừng ở con số “mơ ước” đó, Starbucks đã đề ra mục tiêu là sẽ có 40.000 tiệm cà phê của họ trên toàn thế giới. “Khắp nơi trên đất Mỹ và tại một số thành phố lớn trên thế giới, mỗi sáng sớm, suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, mới bảnh mắt đã có người sắp hàng trước quầy cà phê Starbucks”- người đồng nghiệp của chúng tôi nói.
Các cửa hàng cà phê Starbucks đều nhỏ nhắn, không trang trí màu mè, nhưng sự xuất hiện của Starbucks lại rất bắt mắt và nổi bật trong một khu thương mại có nhiều cửa hàng sang trọng, được kiến trúc tân kỳ và mỹ thuật. Nhiều người Mỹ đều dễ thấy một điều là bất kỳ chỗ nào cũng có Starbucks. Hè phố, công viên, rạp chiếu phim, sân bóng chày, bệnh viện thậm chí nhà trẻ cũng có mặt Starbucks.
Nhưng chỉ nói tại Mỹ thì chưa đầy đủ. Người đồng nghiệp của chúng tôi gửi về những số liệu thống kê không mới (năm 2009) của Starbucks trên phạm vi toàn thế giới cũng khiến bất kỳ người kinh doanh cà phê nào cũng phải “ngả mũ” kính phục: Doanh thu đạt gần 9,8 tỷ USD, tài sản cổ phần 3,05 tỷ USD với tổng số nhân viên lên đến 130 ngàn người. Đến thời điểm tháng 12/2012, Starbucks đã có 18.000 cửa hàng trên toàn cầu và doanh thu quý IV/2012 đạt 3,4 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Sự thành công của Starbucks được các chuyên gia kinh tế giải thích rằng “người khổng lồ” đã hội đủ cả 4 yếu tố tạo nên một “sức bật kinh doanh mang tầm thế kỷ”. Đó là: Tính quần chúng, tính sáng tạo độc đáo, năng lực quảng cáo tiếp thị và sức mạnh tổ chức nội bộ.
Cuộc đối đầu giữa Trung Nguyên – Starbucks: Bên nào sẽ thắng ?
Đối đầu “người khổng lồ”: Đừng sợ hãi!
Trong khoảng thời gian trước và sau khi thương hiệu cà phê Starbucks của Mỹ mở cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, “sếp tổng” của cà phê Trung Nguyên đã không thể ngồi yên. Đầu tiên, ông Vũ “tuyên chiến” với Starbucks trên mặt trận truyền thông. Người ta thấy ông Vũ xuất hiện trên các hãng truyền thông quốc tế lớn như Reuters,BBC rồi một loạt tờ báo và truyền hình trong nước.
|
Ngày 1/2, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks nổi tiếng đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam bằng cửa hàng đầu tiên của mình. Starbuck lựa chọn mở cửa hàng của mình ở khu vực sầm uất chỉ cách Bufger King ở chợ Bến Thành, trung tâm thương mại du lịch TP Hồ Chí Minh 1,6km.
Ngay sau khi cửa hàng được khai trương, rất đông các bạn trẻ đã xếp hàng nhiều giờ đồng hồ chỉ để được thưởng thức một cốc cà phê nổi tiếng và chụp hình với cốc cà phê của Starbucks để khoe trên các trang mạng xã hội.
P.M
|
|
Ông Vũ đã “cười cợt” Starbucks trong cuộc nói chuyện với Reuters: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành một thương hiệu toàn cầu. Starbucks thật giỏi trong vấn đề in sâu một câu chuyện vào tâm trí người tiêu dùng, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của họ, những gì mà họ đang làm dở tệ. Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”.
Chưa hết, ông chủ của Trung Nguyên còn cho rằng Starbucks chỉ là “người khổng lồ không có bản sắc”. ““Chúng ta nên nhìn nhận lại, đừng thổi bùng mọi chuyện lên quá mức. Đừng nói Starbucks là đối thủ, kẻ thù hay cạnh tranh gì đó với Trung Nguyên. Cứ giả dụ 10 năm nữa, Starbucks xây dựng được 100 cửa hàng, thậm chí, nhiều nhất là 200 cửa hàng tại Việt Nam, với 200 cửa hàng đó, doanh thu của Starbucks được bao nhiêu, bán cho bao nhiêu đối tượng khách hàng trong đất nước 80 triệu dân này, mà nói Trung Nguyên phải sợ hãi?!.”
“Nước Mỹ có cần uống cà phê không hay cần uống một thứ nước gì đó? Ai sợ người khổng lồ không còn bản sắc, không còn tư tưởng chủ đạo? Thế giới đang chờ một thế lực khác thay thế? Liệu Trung Nguyên có dám nghĩ là mình sẽ trở thành người thay thế không? Tại sao không?” – ông Đặng Lê Nguyên Vũ quả quyết.
