Đó là câu phát biểu của ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế thương mại tại Đại hội tổng kết nhiệm kỳ III (2018 - 2023), phương hướng, nhiệm vụ, nhiệm kỳ IV (2024 - 2029) của Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội, tổ chức sáng 31/3 tại Hà Nội.
Gian nan đối mặt hàng giả
Hàng giả đã xuất hiện ở hầu hết mọi ngành hàng, mặt hàng từ những hàng hoá tiêu dùng thông thường cho đến các loại thiết bị, máy móc công nghệ cao với cách thức hoạt động ngày càng tinh vi.
Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng hoạt động buôn lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: thuốc lá, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, điện thoại di động, mỹ phẩm, thực phẩm các loại... không chỉ xuất hiện ở kênh bán hàng trực tiếp mà nay hàng giả còn xuất hiện qua kênh bán hàng online (facebook, các sàn thương mại điện tử…).
Mới đây nhất, trong tháng 10/2023, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm...
Các lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 3.232 vụ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... qua đó thu nộp Ngân sách Nhà nước 450,739 tỷ đồng. Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 477 vụ, xử lý 424 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 6,253 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 4,7 tỷ đồng. Công an TP. Hà Nội kiểm tra 234 vụ, xử lý 213 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2,64 tỷ đồng. Truy thu và thu hồi thuế 6 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 16,458 tỷ đồng. Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, bắt giữ, xử lý 94 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 36,7 tỷ đồng; truy thu thuế 3 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 10,6 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy, cuộc chiến chống hàng giả của TP. Hà Nội còn nhiều cam go, đòi hỏi công tác phòng chống, đấu tranh, triệt phá cần phải bền bỉ, mạnh mẽ hơn của nhiều lực lượng, thành phần, kể cả nhà cung cấp hàng hóa và người tiêu dùng.
Tạo thế và lực đứng vững trên thương trường
Tại Đại hội, ông Triệu Văn Thìn - Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội cho biết, Từ năm 2018 đến nay, kinh tế cả nước và Thủ đô đô chịu những tác động xấu của suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 2019 do đại dịch Covid-19 thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Những khó khăn về kinh tế vực dậy sau đại dịch vô cùng khó khăn. Tác hại vấn đề lạm phát, tỷ giá, thị trường bất động săn đóng băng, sản phẩm, hàng hóa không tiêu thụ được… Tất cả những nguyên nhân trên đã tạo ra tình trạng thua lỗ, phá sản của nhiều doanh nghiệp.
Thực trạng về buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giá, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn là sự bức xúc của người tiêu dùng và xã hội.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo Hội và các hội viên Đã đoàn kết đồng lòng, nỗ lực phấn đấu trong lĩnh vực hoạt động phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nên 5 năm qua toàn Hội đã vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu vươn lên giành được nhiều kết quả to lớn, thực hiện được những mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đai hội lần thứ III đề ra.
Nhiệm vụ lần thứ IV còn đầy gian nan, vất vả, toàn Hội quyết tâm đoàn kết, cùng nhau tiến lên trên mặt trận phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, cùng nhau xây dựng nhãn mác hàng hóa, logo và thương hiệu của doanh nghiệp mình để tạo thành thế và lực đứng vững trên thương trường, phát triển danh nghiệp hiệu quả, bền vững, ông Triệu Văn Thìn nhấn mạnh.
Phát biểu về công tác chống hàng giả, ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế thương mại phát biểu: “Tôi hết sức hoan nghênh những kết quả đạt được của hội chúng ta mà tôi đã theo dõi gần 20 năm nay. Chúng ta làm được rất nhiều việc tốt để góp phần chống hàng giả và xây dựng những thương hiệu làm ăn tử tế trên thị trường. Nhưng đồng thời còn rất nhiều việc mà chúng ta cần phải làm. Hàng giả bây giờ không phải chỉ ở trên kênh bán hàng trực tiếp offline mà bây giờ chúng còn xuất hiện ở kênh online, kể cả trên các sàn thương mại điện tử lớn như shopee, Lazada hay Tiki… hay như thương hiệu thẩm viện Mailisa liên tục bị xử phạt... hàng giả ở kênh trực tiếp mình chống đã khó, trên online thì còn khó hơn.
Cuộc chiến chống hàng giả của chúng ta là phải làm liên tục, không bao giờ ngưng nghỉ để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đối với hàng giả, nếu ta lùi một bước thì nó sẽ tiến 3 bước. Vì vậy chúng ta phải có một bộ phận nghiên cứu rất kỹ về những cách thức tồn tại của chúng để triệt hạ những hàng giả này ra khỏi xã hội. Chúng ta không làm chung chung, tất cả các cơ quan tuyên truyền của Hội phải kết hợp chặt chẽ với Cục quản lý thị trường. Chúng ta đoàn kết lại, làm ăn tử tế, có trách nhiệm, chúng ta kiến nghị xử lý nghiêm khắc hơn với hàng giả thì nó sẽ không có đất để tồn tại”.
Tại Đại hội, các đại biểu cũng thảo luận, góp ý sôi nổi về các hoạt động xây dựng Hội trong thời gian tới.
Tại đây, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 02 tập thể là Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội và Công ty Cổ phần Roson Việt Nam vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua nhân dịp kỷ niêm 15 năm thành lập Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội.
Sở Công Thương Hà Nội đã Tặng Giấy khen của Giám đốc Sở cho 01 tập thể và 8 cá nhân có thành tích đột xuất trong đợt thi đua kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội (2008 - 2023).
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa IV gồm 27 đồng chí. Ban Chấp hành cũng đã họp và bầu ông Triệu Văn Thìn tái cử chức Chủ tịch Hội; ông Trần Quốc Hùng và ông Phạm Văn Tuấn tái cử chức Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội.
PHI LONG - QUANG HƯNG
Theo KTĐU