Người được coi là “vua cà phê Việt” này nhấn mạnh: Không phải bây giờ khi Starbucks vào Việt Nam, Trung Nguyên mới tính tới chuyện “đấu” với Starbucks mà điều này đã được suy nghĩ từ rất lâu rồi. Nói là làm. Ông Vũ nói sắp tới sẽ đưa Trung Nguyên tràn ngập thị trường Mỹ để “đấu tay đôi” với Starbucks một cách đàng hoàng. Ông Vũ cũng không che dấu ý định: Trung Nguyên sẽ mua lại một số nhà máy rang xay cà phê ở Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở Seattle, New York và Boston ngay trong năm nay. Điều đặc biệt là Seattle chính là nơi ra đời của Starbucks.
Tuy nhiên, cũng chính ông Vũ thừa nhận: “Tôi cho rằng, Starbucks vào Việt Nam chỉ đóng góp thêm cho sự đa dạng và là tác nhân kích thích thêm cho các doanh nghiệp nội địa tiến lên”.
“Ai thích giống Tây, giống Mỹ thì tìm tới Starbucks còn ai muốn uống cốc cà phê tuyệt hảo, muốn khơi nguồn sáng tạo, muốn yêu nước thì tìm tới Trung Nguyên” – ông Vũ kết luận.
Tự bơi để khỏi chìm
Vậy là cuộc “xâm lăng” thị trường cà phê Việt của “người khổng lồ” bên kia bờ Đại Tây Dương mang tên Starbucks đã mở màn bằng việc ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM,TP kinh tế lớn nhất Việt Nam.
“Cuộc chiến” giữa các thương hiệu cà phê nội mà đứng đầu là Trung Nguyên với “người khổng lồ” Starbucks đã bắt đầuvới nước cờ “chiếm ưu” thuộc về Starbucks. Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng cà phê trong nước và thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới chưa ai có thể đoán định được kết quả sẽ ra sao?
Nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh cà phê đang đặt câu hỏi: Sau những phát ngôn “đình đám” trên một loạt hãng truyền thông lớn trong nước và quốc tế, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, ông chủ của cà phê Trung Nguyên sẽ đi các nước cờ gì tiếp theo để chống lại cuộc “xâm lăng” kia?
Nếu như ông Vũ, người mà được nhắc đến là “vua cà phê Việt” hay “Vũ sĩ cuồng” đang chê bai đủ điều về Starbucks thì hầu như “người khổng lồ” không mất quá nhiều thời gian vào việc này. Ông JohnCulver, Chủ tịch Starbucks tại khu vực Trung Quốc - Châu Á - Thái Bình Dương chỉ nói hai câu ngắn gọn: “Chúng tôi sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam” và “Sẽ có hàng trăm cửa hàng Starbucks tại đây”.
Khi Starbucks chưa vào Việt Nam, quá nhiều người Việt đều chưa biết đến thương hiệu này dù chỉ một cái tên. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi người ta chưa ngồi xuống ghế để lựa chọn ly cà phê buổi sáng, người ta đã hỏi nhau có biết gì về cà phê Starbucks không? Vậy là họ chưa bán đã lời. “Người khổng lồ” đã không tốn một xu truyền thông nào để quảng bá thương hiệu của mình ngay trên sân khách.
Điều bất lợi ấy dường như ông chủ Trung Nguyên vẫn chưa nhận ra. Một điều khác là ai cũng dễ nhận ra tuyên bố của ông chủ Trung Nguyên sẽ tìm đường vào đất Mỹ chưa thành hiện thực thì “người khổng lồ” đã lù lù xuất hiện ngay trước mặt Trung Nguyên và nhanh chóng mở ngay cửa hàng đầu tiên để đặt nền móng. Starbucks một lần nữa khẳng định thương hiệu của chính mình: Làm quan trọng hơn nói. Vậy là “gã khổng lồ” lại thu thêm một thắng lợi nhỏ nữa để tiếp tục có những chiến lược “xâm lăng hoàn hảo”.
Nhưng nói thế cũng không thể kết luận Trung Nguyên sẽ thua toàn cục. Điều mà giới phân tích cho rằng sau khi thua hai nước cờ trên thì Trung Nguyên cần phải hiểu thật rõ “người khổng lồ” để chí ít không thắng toàn cục thì cũng không thua. Nói một cách khác thì Trung Nguyên hãy tự cứu mình bằng những chiến lược cụ thể. Cố bơi để khỏi chìm trong chính chiếc ao của nhà mình.
T.P
|
Minh Phương